Tham dự buổi Lễ về phía Trung ương có ông Lê Hoài Trung, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh văn phòng Trung ương đảng; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương.
Về phía địa phương có ông Nguyễn Đình Trung Uỷ viên Trung ương đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Đắk Lắk cùng lãnh đạo cùng lãnh đạo các sở, ngành và xã, phường mới thành lập tại 2 địa phương.
Tại buổi lễ, ông Phan Thăng An, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã công bố nghị quyết, quyết định của Trung ương liên quan đến việc sáp nhập tỉnh, xã, phường của hai tỉnh Đắk Lắk và Phú Yên. Cũng tại buổi lễ đã công bố Quyết định của Bộ Chính trị về việc chỉ định Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc chỉ định Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk (mới).

Ông Phan Thăng An, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, công bố Nghị quyết, Quyết định của Trung ương liên quan đến việc sáp nhập tỉnh, xã, phường của hai tỉnh Đắk Lắk và Phú Yên.
Theo đó, Bộ chính trị chỉ định, ông Nguyễn Đình Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; bà Cao Thị Hòa An, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; bà Huỳnh Thị Chiến Hòa, Phó Bí thư Tỉnh ủy; ông Tạ Anh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; ông Đỗ Hữu Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy.
Phát biểu tại buổi lễ ông Lê Hoài Trung, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương cho biết: "Hôm nay, trong không khí trang trọng và phấn khởi này, tôi rất vui mừng được cùng các đồng chí tham dự Lễ công bố các nghị quyết, quyết định của Trung ương và địa phương về sáp nhập đơn vị hành chính, thành lập tổ chức đảng, chỉ định cấp ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh, xã, phường tỉnh Đắk Lắk. Đây là sự kiện có ý nghĩa lịch sử, đánh dấu một bước ngoặt lớn trong quá trình phát triển của Đắk Lắk trong xu thế phát triển của đất nước ta".

Ông Lê Hoài Trung, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh văn phòng TW Đảng phát biểu tại buổi Lễ.
Xác định được tầm quan trọng của việc sắp xếp đơn vị hành chính và kiện toàn bộ máy theo Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành các Kết luận chỉ đạo sát sao; Quốc hội và Chính phủ đã đồng hành và hướng dẫn địa phương trong quá trình triển khai thực hiện. Tôi đánh giá cao sự nỗ lực của Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong việc phối hợp xây dựng Đề án sắp xếp các tỉnh Đắk Lắk và Phú Yên cũng như xây dựng phương án nhân sự cho tỉnh Đắk Lắk đảm bảo theo tiêu chuẩn, điều kiện, khoa học, công khai, minh bạch.
Việc sắp xếp đơn vị hành chính, sáp nhập tỉnh Phú Yên vào Đắk Lắk là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, được Quốc hội xem xét, thảo luận kỹ lưỡng và quyết định dựa trên cơ sở khoa học, thực tiễn sâu sắc. Mục tiêu cao nhất của chủ trương này là nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, tạo đòn bẩy cho sự phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững hơn.
Đắk Lắk, với vị trí chiến lược là trung tâm vùng Tây Nguyên, có tiềm năng rất lớn về nông nghiệp, du lịch, đặc biệt là văn hóa đa sắc tộc. Nay, với việc hợp nhất cùng Phú Yên - một tỉnh có bờ biển dài, tài nguyên biển phong phú và tiềm năng du lịch biển đảo vượt trội - chúng ta đã tạo nên một thể thống nhất mới, một “Đắk Lắk mở rộng” với những lợi thế tổng hợp vô cùng to lớn (diện tích 1.809,640km2, dân số hơn 3,3 triệu người và có 102 đơn vị hành chính trực thuộc…). Từ đây, Đắk Lắk không chỉ còn là “Thủ phủ cà phê” mà còn là “Điểm đến của biển và núi rừng”, với những tuyến hành lang kinh tế nối liền Tây Nguyên đại ngàn với duyên hải miền Trung đầy nắng gió.
Phát biểu tại buổi lễ trọng đại này, ông Nguyễn Đĩnh Trung Ủy viên Trung ương đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Đắk Lắk mới nhấn mạnh: "Hôm nay, tỉnh Đắk Lắk long trọng tổ chức Lễ công bố nghị quyết, quyết định của Trung ương và địa phương về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, kết thúc hoạt động đơn vị hành chính cấp huyện, thành lập tổ chức đảng, chỉ định cấp ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQVN tỉnh, xã, phường. Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thể hiện sự đồng lòng, nhất trí của Đảng bộ, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân hai tỉnh Đắk Lắk - Phú Yên trong việc thực hiện chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về sắp xếp tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính các cấp".

