/ Góc nhìn
/ Đạo đức cán bộ xuống cấp hay 'lỗ hổng' trong công tác quản lý tài sản công?

Đạo đức cán bộ xuống cấp hay 'lỗ hổng' trong công tác quản lý tài sản công?

21/02/2022 10:38 |

(LSVN) - Đối với các cán bộ, lãnh đạo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thừa Thiên Huế thì Cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi là vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng hay hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, nhận hối lộ để xử lý đối với các tội danh tương ứng... Những tội phạm về chức vụ có mức chế tài rất nghiêm khắc, nếu là hành vi nhận hối lộ thì với số tiền nhận hối lộ từ 1.000.000.000 đồng trở lên, người phạm tội có thể phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất có chế tài là tử hình.

Cảnh sát điều tra Công an Thừa Thiên Huế đọc quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với hai đối tượng.

Khởi tố, bắt tạm giam Giám đốc và Kế toán trưởng CDC tỉnh Thừa Thiên Huế

Vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 4 tháng đối với hai đối tượng thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Thừa Thiên Huế là Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Thừa Thiên Huế Hoàng Văn Đức (trú phường Vỹ Dạ, thành phố Huế) và Kế toán trưởng kiêm Trưởng phòng Tài chính kế toán Hà Thúc Nhật (trú thị xã Hương Trà).

Ông Đức và ông Nhật bị bắt vào ngày 18/02 về hành vi “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 222, Bộ luật Hình sự 2017.

Được biết, CDC Thừa Thiên Huế là một trong những cơ quan được Bộ Công an nêu tên có liên quan trong vụ việc Công ty Việt Á. Tuy nhiên, khi trả lời báo chí, ông Đức khẳng định "không có tiêu cực trong việc mua bán kit test Covid-19".

Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã tiến hành khám xét nơi ở và nơi làm việc của ông Đức và ông Nhật tại trụ sở Trung tâm CDC tỉnh Thừa Thiên Huế, qua đó thu giữ các tài liệu, vật chứng, tiền mặt liên quan. Trước đó, qua công tác nghiệp vụ, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế phát hiện nhiều sai phạm liên quan đến việc mua sắm trang thiết vị, vật tư hóa chất, quần áo bảo hộ phòng, chống dịch diễn ra trên địa bàn tỉnh.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đang tiếp tục tiến hành điều tra, mở rộng vụ án.

Đạo đức cán bộ xuống cấp hay còn nhiều 'lỗ hổng' trong công tác quản lý tài sản công?

Trao đổi với Tạp chí Luật sư Việt Nam về vụ việc này, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính pháp cho biết, việc khởi tố thêm một Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật liên quan đến vụ Việt Á không có gì bất ngờ bởi những thông tin trước đó từ vụ án này cho thấy có rất nhiều cá nhân, tổ chức có liên quan có sai phạm, được ăn chia đối với các bị can trong vụ án này.

Đối với vụ án này số lượng vật tư tiêu hao được doanh nghiệp bán cho rất nhiều địa phương có chất lượng không đảm bảo, đúng vào thời điểm dịch bệnh đang diễn biến phức tạp nên hậu quả của những sai phạm này rất nghiêm trọng, gây ra thiệt hại rất lớn cho xã hội. Vụ án không chỉ cho thấy vấn đề đạo đức của một bộ phận cán bộ, lãnh đạo trong ngành y đang xuống cấp nghiêm trọng mà còn cho thấy công tác quản lý kinh tế, quản lý tài sản công trong lĩnh vực này đang có rất nhiều "lỗ hổng".

“Việc một loạt Giám đốc về các thuộc cấp của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật nhiều tỉnh thành bị khởi tố liên quan đến sai phạm trong vụ Việt Á và trong mua sắm thiết bị, vật tư y tế ở nhiều bệnh viện cho thấy đạo đức của một bộ phận cán bộ trong ngành này đã suy thoái nghiêm trọng hoặc đã có những lỗ hổng trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này”, Luật sư Cường bày tỏ ý kiến.

Việc Công ty Việt Á được thổi phồng thành tích rồi bán kít test xét nghiệm không đảm bảo chất lượng tiêu chuẩn cho một loạt tỉnh, thành phố, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả của công tác phòng chống dịch bệnh, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe và tài sản của người bệnh, làm phát sinh nhiều chi phí chống dịch của nhà nước.

"Phải nói rằng những sai phạm đó đã tác động tiêu cực đến công tác phòng chống dịch bệnh, có thể gián tiếp tước đoạt tính mạng của nhiều bệnh nhân. Đây là tội ác chứ không chỉ là vi phạm pháp luật thông thường. Điều đáng nói là các bị can khai nhận đã chi số tiền trên 800.000.000.000 đồng để "bôi trơn" cho các cán bộ, lãnh đạo ở nhiều địa phương. Bản chất hành vi "bôi trơn" là hành vi đưa hối lộ, cấu kết với nhau để làm trái quy định của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng, vi phạm quy định về đấu thầu, vi phạm về quản lý kinh tế, vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản nhà nước... Bởi vậy việc mở rộng điều tra, xác minh làm rõ sai phạm của các tổ chức, cá nhân có liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật là cần thiết", Luật sư Cường nói.

