Ảnh minh họa.
Theo Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, bảo hiểm y tế là loại hình bảo hiểm bắt buộc nhằm chăm sóc sức khỏe cho người tham gia, không vì mục đích lợi nhuận. Những người đang sinh sống, làm việc, học tập ở địa phương khác nơi đăng ký thường trú hoàn toàn có thể mua bảo hiểm y tế tại nơi tạm trú. Tuy nhiên, cần xác định đúng đối tượng tham gia.
Hiện nay, có 06 nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm y tế theo quy định tại Điều 12, Luật Bảo hiểm y tế 2008, sửa đổi, bổ sung 2014:
- Nhóm 1: Nhóm do người lao động và sử dụng lao động đóng:
Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc có thời hạn từ 03 tháng trở lên; quản lý doanh nghiệp hưởng tiền lương; cán bộ, viên chức, công chức;
Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.
- Nhóm 2: Nhóm do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng:
Người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng;
Người đang hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc bệnh cần chữa trị dài ngày…
- Nhóm 3: Nhóm do ngân sách Nhà nước đóng:
Sỹ quan, hạ sỹ quan, binh sỹ quân đội, quân nhân chuyên nghiệp, quân nhân, công an, học viên cơ yếu;
Cán bộ xã, phường, thị trấn đã nghỉ việc đang hưởng trợ cấp hàng tháng…
- Nhóm 4: Nhóm được ngân sách Nhà nước hỗ trợ đóng:
Người thuộc hộ cận nghèo;
Học sinh, sinh viên.
- Nhóm 5: Nhóm tham gia theo hộ gia đình:
Nhóm này gồm những người có tên trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, trừ các đối tượng thuộc nhóm khác tham gia bảo hiểm y tế (theo Điều 5 Nghị định 146/2018/NĐ-CP).
Như vậy, người sinh sống, học tập, làm việc tại địa phương khác nơi thường trú có thể tham gia bảo hiểm y tế theo nơi làm việc, học tập hoặc được Nhà nước cấp thẻ bảo hiểm y tế hoặc tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình tại nơi đăng ký tạm trú.
Người tạm trú mua bảo hiểm y tế ở đâu?
Theo Luật sư, căn cứ quy định tại Điều 31, Quyết định 595/QĐ-BHXH sửa đổi, bổ sung bởi Quyết định 505/QĐ-BHXH, người dân tham gia bảo hiểm y tế tại nơi tạm trú theo từng đối tượng như sau:
- Người làm việc theo hợp đồng lao động, người quản lý doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập và người quản lý điều hành hợp tác xã; cán bộ, công chức, viên chức; người hoạt động không chuyên trách cấp xã: Tham gia bảo hiểm y tế thông qua doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị nơi mình làm việc;
- Người được cơ quan bảo hiểm xã hội đóng bảo hiểm y tế: Đến Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc cơ quan bảo hiểm xã hội;
- Người được ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế: Đến đăng ký với Ủy ban nhân dân xã;
- Người được ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng bảo hiểm y tế: Đến Đại lý thu hoặc cơ quan bảo hiểm xã hội.
- Học sinh, sinh viên: Đăng ký tham gia bảo hiểm y tế với nhà trường nơi đang theo học;
- Người tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình: Đến Đại lý thu hoặc cơ quan bảo hiểm xã hội.
TRẦN MINH
Thay đổi giấy tờ cho người chuyển giới thực hiện như thế nào?