Ông Huỳnh Văn Dương, Phó Chủ tịch xã chia sẻ về những kết quả đạt được trong công tác xóa đói giảm nghèo.
Xã Ea Lê (huyện Ea Súp) có diện tích tự nhiên 13.065,51 ha, toàn xã hiện có 19 thôn buôn với 1 tiểu khu, tổng số hộ là 2.809 hộ với 12.420 khẩu. Có 23 dân tộc anh em cùng chung sống trên địa bàn. Tính đến năm 2022, toàn xã có 1.159 hộ nghèo, 526 hộ cận nghèo. Nền kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, cơ cấu chuyển đổi cây trồng, vật nuôi còn hạn chế, mặt khác thiên tai hạn hán thường xuyên xảy ra. Một số hộ còn thiếu đất sản xuất, điều đó đã gây rất nhiều khó khăn cho đời sống của nhân dân trên địa bàn xã.
Kết quả giảm nghèo chưa bền vững, mặc dù tỷ lệ hộ nghèo có giảm nhưng nguy cơ tái nghèo còn cao và hộ nghèo mới phát sinh cao, đặc biệt là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Vẫn còn một số hộ nghèo ỷ lại, trông chờ Nhà nước, thiếu năng lực và ý chí vươn lên thoát nghèo.
Nhằm tìm kiếm giải pháp xóa đói, giảm nghèo cho người dân, Đảng ủy – HĐND xã Ea Lê đã ban hành Nghị quyết chung về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời chỉ đạo cho UBND xã đề ra các chương trình và biện pháp về công tác xóa đói giảm nghèo. Theo đó, UBND xã Ea Lê thường xuyên kiểm tra, đôn đốc nhằm tìm ra nguyên nhân tăng, giảm hộ nghèo, đề ra mục tiêu, biện pháp hữu hiệu nhằm giảm thiểu số hộ nghèo trên địa bàn.
Để động viên, hỗ trợ phần nào khó khăn cho người dân, hằng năm UBND xã đã tổ chức các chương trình tặng quà như chương trình tặng quà Tết cho hộ nghèo đặc biệt khó khăn. Phối hợp với Phòng LĐTBXH trao quà cho học sinh khó khăn học giỏi; Cấp gạo cứu đói cho 240 hộ, cấp gạo hỗ trợ Covid-19 cho 580 hộ. Ngoài ra, UBND xã cũng đã gia hạn xong 10.040 thẻ BHYT cho các đối tượng hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số, xã đặc biệt khó khăn và bảo trợ xã hội.
Nhờ vốn vay ưu đãi, nhiều hộ dân đã mạnh dạn nuôi trâu, bò mang lại cuộc sống ấm no.
Tuy nhiên, muốn thoát nghèo bền vững, không thể trông chờ vào các chương trình hỗ trợ, thiện nguyện của cá nhân, tổ chức mà chính các hộ nghèo phải phát huy tinh thần tự lực, tự cường của bản thân, phấn đấu vươn lên thoát nghèo. Từ đó mới có thể cải thiện đời sống vật chất cho người nghèo, rút ngắn khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa tầng lớp dân nhân trên địa bàn xã.
Ông Huỳnh Văn Dương, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: xã Ea Lê 100% thuần nông, cây chủ lực là cây lúa nước, nhờ các Chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo, hệ thống kênh mương thủy lợi, áp dụng khoa học kỹ thuật không chỉ nâng cao năng xuất cây trồng mà còn hướng tới cây chủ lực của địa phương, đặc biệt là giống lúa ST25 mang thương hiệu ST25 Ea Súp.
“Nhờ áp dụng tốt kiến thức từ các chương trình Hội thảo đầu bờ nên năng xuất đạt 6 tấn/1ha, giá thành ổn định, chất lượng cao, được đánh giá là một trong những giống lúa thơm ngon hàng đầu thế giới. Hiện nay xã Ea Lê đang áp dụng cánh đồng mẫu lớn dự kiến khoảng 300ha”, ông Dương nói.
Bên cạnh chú trọng phát triển cây chủ lực, địa phương còn tích cực vận động tuyên truyền người dân phát động phong trào xây dựng phát triển kinh tế giỏi, đến tận thôn, buôn. Điển hình những hộ trước kia vốn là những hộ gia đình nghèo đặc biệt và bền vững, nhờ cán bộ thôn buôn, đoàn thể hướng dẫn vay vốn từ Chương trình “bò cho người nghèo” với số vốn ít ỏi ban đầu là 15 triệu, nhiều hộ gia đình đã phát triển thành đàn trâu, đàn bò.
Trao đổi với PV, vợ chồng bà Khổng Thị Dung không thể che giấu được niềm vui “đổi đời”, chị Dung hồ hởi cho biết: “Gia đình mình vốn rất nghèo nhờ có Chương trình vay vốn bằng 1 cặp bò, mình mạnh dạn vay thêm 5 triệu đồng nữa lấy vốn để làm ăn. Nhờ chăm sóc tốt từ 2008 đến nay, gia đình đã xuất chuồng nhiều con bò thịt thu lại nguồn kinh tế ổn định, ngoài ra còn có phân chuồng để bón cho lúa nữa. Hiện nay đàn bò nhà mình có 9 con, trong đó có 4 con đang trong giai đoạn sinh sản.”.
Mô hình cánh đồng mẫu trồng lúa ST25 áp dụng khoa học kỹ thuật mang lại giá trị kinh tế cao.
Gia già chị Đàm Thị Hương, tại thôn 19, xã Ea Lê là một trong những hộ điển hình về việc sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả, phát triển chăn nuôi tạo nguồn thu nhập ổn định. Chị Hương chia sẻ “Nhà mình trước kia nghèo lắm, thiếu ăn quanh năm, vay đâu cũng thấy khó khăn nên nghèo vẫn cứ hoàn nghèo. Mãi đến năm 2006, gia đình mình được hỗ trợ vay vốn ngân hàng chính sách nên đã mua được 1 con trâu, mình chăm sóc nó như chăm sóc “con cái” nên nó lớn nhanh, mà may mắn nó lại có thai khi mua mà không biết, 6 tháng sau nó đẻ thêm 1 con nghé. Nhờ cán bộ thú ý, cán bộ thôn, xã hướng dẫn chăm sóc, tới nay gia đình tôi đã phát triển đàn trâu lên thành 8 con, hàng năm còn bán 3-4 con trâu thịt mang lại nguồn thu từ 30-70 triệu đồng.
Không chỉ có trồng lúa, chăn nuôi, trâu bò, nhiều mô hình trang trại chăn nuôi nhỏ cũng đang được người dân nơi đây phát triển mang lại cuộc sống ấm no.
Quay về Ea Lê sau nhiều năm, cuộc sống của người dân nơi đây đang “thay da, đổi thịt” những con đường liên thôn không còn là những con đường sình lầy mà thay vào đó là những con đường bê tông dài tít tắp, hai bên đường được điểm xuyến những khóm hoa nhiều màu sắc như nâng đỡ, tôn thêm vẻ đẹp đầy sức sống của một xã vùng biên.
LAM SƠN