/ Luật sư - Bạn đọc
/ Đăng ký khai tử khi con còn sống: Xử lý thế nào?

Đăng ký khai tử khi con còn sống: Xử lý thế nào?

26/05/2022 08:02 |

(LSVN) - Khai tử là thủ tục hành chính phải thực hiện khi một người qua đời và được người thân thích của người chết thực hiện. Tuy nhiên, hành vi khai tử đối với người đang sống là hành vi vi phạm pháp luật.

  Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Công Luật TNHH TGS.

Vừa qua, tại tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện trường hợp người mẹ đã tự ý đến phường đăng ký khai tử cho con trai 3 tuổi vẫn còn sống bình thường. Hiện, các cơ quan chức năng liên quan đã vào cuộc để điều tra, xử lý vụ việc này.

Vậy, pháp luật quy định như thế nào về việc đăng ký khai tử? Việc đăng ký khai tử đối với người còn sống được xử lý như thế nào?

Về vấn đề này, Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám Đốc, Công Ty Luật TNHH TGS cho biết, đăng ký khai tử được quy định từ Điều 32 đến Điều 34 của Luật Hộ tịch năm 2014. Theo đó, thẩm quyền đăng ký khai tử thuộc về UBND cấp xã nơi cư trú cuối cùng của người chết. Trường hợp không xác định được nơi cư trú cuối cùng của người chết thì UBND cấp xã nơi người đó chết hoặc nơi phát hiện thi thể người chết thực hiện việc đăng ký khai tử.

Về thời hạn đăng ký khai tử: Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có người chết thì vợ, chồng hoặc con, cha, mẹ hoặc người thân thích khác của người chết có trách nhiệm đi đăng ký khai tử; trường hợp người chết không có người thân thích thì đại diện của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm đi khai tử.

Về trách nhiệm đăng ký khai tử: Công chức tư pháp - hộ tịch thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc khai tử cho người chết; trường hợp không xác định được người có trách nhiệm đi khai tử thì công chức tư pháp - hộ tịch thực hiện đăng ký khai tử.

Về hồ sơ đăng ký khai tử: Người có trách nhiệm đi đăng ký khai tử cần nộp các giấy tờ: Tờ khai đăng ký khai tử; Giấy báo tử hoặc giấy tờ thay thế Giấy báo tử do cơ quan có thẩm quyền cấp. Nội dung đăng ký khai tử được xác định theo Giấy báo tử hoặc giấy tờ thay Giấy báo tử do cơ quan có thẩm quyền cấp.

Ngay sau khi nhận giấy tờ nêu trên theo quy định, nếu thấy việc khai tử đúng thì công chức tư pháp - hộ tịch ghi nội dung khai tử vào Sổ hộ tịch, cùng người đi khai tử ký tên vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch UBND cấp xã cấp trích lục cho người đi khai tử.

Đăng ký khai tử cho người còn sống bị xử lý thế nào?

Theo Luật sư Nguyễn Đức Hùng, khai tử là thủ tục hành chính phải thực hiện khi một người qua đời và được người thân thích của người chết thực hiện. Tuy nhiên, hành vi khai tử đối với người đang sống là hành vi vi phạm pháp luật. Đặc biệt đối với trường hợp của người mẹ nói trên thì đây quả thực hành động này rất đáng lên án và có dấu hiệu vi phạm pháp luật về đăng ký khai tử.

Theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 41 Nghị định 82/2020/NĐ-CP, hành vi đăng ký khai tử cho người đang sống sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng. Bên cạnh đó, người vi phạm phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là kiến nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét, xử lý đối với giấy tờ, văn bản đã cấp do có hành vi vi phạm quy định.

Ngoài ra, đối với trường hợp nói trên, việc công chức tư pháp – hộ tịch tại tỉnh Đắk Lắk cấp Giấy chứng tử cho cháu bé 3 tuổi chỉ dựa vào các giấy tờ tùy thân liên quan mà mẹ bé mang theo mà không kiểm tra, xác minh thể hiện sự chủ quan tắc trách và không đúng quy định. Do đó, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm của hành vi mà các cán bộ, công chức liên quan đến vụ việc trên phải bị xử lý kỷ luật theo Luật Cán bộ, công chức.

PV

Những vấn đề pháp lý xung quanh việc nhập siêu xe dưới hình thức biếu tặng để kinh doanh

Lê Minh Hoàng