Theo vị Luật sư này, một điều cũng đáng lưu ý trong vụ án này là khi Cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố nhiều người tại Công ty Việt Á thì rất nhiều cán bộ lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật ở các địa phương đều "thề" rằng mình không liên quan, nếu ăn 1 đồng thôi là xứng đáng đi tù. Tuy nhiên, những phát ngôn, "thề thốt" của một số cán bộ CDC ở địa phương đã bị Cơ quan điều tra khởi tố cho thấy đạo đức của nhiều cán bộ trong ngành Y tế hiện nay đã suy thoái nghiêm trọng. Hành vi vi phạm như vậy là lỗi cố ý, những cán bộ này biết rõ hành vi như vậy là vi phạm pháp luật nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi để hưởng lợi từ nỗi sợ hãi, hoang mang của cộng đồng trước dịch bệnh. Họ biết rõ là hành vi vi phạm quy định về đấu thầu (cấu kết với Công ty Việt Á, mua các vật tư y tế không đảm bảo chất lượng, thổi giá để lấy tiền nhà nước chia nhau) nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi, chỉ vì lợi ích trước mắt, vì số tiền bất chính có thể ăn chia nên đã bất chấp pháp luật.

Hành vi lại diễn ra đối với lãnh đạo cán bộ ngành Y tế, một ngành đòi hỏi đạo đức cao trong hoạt động nghề nghiệp, được xã hội tôn vinh, nể trọng. Bởi vậy, vụ án này là tiếng chuông cảnh tỉnh cho nhiều người khác, đồng thời cho thấy lỗ hổng trong công tác quản lý tài sản nhà nước, trong mua sắm thiết bị vật tư y tế.

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp.

Đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội, ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch bệnh và làm thất thoát tài sản của nhà nước. Vì vậy các đối tượng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh như: tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", tội "Đưa hối lộ", "Nhận hối lộ"; tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ"; tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng",... Tùy thuộc vào từng hành vi và hậu quả của những người có liên quan.

Ngoài ra, những sản phẩm kém chất lượng này sẽ tác động tiêu cực đến công tác phòng chống dịch bệnh, gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người bệnh nên thiệt hại đối với xã hội là không thể đo đếm được. Trong quá trình giải quyết vụ án, Cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ những thiệt hại mà các bị can đã gây ra đối với nhà nước, với các tổ chức, cá nhân để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật.

Đối với các cán bộ, lãnh đạo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thừa Thiên Huế thì Cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi là vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng hay hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, nhận hối lộ để xử lý đối với các tội danh tương ứng... Những tội phạm về chức vụ có mức chế tài rất nghiêm khắc, nếu là hành vi nhận hối lộ thì với số tiền nhận hối lộ từ 1.000.000.000 đồng trở lên, người phạm tội có thể phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất có chế tài là tử hình.

Vụ án xảy ra tại các Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, các bệnh viện, cơ sở y tế ở nhiều địa phương trong thời gian qua cho thấy đạo đức của một bộ phận cán bộ trong ngành y tế đang xuống cấp nghiêm trọng, công tác quản lý kinh tế, quản lý xã hội đối với lĩnh vực này cũng bộc lộ nhiều khiếm khuyết, sơ hở khiến các đối tưởng trục lợi. Vụ án này không chỉ để xử lý đối với các cán bộ có vi phạm mà còn tìm ra các lỗ hổng, kẻ hở trong công tác quản lý đối với lĩnh vực y tế để kịp thời sửa chữa, khắc phục.

Cần phải kịp thời sửa đổi bổ sung các quy định của Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công, các quy chế, quy định về mua sắm tài sản công. Đồng thời cần phải làm tốt hơn đối với vấn đề công tác cán bộ nói chung và cán bộ trong ngành Y tế nói riêng để sử dụng đúng người, đúng việc. Những người không còn đủ năng lực, phẩm chất, đạo đức thì cần phải được phát hiện kịp thời để loại bỏ khỏi bộ máy nhà nước.

Đồng thời, cần phải bồi dưỡng đạo đức, trình độ, nâng cao năng lực quản lý và nâng cao bản lĩnh chính trị để các cán bộ, lãnh đạo ngành Y tế nói riêng, các cán bộ trong lĩnh vực khác nói chung không bị đánh gục bởi lợi ích vật chất, không vì quyền lợi riêng tư mà xâm phạm đến lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

DUY ANH

Khởi tố, bắt tạm giam Giám đốc và Kế toán trưởng CDC tỉnh Thừa Thiên Huế

Lê Minh Hoàng