/ Kết nối
/ Đại học Thái Nguyên: Tuyển sinh 19.590 chỉ tiêu năm 2025

Đại học Thái Nguyên: Tuyển sinh 19.590 chỉ tiêu năm 2025

10/04/2025 14:27 |1 tháng trước

(LSVN) - Năm 2025, Đại học Thái Nguyên dự kiến tuyển sinh 121 ngành với 165 chương trình đào tạo trình độ đại học với 18.470 chỉ tiêu và 21 ngành đào tạo trình độ cao đẳng với 1.120 chỉ tiêu theo 6 phương thức.

Đại học Thái Nguyên là đại học vùng, đại học công lập, đào tạo nhân lực chất lượng cao; nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ tiên tiến, đa ngành, đa lĩnh vực. Đây cũng là cơ sở giáo dục đại học trọng điểm quốc gia, nằm trong nhóm 500 trường đại học hàng đầu châu Á, là trung tâm đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững cộng đồng.

Đại học Thái Nguyên.

Đại học Thái Nguyên.

Tập trung phát triển các ngành đào tạo mới

Năm 2025, Đại học Thái Nguyên tuyển sinh 121 ngành với 165 chương trình đào tạo trình độ đại học với 18.470 chỉ tiêu và 21 ngành đào tạo trình độ cao đẳng với 1.120 chỉ tiêu trên nhiều lĩnh vực đào tạo khác nhau, theo 6 phương thức chủ yếu:

- Xét tuyển thẳng theo Quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

- Xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025;

- Xét tuyển theo kết quả học tập THPT (Học bạ);

- Xét tuyển theo kết quả thi đánh giá đầu vào đại học trên máy tính (V-SAT-TNU) của Đại học Thái Nguyên;

- Xét tuyển theo kết quả thi đánh giá năng lực củaĐại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; đánh giá tư duy của Đại học Bách Khoa Hà Nội;

- Xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025/theo kết quả học tập THPT (Học bạ) kết hợp với thi tuyển năng khiếu.

Đại học Thái Nguyên đã tập trung phát triển các ngành đào tạo mới, ưu tiên các ngành đào tạo có tính liên ngành. Đào tạo theo hướng liên ngành là tích hợp các lĩnh vực khác nhau trong cùng một ngành đào tạo, qua đó người học dễ dàng thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của thị trường lao động. Xu hướng này được Đại học Thái Nguyên lựa chọn đào tạo, gắn kết công nghệ với các lĩnh vực khác, đáp ứng nhu cầu nhân lực của thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0.

Bên cạnh đó, Đại học Thái Nguyên cũng ưu tiên các ngành đào tại có sự tham gia của nhiều trường đại học thành viên để tạo điều kiện cho sinh viên có thể học cùng lúc hai chương trình đào tạo tại Đại học Thái Nguyên. Các chương trình đào tạo có hợp tác với các đối tác nước ngoài để tạo điều kiện cho sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể làm việc ở các nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc…

Năm 2024, Đại học Thái Nguyên mở mới 11 ngành, chuyên ngành đào tạo trình độ đại học đáp ứng yêu cầu về công nghệ, tài chính, quản trị gắn với chuyển đổi số như: Ngành Công nghệ Tài chính, ngành Quốc tế học (Khoa Quốc tế); ngành Công nghệ và đổi mới sáng tạo, ngành Quản lý phát triển đô thị và bất động sản, ngành Tài chính - Kế toán (Trường Đại học Nông Lâm); ngành Quản trị nhân lực (Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh); ngành Kỹ thuật Robot (Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp); chuyên ngành Công nghệ bán dẫn thuộc ngành Vật lý (Trường Đại học Khoa học).

Đặc biệt, Đại học Thái Nguyên mở mới 3 ngành đào tạo chuyên biệt với sứ mệnh “thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng trung du miền núi Bắc Bộ”, cụ thể: ngành Văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam (Trường Đại học Khoa học); ngành Sư phạm tiếng Mông và ngành Ngôn ngữ Trung Quốc (Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Hà Giang). Đối với Đại học Thái Nguyên việc đào tạo liên ngành này sẽ giúp các trường đại học tận dụng nguồn nhân lực khi nằm trong một “hệ sinh thái” đa ngành, đa lĩnh vực.

PGS.TS Hoàng Văn Hùng, Giám đốc Đại học Thái Nguyên và Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) ký kết hợp tác toàn diện.

PGS.TS Hoàng Văn Hùng, Giám đốc Đại học Thái Nguyên và Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) ký kết hợp tác toàn diện.

Đại học vùng có quy mô đào tạo lớn

Năm 1994, Đại học Thái Nguyên được thành lập trên cơ sở sắp xếp và tổ chức lại 4 trường đại học thành viên (Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc, Trường Đại học Nông nghiệp 3 Bắc Thái, Trường Đại học Công nghiệp Thái Nguyên, Trường Đại học Y Bắc Thái) và Trường Công nhân Cơ Điện Việt Bắc.

Với lợi thế tập hợp các nguồn lực từ các đơn vị thành viên thành nguồn lực chung, Đại học Thái Nguyên đã nhanh chóng phát triển thêm một số đơn vị mới. Đến nay, Đại học Thái Nguyên đã có 7 trường đại học; 1 cao đẳng thành viên; 2 trường, khoa trực thuộc; 2 phân hiệu đào tạo tại tỉnh Lào Cai và Hà Giang; Nhà xuất bản và Tạp chí Khoa học và công nghệ; 12 trung tâm phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học. Các trường đại học thành viên có 6 Viện nghiên cứu, 1 Bệnh viện thực hành và nhiều trung tâm nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ.

Trải qua 30 năm kiên trì, nỗ lực phấn đấu theo các mục tiêu định hướng của Chính phủ, phát huy thế mạnh của Đại học vùng trong việc huy động tổng hợp nguồn lực từ các trường đại học thành viên, Đại học Thái Nguyên đã không ngừng trưởng thành và lớn mạnh về mọi mặt, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội của vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ và đất nước; từng bước khẳng định vị trí, vai trò của Đại học vùng trong hệ thống giáo dục - đào tạo và trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Danh sách các ngành đào tạo và chỉ tiêu tuyển sinh năm 2025 của Đại học Thái Nguyên:

Đại học Thái Nguyên: Tuyển sinh 19.590 chỉ tiêu năm 2025 - 3

 

Đại học Thái Nguyên: Tuyển sinh 19.590 chỉ tiêu năm 2025 - 4

 

Đại học Thái Nguyên: Tuyển sinh 19.590 chỉ tiêu năm 2025 - 5

 

Đại học Thái Nguyên: Tuyển sinh 19.590 chỉ tiêu năm 2025 - 6

 

Đại học Thái Nguyên: Tuyển sinh 19.590 chỉ tiêu năm 2025 - 7

 

Đại học Thái Nguyên: Tuyển sinh 19.590 chỉ tiêu năm 2025 - 8

 

ĐOÀN TÂN - ĐẠT VŨ

Các tin khác