Ông Nguyễn Đình Trung, Ủy viên Trung ương đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Đắk Lắk phát biểu tại buổi Lễ.
Bí thư Tỉnh uỷ Đắk Lắk nhấn mạnh: "Chúng tôi luôn nhận thức đây là vinh dự lớn lao nhưng cũng là trọng trách nặng nề, đồng thời luôn ý thức rõ trách nhiệm của mình trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Chúng tôi nguyện cống hiến hết sức mình vì sự phát triển của tỉnh Đắk Lắk trong giai đoạn mới, tiếp tục khơi dậy, phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh Đắk Lắk mới, tranh thủ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân; tiếp tục phấn đấu, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức thực hiện thắng lợi các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là 04 nghị quyết “bộ tứ trụ cột”, quyết tâm xây dựng tỉnh Đắk Lắk phát triển nhanh, bền vững, ngày càng giàu đẹp, văn minh, bản sắc, góp phần tạo nền tảng vững chắc cùng với cả nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình phát triển mạnh mẽ, vượt bậc của dân tộc Việt Nam".

Thay mặt Bộ Chính trị Ông Lê Hoài Trung trao quyết định, chị định về công tác cán bộ.
Tỉnh Đắk Lắk mới có diện tích hơn 1.809km², dân số hơn 3,3 triệu người và có 102 đơn vị hành chính cấp xã, phường.
Bí thư Trung ương đảng, Chánh văn phòng Trung ương đảng Lê Hoài Trung thay mặt Bộ Chính trị giao nhiệm vụ cho lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk mới. Đứng trước vận hội mới này, Trung ương đã và đang đặt trọn niềm tin, giao phó cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Đắk Lắk những nhiệm vụ hết sức quan trọng và yêu cầu Ban chấp hành đảng bộ tỉnh triển khai thực hiện tốt những nội dung sau:
Một là, Triển khai thực hiện Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 14/4/2025 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng tổ chức vào đầu năm 2026. Đây là sự kiện chính trị quan trọng của Đảng, trọng đại của đất nước; là dấu mốc đặc biệt trên con đường phát triển, mở ra kỷ nguyên mới, “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, “tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc”; đồng thời, là thời điểm tiến hành mạnh mẽ cuộc cách mạng toàn diện, đồng bộ về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Do đó, các đồng chí phải xác định rõ Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030 là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, diễn ra trong bối cảnh nước ta đạt được nhiều thành tựu to lớn, kết quả quan trọng, nổi bật, toàn diện trên các lĩnh vực: xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và công tác đối ngoại. Khẳng định được vai trò, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế của đất nước ta tiếp tục được nâng cao; sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc được phát huy mạnh mẽ; niềm tin của Nhân dân đối với Đảng ngày càng được củng cố, tăng cường...
Hai là, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội. Sau khi hợp nhất, thách thức lớn nhất là làm sao để hai địa phương có thể nhanh chóng hòa nhập, thống nhất về thể chế, chính sách, quy hoạch. Đề nghị các đồng chí tập trung nguồn lực để hoàn thiện quy hoạch tổng thể, khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế mới của tỉnh, đặc biệt là phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với chế biến, năng lượng tái tạo, kinh tế biển, phát triển du lịch sinh thái, du lịch biển và đẩy mạnh liên kết vùng để tạo ra những chuỗi giá trị mới, nâng cao thu nhập cho người dân.
Ba là, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đoàn kết. Việc sáp nhập đồng nghĩa với việc tổ chức lại bộ máy, sắp xếp cán bộ. Tôi đánh giá cao sự chủ động và tinh thần trách nhiệm của các đồng chí trong công tác này. Trung ương tin tưởng rằng, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk khóa mới, với đội ngũ cán bộ chủ chốt đã được kiện toàn, sẽ là hạt nhân lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các mặt công tác, đảm bảo sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân, đưa tỉnh nhà phát triển lên một tầm cao mới.
Bốn là, phát huy bản sắc văn hóa và đảm bảo an sinh xã hội. Đắk Lắk và Phú Yên đều là những vùng đất giàu truyền thống văn hóa, với sự đa dạng của các dân tộc anh em. Chúng ta cần tiếp tục bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa độc đáo, đồng thời quan tâm đặc biệt đến công tác an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số và những người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn.
Năm là, đảm bảo quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị - xã hội. Vị trí chiến lược của Đắk Lắk sau hợp nhất đòi hỏi chúng ta phải luôn cảnh giác, tăng cường công tác quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh biên giới, an ninh nội địa, không để các thế lực thù địch lợi dụng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.