/ Nghề Luật sư
/ Đào tạo Luật sư ở Cộng hòa Liên bang Đức

Đào tạo Luật sư ở Cộng hòa Liên bang Đức

28/03/2021 10:49 |

(LSVN) - Bài viết đề cập tới một số vấn đề về đào tạo, bồi dưỡng nâng cao, cơ chế hoạt động nghề nghiệp, cơ chế tự quản, tự chủ, lệ phí Luật sư, thành quả hợp tác quốc tế… của Luật sư ở Đức cũng như tính đặc trưng của Nhà nước pháp quyền xã hội tác động tích cực, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động nghề nghiệp của Luật sư, với mong muốn góp phần nhỏ bé để biết thêm, tìm hiểu kinh nghiệm từ một nước có đội ngũ Luật sư giàu truyền thống và hùng hậu.

Tổng quan về nước Đức

Là quốc gia có dân số (83 triệu người) và nền kinh tế lớn nhất châu lục với thu nhập GDP đứng thứ tư thế giới (sau Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc), Cộng hòa Liên bang Đức (sau đây gọi tắt là Đức) được ví là “đầu tàu của châu Âu” (đến năm 2017 châu Âu gồm 28 nước thành viên; từ 31/01/2020 chỉ còn 27 thành viên do nước Anh chính thức rời khỏi Khối này) với vị trí đắc địa “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” nằm ở trung tâm “lục địa già”.

Trong nhiều thập kỷ trở lại đây, mô hình nhà nước pháp quyền (Rechtsstaat) cộng hòa, dân chủ và xã hội, quy định tại khoản 1 Điều 28 Luật cơ bản (Grundgesetz - ban hành ngày 23/5/1949 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/5/1949) được xây dựng và phát triển toàn diện và hiệu quả. Trên cơ sở nguyên tắc cơ bản này, mọi hoạt động của cơ quan nhà nước ở Đức đều chịu sự kiểm tra của tòa án; Nhà nước chú ý tới sự cân bằng xã hội trong khi vẫn bảo đảm tự do hoạt động kinh tế, thương mại.

Điểm đáng chú ý thứ hai là sự thành công của mô hình kinh tế thị trường xã hội (soziale Marktwirtschaft) của Đức được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Đức là nước đứng thứ ba thế giới về xuất khẩu, đặc biệt có thời kỳ liên tục 6 năm (2003 - 2008) đứng đầu thế giới về xuất khẩu; đứng đầu thế giới trong một số lĩnh vực công nghiệp và công nghệ. Đức duy trì an sinh xã hội tốt, hiệu quả; các lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo vệ môi trường thuộc loại hàng đầu thế giới.

Thực ra, ý tưởng về một nhà nước mà trong đó pháp luật giữ vai trò “thống trị”, được tôn chỉ đã ra đời từ thời La Mã cổ đại. Khái niệm “nhà nước pháp quyền” ra đời ở Đức từ thế kỷ XIX và từ đó đến nay luôn giữ vai trò trung tâm trong lịch sử luật và hiến pháp nước này.

Thông thường, đối với những nước trải qua sự phát triển đạt đến mô hình “nhà nước pháp quyền” thì bộ tư pháp giữ vị trí “đứng đầu” trong sơ đồ tổ chức bộ máy chính phủ (Đức là một ví dụ). Điều đó thể hiện sự phát triển vượt bậc của ngành tư pháp cũng như tầm quan trọng và sự đóng góp tích cực của bộ tư pháp đối với sự phát triển bền vững đời sống kinh tế - xã hội và bảo vệ pháp luật của đất nước. Chính vì thế, việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ thẩm phán, Luật sư, công chứng viên, kiểm sát viên có năng lực cao, lương tâm nghề nghiệp là nhu cầu tất yếu.

Bài viết này và các bài tiếp theo chủ yếu đề cập tới một số vấn đề về đào tạo, bồi dưỡng nâng cao, cơ chế hoạt động nghề nghiệp, cơ chế tự quản, tự chủ, lệ phí Luật sư, thành quả hợp tác quốc tế… của Luật sư ở Đức cũng như tính đặc trưng của Nhà nước pháp quyền xã hội tác động tích cực, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động nghề nghiệp của Luật sư, với mong muốn góp phần nhỏ bé để biết thêm, tìm hiểu kinh nghiệm từ một nước có đội ngũ Luật sư giàu truyền thống và hùng hậu. 

Thành lập Đoàn Luật sư liên bang Đức

Năm 2009, Đoàn Luật sư Liên bang Đức tổ chức kỷ niệm 50 năm ngày thành lập (1959) - một chặng đường nửa thế kỷ hoạt động, đóng góp tích cực vào sự phát triển vững mạnh của công cuộc bảo vệ pháp luật nói riêng và ngành tư pháp ở Đức nói chung (tìm về ngọn nguồn lịch sử thì vào năm 1879, vương quốc Đức đã thiết lập Đoàn Luật sư mà không cần có tổ chức cấp trên).

Thực trạng hiện nay của Luật sư ở Đức

Tính đến tháng 01/2020 có 165.900 Luật sư làm việc trong 29 Đoàn Luật sư trên khắp 16 bang của nước Đức. Như vậy, với dân số 83 triệu người thì trung bình 500 người dân Đức bảo đảm có một Luật sư phục vụ.

