/ Đời sống - Xã hội
/ Đắk Lắk: Thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù xây dựng và phát triển TP. Buôn Ma Thuột đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045

Đắk Lắk: Thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù xây dựng và phát triển TP. Buôn Ma Thuột đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045

19/03/2022 03:52 |

(LSVN) - Kết luận số 67-KL/TW ngày 16/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, đã chỉ đạo Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo, chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng văn bản pháp luật cho phép TP. Buôn Ma Thuột thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, bảo đảm tính thống nhất, tương quan, tương đồng với các thành phố khác trong cả nước.

Ảnh minh họa.

Cơ sở pháp lý để phát triển Buôn Ma Thuột thành đô thị Trung tâm vùng

Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 09/7/2020 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 67-KL/TW ngày 16/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó, giao Bộ KH&ĐT nghiên cứu xây dựng Đề án báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội ban hành thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Buôn Ma Thuột; Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, ngày 01/02/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; Nghị quyết số 01-NQ/ĐH ngày 02/11/2020 của Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVII; Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 19/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk về xây dựng và phát triển thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Thông báo kết luận số 4451-KL/TTKQH ngày 09/7/2021 về kết luận của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại chuyến thăm và làm việc với tỉnh Đắk Lắk (ngày 29 - 30/6/2021).

Công văn số 4688/BKHĐT-KTĐPLT ngày 16/7/2021 của Bộ KH&ĐT về việc đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù triển khai Kết luận 67-KL/TW của Bộ Chính trị đối với TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Công văn số 5610/VPCP-QHĐP ngày 14/8/2021 của Văn phòng Chính phủ, trong đó yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp UBND các tỉnh, thành phố (trong đó có Đắk Lắk) khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các địa phương (trong đó có TP. Buôn Ma Thuột), báo cáo Chính phủ trước ngày 31/8/2021.

Sự cần thiết xây dựng Buôn Ma Thuột thành đô thị Trung tâm vùng

Năm 1975, TP. Buôn Ma Thuột được Trung ương chọn là điểm mở đầu của chiến dịch Hồ Chí Minh. Chiến thắng Buôn Ma Thuột ngày 10/3/1975 đã mở màn thắng lợi cho chiến dịch Tây Nguyên, tạo bước ngoặt lịch sử quan trọng, thúc đẩy nhanh tiến trình của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, với đỉnh cao là thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Ngày 08/02/2010, TP. Buôn Ma Thuột được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Đắk Lắk tại Quyết định số 288/QĐ-TTg, được Đảng và Nhà nước xác định có vị trí rất quan trọng về chính trị, quốc phòng, an ninh của vùng Tây Nguyên và định hướng phát triển thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên, có hệ thống giao thông thuận tiện, kết nối với toàn vùng và khu vực tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam. Có tiềm năng lớn để phát triển công nghiệp chế biến, công nghiệp phần mềm, năng lượng sạch và dịch vụ, du lịch… Bên cạnh đó, TP. Buôn Ma Thuột có dân số đông, tương đương với một số tỉnh, có nhiều lợi thế và có khả năng thu hút đầu tư phát triển.

Tại Kết luận số 67-KL/TW ngày 16/12/2021 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã chỉ ra rõ sau 10 năm thực hiện Kết luận số 60-KL/TW ngày 27/11/2009 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên (giai đoạn 2010 - 2020), Buôn Ma Thuột đã có những bước tiến đáng kể trong công tác xây dựng và phát triển đô thị, ngày càng định hình là đô thị lớn nhất Tây Nguyên, là trung tâm phát triển của vùng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình xây dựng và phát triển TP. Buôn Ma Thuột trong thời gian qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, đó là: Phát triển kinh tế chưa tương xứng với vị trí, tiềm năng, lợi thế; Thiếu sự kết nối trong phát triển giữa các ngành theo chuỗi giá trị và ứng dụng công nghệ cao. Chưa thực sự đóng vai trò là đô thị trung tâm mang đặc sắc riêng của vùng Tây Nguyên, là cực tăng trưởng tác động lan tỏa tích cực tới các tỉnh khác trong vùng, là trung tâm giao lưu, cửa ngõ và đầu mối giao lưu buôn bán hợp tác trong khu vực tam giác Campuchia - Lào - Việt Nam.

Kết cấu hạ tầng còn thiếu đồng bộ, hạ tầng giao thông, nhất là giao thông kết nối với các tỉnh chậm được nâng cấp; hạ tầng các khu, cụm công nghiệp chưa được đầu tư hoàn chỉnh, khai thác chưa hiệu quả. Việc huy động các nguồn vốn đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội của thành phố chưa đạt yêu cầu đề ra.

Trong đó, một trong các nguyên nhân Bộ Chính trị nêu ra tại Kết luận số 67-KL/TW là chưa có những cơ chế, chính sách mới, đột phá giúp thành phố tạo sự bức phá trong phát triển để trở thành đô thị trung tâm vùng.

Do đó, song song việc điều chỉnh quy hoạch chung TP. Buôn Ma Thuột giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 thì việc xây dựng Đề án thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù xây dựng và phát triển TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk là cần thiết, phù hợp với chủ trương của Bộ Chính trị, Chính phủ nhằm tạo điều kiện cho thành phố nói riêng và tỉnh Đắk Lắk nói chung có thêm cơ hội huy động nguồn lực, tập trung đầu tư, tiếp tục phát triển nhanh, bền vững theo đúng định hướng, mục tiêu Bộ Chính trị đề ra tại Kết luận số 67-KL/TW.

LAM SƠN

Bamboo Airways tưng bừng ưu đãi mở cửa bầu trời, bay quốc tế chỉ từ 5 USD

Lê Minh Hoàng