Danh nhân Đặng Huy Trứ và cuốn Từ thụ yếu quy do NXB Pháp lý và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam xuất bản năm 1992.
Nói đến Đặng Huy Trứ, người đời sau thường hay nhắc đến câu thơ sau, như gói trọn những đúc kết của ông về quan niệm hành xử của tầng lớp quan lại dưới chế độ phong kiến với người dân:
Mình thiệt, lợi dân, dân gắn bó
Đẽo dân, mình béo, dân căm hờn
Hờn căm gắn bó tùy ta cả
Duy chữ thanh, thanh đối thế nhân.
(Thanh liêm)
Đánh giá công lao của ông sau khi ông mất, sách Đại Nam Nhất thống chí có lời bình phẩm: “Đặng Huy Trứ khảng khái, có chí lớn, đương trù tính nhiều việc, chưa làm xong đã mất, ai cũng tiếc”.
Chí sĩ Phan Bội Châu sau này nhắc tới ông như một trong những người “trồng mần khai hóa đầu tiên ở Việt Nam” - Ý muốn nói tới công lao của ông không chỉ dùi mài kinh sử, làm thơ viết văn, khi dạy học, khi vào chốn quan trường mà ông còn là nhà thực nghiệp mang tư tưởng canh tân đất nước, như lập hiệu buôn, mở mang công nghệ (ông được mệnh danh là ông tổ nghề nhiếp ảnh ở nước ta). Nhưng công lao lớn hơn cả để người đương cuộc và đời sau nể phục đó là quan niệm đạo làm quan trong việc cai trị dân, quản lí xã hội phong kiến.
Mặc dù ra làm quan muộn khi đã 30 tuổi (năm 1856), thời gian không dài (12 năm) nhưng trải qua nhiều địa phương và lĩnh vực cai quản khác nhau đã cho ông một vốn kiến thức phong phú, nhìn thấu những mặt trái của xã hội, nhất là sự băng hoại về đạo đức của tầng lớp quan lại.
Với ông làm quan trước hết là làm nô bộc cho dân, vì thế “không chăm sóc nổi dân thì chớ ra làm quan”. Quan niệm này được ông gửi gắm trong câu thơ:
Thế gian nhân phẩm có cao thấp
Thấp cao chỉ bởi siêng hay lười
Chức phận không tròn kém loại vật
Vẹn tròn chức phận mới là người.
Với Đặng Huy Trứ, đạo làm quan trọng nhất ở đức thanh liêm. Bàn luận về vấn đề này, ông bày tỏ: “Trong ba chữ răn mình của nhà quan thì chữ thứ nhất là chữ thanh. Thanh là liêm khiết giữ mình không lấy của ai mảy may” và giữ được thanh liêm trong điều kiện hoàn cảnh khó khăn, sự cám dỗ vật chất thì không đơn giản. Cũng ví như dòng suối, con người ta ai cũng có “dòng trong, dòng đục”:
Đục đục, trong trong, đục lại trong
Lòng kia đục đục với trong trong
Tham ô thành tính, trong thành đục
Liêm khiết giữ mình, đục hóa trong
Bản thân ông là một quan chức cũng được vua Tự Đức sủng ái, nhưng không vì thế ông lựa chon cách sống xa hoa, xa rời dân chúng: “cơm chỉ rau dưa, canh chủ cốt”, “tường kẽ vách bung nhà khe mái dột”, “cơm cháo cầm hơi, vợ con hết cách chạy tây đông”...
Từ thực tiễn chốn quan trường, ông đã nhìn thấy “quốc nạn” tham nhũng, hối lộ đang ngày đêm làm rỗng mọt rường cột bộ máy nhà nước. Muốn làm tròn bổn phận công bộc của dân cần phải tẩy trừ tệ nạn này. Vì thế ông đã dành tâm huyết viết trọn bộ “Từ thụ yếu quy”, đề cập đến những nguyên tắc chủ yếu việc không nhận và nhận quà biếu. Nội dung cuốn sách đề cập tới 104 thủ đoạn hối lộ mà người làm quan phài từ chối và 5 trường hợp có thể nhận và ông cũng đưa ra lời khuyên: “Đối với của mang đến thì hư tâm mà ứng xử. Có thể nhận thì nhận, không thể nhận thì không lấy. Nhận hay không nhận trong bụng đã có nguyên tắc định trước rồi”.
Theo đánh giá của nhà sử học Dương Trung Quốc, tác phẩm là cẩm nang của thuật trị nước, gửi gắm trong đó lòng mong ước của mọi tầng lớp nhân dân muốn chống lại nạn tham nhũng, hối lộ. Dẫu rằng thời thế đã khác xa, nhưng nội dung "Từ thụ yếu quy" vẫn mang những giá trị nóng hổi tính thời sự.
Thấm nhuần tư tưởng cai trị của nho giáo, tiếp thu tinh thần của các tiền nhân Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm... đề cao vai trò trách nhiệm và sứ mệnh của nhân dân, cần phải chăm dưỡng dân, làm những việc có lợi cho dân từ những việc nhỏ nhất, Đặng Huy Trứ đã rất minh triết khi thể hiện quan điểm này trong các tác phẩm của mình. Những câu từ súc tích trong những câu đối:
Trị dân cốt ở yên dân, ấy nền chính sự
Rắc việc không bằng bớt việc, đừng có nhiễu dân.
Hay:
Dùng hình phạt tiến lên không hình phạt
Xử kiện tụng để rồi không kiện tụng.
Hoặc:
Trọng dân, năm việc rút thành ba việc, dân yên vĩnh viễn
Trừng phạt, một kẻ để răn trăm kẻ, chí công vô tư.
Đến những điều mạnh mẽ như mệnh lệnh: ...Khi hành quân đến nơi nào, nếu xúc phạm khinh nhờn thường dân, bức hiếp phụ nữ, cướp đoạt của cải, dù một mớ rau, một thanh củi của dân xử theo quân pháp.
Thấm thiết trong văn cầu khấn khi thiên tai gây thảm họa, ông đã kiểm điểm và tự trách: Hoặc lòng thành không đủ, nghi lễ thiếu sót khiến thần giận chăng? Tiểu quan này mang tội với dân, mắc tội với thần đến nỗi liên lụy đến trăm họ. Kẻ chăn dân có tội thì giết, thì phạt chứ dân này có tội gì mà tai họa thảm khốc thế này! Dân là gốc nước, là chủ của thần. Một nhận thức mới lạ tân tiến vượt xa ý thức hệ của thời đại khi đặt dân là chủ của thần.
Những điều Đặng Huy Trứ viết ra mặc dù rất khiêm tốn, bản thân ông cũng là một tấm gương mẫu mực, khi làm quan thì lặn lội núi sông, qua đầu đường cuối ngõ để nghe “tiếng ca của kẻ chăn trâu, người kiếm củi đều để tâm lĩnh hội”. Ông xứng danh là một vị quan công bộc của dân: Lúc làm quan thì làm gương cho cấp dưới, khi ở nhà thì làm gương cho con em; ngẩng lên không hổ với trời, cúi xuống không thẹn với đất.
QUANG NGUYỄN/DANVAN.VN