Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tên thật là Nguyễn Vịnh (sinh năm 1914 tại ở thôn Niêm Phò, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế). Khi mới được 17 tuổi, ông đã tham gia cuộc biểu tinh đòi chủ đồn điền trả tiền công cho người lao động.
Ông sớm có tinh thần yêu nước, căm thù và khinh ghét bọn đế quốc, phong kiến. Khi biết Mặt trận Bình dân lên cầm quyền ở Pháp, ông quyết định lên Huế cùng với một số bạn thân để hỏi tình hình và hướng đi của cụ Phan Bội Châu. Được các đồng chí Phan Đăng Lưu, Nguyễn Chí Diểu giác ngộ, ông đã tích cực tham gia phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương do Đảng phát động.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được Bác Hồ rất quý mến. Trong ảnh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cùng Bác Hồ dự Đại hội Đảng bộ Quân đội năm 1960. (Ảnh tư liệu).
Tháng 7 năm 1937, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, đến tháng 11 được cử làm Bí thư Chi bộ Niêm Phò - Tổ chức Đảng đầu tiên của huyện Phong Điền. Tiếp đó, ông được chỉ định tham gia tỉnh ủy lâm thời. Năm 1938, ông được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên. Tháng 9 năm 1938, ông lãnh đạo nhân dân tỉnh Thừa Thiên đấu tranh, biểu tình làm thất bại dự án tăng thuế của thực dân Pháp và Chính phủ Nam Triều. Bị thất bại dự án tăng thuế bọn địch bắt ông và những cán bộ lãnh đạo phong trào. Đầu năm 1939 hết hạn tù ông trở về lại hăng hái hoạt động, được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên.
Ông cùng với các đồng chí trong Tỉnh ủy lãnh đạo các cuộc mít tinh, biểu tình đấu tranh ngăn chặn làn sóng khủng bố, chống bắt lính đưa sang châu Âu làm bia đỡ đạn cho thực dân Pháp. Tháng 7 năm 1939, ông bị địch bắt giam ở lao Thừa Phủ. Tại đây ông tổ chức chi bộ trong nhà lao và làm Bí thư chi bộ. Giữa năm 1940, địch đày ông lên nhà tù Lao Bảo rồi vào nhà lao Buôn Ma Thuột. Ở đây ông nhiều lần bị giam trong nhà kín, điều kiện rất khắc nghiệt, nhưng tinh thần, ý chí vẫn vững vàng. Tháng 2 năm 1942, ông vượt ngục thành cồng trở về. Tháng 7 năm 1942, ông triệu tập cán bộ Đảng toàn tỉnh họp ở Vĩnh An (Quảng Bình) phổ biến tinh thần Nghị quyết 6, Nghị quyết 8 của Trung ương chủ trương thành lập mặt trận Việt Minh mà ông tiếp thu được trong nhà tù.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang trao đổi tình hình chiến sự chiến trường ngày 05/7/1967. (Ảnh tư liệu)
Hội nghị quyết định thành lập mặt trận Việt Minh ở Thừa Thiên, bầu tỉnh ủy gồm 5 đồng chí, do ông làm Bí thư. Cuối năm 1942, phong trào Cách mạng ở Thừa Thiên - Huế được phục hồi, mặt trận Việt Minh các cấp được hình thành. Trước sự phát triển của phong trào Cách mạng kẻ thù chống phá quyết liệt, lùng sục ngày đêm vây bắt cán bộ. Tháng 7 năm 1943 ông lại bị bắt đày vào nhà lao Buôn Ma Thuột. Sau khi Nhật đảo chính Pháp ông được thả ra tiếp tục hoạt động, xây dựng nhiều cơ sở Đảng ở Nam Trung Kỳ. Ông thay mặt tổ chức Đảng ở Trung Kỳ đi dự Hội nghị toàn quốc của Đảng ở Tân Trào khai mạc ngày 13 tháng 8 năm 1945. Tại Hội nghị này ông được cử vào Ủy viên chính thức Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương. Ông được chỉ định làm Bí thư Xử ủy Trung kỳ.
Ngày 23 tháng 8 năm 1945, Huế khởi nghĩa thắng lợi. Ngay sau khởi nghĩa, đồng chí Nguyễn Chí Thanh triệu tập Hội nghị toàn Xứ để thống nhất tổ chức Đảng ở miền Trung. Ngày 19 tháng 12 năm 1946, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, đồng chí Nguyễn Chí Thanh trực tiếp chỉ huy bao vây và đánh địch 50 ngày đêm ở Huế.