Trong khi đó - ta có thể so sánh một chút - năm 2018 có 21.340 thẩm phán chuyên nghiệp làm việc tại các tòa án ở Đức; vào thời điểm tháng 01/2020 có 6.000 công chứng viên làm việc tại các văn phòng công chứng và năm 2011 có 5.146 kiểm sát viên làm việc tại các cơ quan công tố.

Qua những con số cụ thể nêu trên, chúng ta nhận thấy số lượng Luật sư vẫn đông đảo nhất, trong khi đó số lượng kiểm sát viên ít hơn rất nhiều. Một ví dụ cụ thể: do nhu cầu về số lượng biên chế rất ít nên tại bang Hessen chỉ có từ 1% đến 2% số sinh viên tốt nghiệp cử nhân luật trở thành công tố viên.

Đào tạo Luật sư ở Đức

Có thể nói, Đức là một nước có mô hình đào tạo Luật sư (cũng như thẩm phán, công tố viên, kiểm sát viên) mang tính đặc trưng cao, khác với nhiều nước. Điều này được thể hiện qua quy trình đào tạo thống nhất, bình đẳng, hầu như ít có sự khác biệt trên toàn quốc. Đức là nhà nước liên bang, có 16 bang kể từ ngày thống nhất đất nước (03/10/1990), lĩnh vực giáo dục phổ thông và bậc đại học (trong đó có đào tạo Luật sư, thẩm phán, công tố viên, kiểm sát viên) thuộc thẩm quyền của các bang (Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao), vì vậy, các quy định pháp luật về lĩnh vực này của các bang phần nào có sự khác nhau (trong khi 12 bang không thu học phí giáo dục phổ thông và đại học thì 4 bang còn lại vẫn thu).

Ở Đức, để trở thành Luật sư (cũng như thẩm phán, công chứng viên và kiểm sát viên), sinh viên khoa luật ở các trường đại học tổng hợp hoặc các trường đại học khác (Đức là một nước có truyền thống lâu đời về giáo dục bậc đại học với hệ thống 370 trường trải khá đều tại hàng trăm thành phố trên toàn quốc, trong đó một số trường thành lập lâu năm nhất thế giới) phải đỗ qua 2 cuộc khảo thi quốc gia (Staatsexamen) do cơ quan Bộ Tư pháp các bang tổ chức. Cuộc thứ nhất được tiến hành sau 9 học kỳ (khoảng 4,5 năm); cuộc thứ hai vào thời gian sau khi các sinh viên thi đỗ lần thứ nhất và theo học 2 năm thực hành chuẩn bị chuyên ngành (gọi là Rechtsreferendariat), sau đó thi đỗ lần thứ hai (được công nhận tốt nghiệp đồng thời cấp bằng cử nhân luật) và hành nghề khi được 1 trong 29 Đoàn Luật sư tại 16 bang của Đức nhận làm thành viên. Quy trình đào tạo này có thể kéo dài từ 7 đến 8 năm.

Trong trường hợp những sinh viên tham gia khóa học để trở thành Luật sư này bị trượt lần thứ nhất khi dự cuộc khảo thi quốc gia lần thứ 2 thì họ được gia hạn từ 6 tháng đến 1 năm để thi lại lần thứ hai và nếu vẫn không đỗ thì họ không được phép tham dự bất cứ khóa thực hành chuẩn bị nghề nghiệp nào trên toàn nước Đức, điều đó đồng nghĩa với việc họ không được cấp bằng cử nhân luật.

Qua khảo sát thực tế tại bang Bắc sông Ranh (Nordrhein Westfalen) - một bang có dân số lớn nhất nước Đức với gần 20 triệu người, có 18 trường đại học tổng hợp và đại học, 33 trường đại học chuyên ngành. Điều này nói lên rằng, môi trường giáo dục cấp đại học của mỗi bang ở Đức thật sự đáp ứng đầy đủ nhu cầu của những sinh viên mong muốn theo học ngành luật ở bang họ sống. Đây là bang mà Bộ Tư pháp có nhiều dự án hợp tác về pháp luật với Bộ Tư pháp Việt Nam trong nhiều năm. Các công chức làm việc tại Hội đồng khảo thi quốc gia lần thứ 2 cho biết: tùy theo từng năm, từng bang khác nhau nhưng nói chung, tỷ lệ sinh viên trên toàn nước Đức theo học khóa thực hành chuẩn bị chuyên ngành không vượt qua được cuộc khảo thi quốc gia lần thứ 2 mang tính quyết định việc được cấp bằng cử nhân luật để trở thành Luật sư, thẩm phán, công chứng viên và kiểm sát viên thường dao động trung bình ở mức 12,6% (theo thống kê năm 2018). Thoáng nhìn thì con số này khá cao, thể hiện sự “cam go” của sinh viên ngành luật, thế nhưng, theo đánh giá của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD - gồm 34 nước thành viên có nền kinh tế lớn nhất thế giới, hầu hết là các quốc gia có thu nhập cao) thì tỷ lệ sinh viên đại học khoa học và công nghệ của Đức đỗ tốt nghiệp đứng thứ nhì thế giới với 31% (chỉ sau Hàn Quốc với 32%).

NGUYỄN QUANG DU

Lê Minh Hoàng