/ Luật sư - Bạn đọc
/ Đắk Lắk: Cần làm rõ nhiều tình tiết trong vụ án trộm cắp tài sản tại UBND xã Tam Giang

Đắk Lắk: Cần làm rõ nhiều tình tiết trong vụ án trộm cắp tài sản tại UBND xã Tam Giang

05/01/2021 18:11 |

(LSO) – TAND huyện Krông Năng vừa tổ chức phiên tòa sơ thẩm vụ án trộm cắp tài sản xảy ra tại UBND xã Tam Giang. Phiên tòa diễn ra từ ngày 28 đến ngày 30/9/2020, thu hút đông đảo sự quan tâm của người dân và dư luận.

Diễn biến phiên tòa có nhiều bất ngờ khi có 08 bị cáo đồng loạt phản cung, tố cáo Điều tra viên dùng nhục hình, bức cung, đồng thời yêu cầu thay đổi Kiểm sát viên, từ chối Luật sư chỉ định ngay tại phiên tòa.

Sau 03 ngày xét xử, HĐXX quyết định sẽ nghị án đến ngày 07/10.

Toàn cảnh phiên xét xử.

09 bị cáo trong vụ "Trộm cắp tài sản tài sản" xảy ra tại UBND xã Tam Giang gồm: Hoàng Thập Nhất (22 tuổi); Trần Anh Võ (37 tuổi); Trần Đức Kế (24 tuổi); Nguyễn Hữu Hóa (28 tuổi); Nguyễn Kim Thuần (22 tuổi); Trần Đình Thiện Phước (25 tuổi); Dương Phương Nam (22 tuổi); Đinh Lê Duẩn (19 tuổi) đều trú tại huyện Krông Năng và H’Út Mlô (19 tuổi) trú thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk.

Theo cáo trạng của VKSND huyện Krông Năng, Trần Anh Võ (nguyên là cán bộ Tư pháp – Hộ tịch của UBND xã Tam Giang), có mối quan hệ họ hàng với Hoàng Thập Nhất. Vào đầu tháng 12/2018, Hoàng Thập Nhất đến nhà Võ ở thôn Giang Mỹ, xã Tam Giang chơi. Do biết rõ anh Nguyễn Lộc (thủ quỹ xã Tam Giang) sắp đi nhận tiền lương và phụ cấp tháng 12/2018 của xã mang về cất trong két sắt tại Phòng Kế toán – Văn thư - Thủ quỹ. Võ nói cho Nhất biết việc này, đến sáng ngày 10/12/2018, Nhất, Trần Đức Kế và Nguyễn Hữu Hóa gặp nhau, uống cà phê bàn bạc kế hoạch trộm két.

Ngày 11/12/2018, Nhất rủ Kế, Hóa, Nguyễn Kim Thuần, Trần Đình Thiện Phước, Dương Phương Nam, Đinh Lê Duẩn và H’Út Mlô buổi tối đến quán cà phê trên địa bàn xã Tam Giang uống nước. Tại đây, Nhất rủ các đối tượng này đi ăn trộm tài sản tại UBND xã Tam Giang, tất cả đều đồng ý. Khoảng 22h30’ ngày 12/12/2018, các đối tượng điều khiển 05 xe mô tô, mang theo công cụ gặp nhau tại cầu xã Tam Giang.

Trần Đình Thiện Phước và các bị cáo phản cung tại tòa.

Sau khi gặp nhau, các đối tượng đột nhập vào trụ sở UBND xã Tam Giang vào phòng Kế toán – Văn thư – Thủ quỹ để trộm. Khi tiếp cận hiện trường, các đối tượng đeo bao tay, dùng búa, kìm cộng lực, xà beng... thay nhau phá khóa cửa phòng đột nhập vào trong. Khi vào được bên trong phát hiện két sắt, các đối tượng dùng xà beng để phá két. Thực hiện hành vi trộm cắp xong, cả bọn về một nhà nghỉ trên địa bàn để chia nhau số tiền. Võ, Nhất, H’Út, Thuần, Kế, Hóa mỗi người được chia 50.000.000 đồng; Duẩn, Nam và Phước mỗi người 30 triệu đồng; còn lại 10 triệu Nhất giữ lại để ăn nhậu chung.

08 bị cáo phản cung

Sau khi nghe cáo trạng của VKS, trong phần xét hỏi đối với các bị cáo, ngoài Hoàng Thập Nhất “ngoan ngoãn” nhận tội, 08 bị cáo còn lại đồng loạt phản cung, khai ngược lại hoàn toàn với nội dung của cáo trạng. Đồng thời, các bị cáo này "tố" các điều tra viên đã dùng nhục hình, bức cung ép nhận tội không theo ý chí của bị cáo. Đồng thời, các bị cáo cũng yêu cầu HĐXX thay đổi Kiểm sát viên vì cho rằng trong quá trình lấy lời khai bị đe dọa, ép nhận tội. Trong đó, có 02 bị cáo vị thành niên có Luật sư chỉ định thì cả hai đều từ chối được bào chữa.

Kiểm sát viên đọc Bản cáo trạng.