Sau khi lực lượng ta rút khỏi thành phố Huế, tiến hành kháng chiến trường kỳ, một số nơi bị đánh mất cơ sở, nhân dân lo lắng dao động. Tháng 3 năm 1947, dưới sự chủ trì của Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Chí Thanh tổ chức Hội nghị cán bộ Đảng toàn tỉnh. Ông có những nhận định sắc sảo, trở thành tư tưởng chỉ đạo cuộc kháng chiến ở Thừa Thiên - Huế: “Mất đất chưa phải là mất nước. Chúng ta cần phải tranh thủ từng thôn, từng người dân. Chúng ta không thể mất dân, chết không rời cơ sở. Chúng ta nhất định thắng”. Ông được cán bộ, nhân dân 3 tỉnh Bình - Trị - Thiên xem là “Linh hồn cuộc kháng chiến Bình - Trị - Thiên”. Đối với nhân dân Thừa Thiên, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là danh nhân số một trong lịch sử cách mạng tỉnh nhà.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (người thứ 2 bên phải) Ủy viện Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương cục miền Nam, Chỉnh ủy quân Giải phóng miền Nam nghe báo cáo tình hình chiến trường miền Nam năm 1964. (Ảnh tư liệu)
Từ năm 1948 đến năm 1950, ông làm Bí thư Liên khu ủy Liên khu IV. Năm 1950, ông được điều vào quân đội làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị và Phó Bí thư Tổng Quân ủy. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần lần thứ hai (1951), ông được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng và được cử vào Bộ Chính trị. Năm 1959, ông được Nhà nước phong quân hàm Đại tướng. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 3 (1960), ông tiếp tục được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng và được cử vào Bộ Chính trị.
Năm 1960, ông được Đảng phân công phụ trách mặt trận nông nghiệp, ông xắn quần lội xuống ruộng xem xét canh tác, khảo sát nơi khó khăn, lắng nghe các nhà khoa học, xác định hướng sản xuất phá “xiềng ba sào”, phát động phong trào thi đua sản xuất với Đại Phong.
Năm 1964, ông được Đảng điều vào miền Nam cùng Trung ương Cục trực tiếp lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở giai đoạn cuối cùng của “chiến tranh đặc biệt”. Từ thực tiễn ông đã tổng kết thành các phương châm chỉ đạo tác chiến độc đáo “nắm thắt lưng Mỹ mà đánh”, “tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt”, lập “các vành đai diệt Mỹ”.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (người ngoài cùng bên phải) xuống cơ sở chỉ đạo sản xuất. Trong ảnh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cấy lúa với bà con HTX Chiến Thắng, xã Lý Ninh. (Ảnh tư liệu)
Tài năng lỗi lạc của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: "Anh là một đồng chí lãnh đạo xuất sắc của Đảng, xông xáo, năng động, sáng tạo. Anh hết lòng thương yêu nhân dân, thương yêu đồng chí, đồng đội. Anh một con người có bản tính cương trực, thẳng thắn, có tác phong quần chúng, giản dị, sâu sát thực tiễn. Anh đã có những đóng góp vào sự phát triển đường lối và nghệ thuật quân sự của Đảng. Theo sự phân công của Trung ương và Tổng Quân ủy, ở cương vị Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, anh Thanh có công lớn trong xây dựng quân đội về chính trị , tư tưởng, xây dựng hệ thống tổ chức Đảng , tổ chức chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ , giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của anh, công tác Đảng- công tác chính trị trong quân đội có bước phát triển mới cả về nội dung và hình thức, góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu của các lực lượng vũ trang nhân dân ta.
Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn quyết liệt anh Thanh vào miền Nam đã cùng Trung ương Cục chỉ đạo phát triển chiến tranh nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, đặc biệt là xây dựng bộ đội chủ lực, anh đã góp phần xác định đúng bước chuyến biến chiến lược từ chiến tranh đặc biệt sang chiến tranh cục bộ, chủ động đánh quân Mỹ kéo vào miền Nam. Anh là người sắc sảo trong việc đánh giá thực chất sức mạnh của Mỹ, nêu cao quyết tâm, niềm tin đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Anh đã đóng góp phần chỉ đạo động viên bộ đội đánh thắng Mỹ ngay từ trận đầu và đánh bại các kế hoạch chiến lược của Mỹ. Năm 1967 anh ra Bắc báo cáo tình hình đã góp phần cùng Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đánh giá đúng thất bại của Mỹ, sự phát triển của cách mạng miền Nam và bàn định chủ trương tổng tiến công năm 1968".
Năm 1967, sự ra đi của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã để lại niềm thương tiếc vô vàn cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Nước ta mất đi một vị tướng chính trị, quân sự lỗi lạc tiêu biểu cho tinh thần “rẽ sống ra khơi”, “quyết chí lập công”, “ở đâu nghèo đói gọi xung phong; ở đâu tiền tuyến kêu anh đến”. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh xứng đáng là hiện thân của khí phách Việt Nam, sức sống của Việt Nam, của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.
HẢI HƯNG