Trong 08 bị cáo phản cung thì có 07 bị cáo là nam giới "tố" bị các điều tra viên cởi đồ, dội nước lên người sau đó dùng dây điện được đấu nối với nguồn điện chích vào nhiều bộ phận trên cơ thể. Các bị cáo này đều khai trước tòa bị chích điện vào bộ phận sinh dục cho nên phải nhận tội để đảm bảo tính mạng. Bị cáo H’Út Mlo là nữ giới duy nhất trong vụ án, khai bị điều tra viên tát 02 cái vào mặt, quá đau nên phải nhận tội. Điều đáng nói, có 02 bị cáo là Đinh Lê Duẩn và H’Út Mlo thời điểm bị bắt tạm giam, trong quá trình điều tra chưa đủ 18 tuổi nhưng người giám hộ không hề biết và cũng không nhận được thông báo của Cơ quan điều tra.

Cũng tại phiên tòa, 08 bị cáo khai, thời điểm xảy ra vụ án không biết Hoàng Thập Nhất là ai. Giữa các bị cáo không có bất kỳ mối liên hệ nào như: phương tiện liên lạc (điện thoại, facebook); trích xuất dữ liệu trên điện thoại không chứng minh được mối liên hệ của các bị cáo với nhau.

Số tiền bịmất trộm là bao nhiêu?

Tại phần tranh tụng, Luật sư Phan Ngọc Nhàn, Trưởng Văn phòng Luật sư Thanh Nhàn, Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk yêu cầu VKS làm rõ, chứng minh số tiền mặt trong két sắt của UBND xã Tam Giang thời điểm bị mất trộm.

Luật sư Phan Ngọc Nhàn tranh luận trong phiên xét xử.

Luật sư Nhàn cho rằng, việc UBND xã Tam Giang không có chứng từ, sổ sách ghi chép làm rõ số tiền mặt trong két sắt là không có có sở để khẳng định xã có thực sự bị mất tiền hay không? Trong hồ sơ vụ án cũng không có biên bản của Cơ quan điều tra khi thu giữ các chứng từ, sổ sách này. Kế toán, Thủ quỹ và Chủ tịch xã cũng không nhớ chính xác số tiền bị mất và số tiền mặt hiện có của xã. Tại hiện trường, Cơ quan điều tra không thu thập được bất cứ dấu vân tay nào của các bị cáo, có 02 dấu vân tay bị mờ, 01 dấu vân tay trên khung ngoài cửa chính được giám định là của ông Nguyễn Lộc, Thủ quỹ xã.

“Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, cùng với lời khai của các bị cáo và đại diện UBND xã  tại Tòa, thấy rằng, ngay sau khi vụ án xảy ra, sáng ngày 13/12/2018, Cơ quan điều tra Công an huyện Krông Năng đã tiến hành phong tỏa hiện trường và tổ chức khám nghiệm, thu thập chứng cứ phục vụ cho công tác điều tra nhưng 10 tháng sau mới niêm phong két sắt là vô cùng thiếu sót, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả điều tra”, Luật sư Thanh Nhàn nhấn mạnh.

Bút lục 912 và Báo cáo số 120.

Ngày 14/12/2018, Cơ quan điều tra đã lập biên bản làm việc với ông Lê Đức Lộc, Chủ tịch UBND xã Tam Giang; ông Phạm Ngọc Thăng, Kế toán và ông Nguyễn Lộc, Thủ quỹ. Biên bản làm việc (tại bút lục số 912) đã xác định các tài sản, giấy tờ, sổ sách bị kẻ gian chiếm đoạt, trong đó gồm 9 khoản tiền khác nhau, xác định bị mất số tiền 334.978.500 đồng để trong cặp màu đen ở trong két sắt. Tại biên bản làm việc ngày 14/12/2018 của xã Tam Giang với Cơ quan điều tra cũng thể hiện nội dung trên. Ông Phạm Ngọc Thăng khai, lần rút tiền gần nhất trước ngày bị trộm là ngày 07/12/2018.

Thế nhưng, khi Luật sư Nguyễn Đình Hải, Văn phòng Luật sư THT, Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk yêu cầu ông Thăng xác định việc rút tiền mặt tại Kho bạc là bao nhiêu thì ông Thăng khai không biết. Tương tự câu hỏi này, ông Nguyễn Lộc khai cũng không nhớ chính xác vào ngày 07/12/2018 đã rút bao nhiêu tiền tại Kho bạc Nhà nước về nhập quỹ. Bên cạnh đó, ông Lê Đức Lộc, Phạm Ngọc Thăng và Nguyễn Lộc đều thừa nhận, theo quy định, vào cuối ngày làm việc, giữa Thủ quỹ với Kế toán phải kiểm tra số tiền mặt tồn quỹ đến cuối ngày hiện còn trong quỹ và ký xác nhận sổ cho nhau nhưng thực tế UBND xã không thực hiện đúng và nhận sai sót về điều này.

Két sắt – tang vật vụ án.

Các Luật sư tại phiên tòa nhận định, quá trình điều tra Cơ quan điều tra không thu giữ sổ quỹ tiền mặt (có đối chiếu ký xác nhận của kế toán) làm căn cứ xác định được số tiền thực tế bị mất, mà chỉ nghe thủ quỹ và kế toán khai báo là không có cơ sở để xác định giá trị tài sản bị chiếm đoạt. Do đó, việc VKSND huyện Krông Năng chỉ dựa vào lời khai của các bị cáo để truy tố về tội trộm cắp tài sản là khiên cưỡng, chưa có căn cứ.

LAM SƠN - HƯƠNG TRẦN

/gia-lai-cong-ty-trang-duc-khong-tuan-thu-cac-quy-dinh-ve-khai-thac-khoang-san.html