Đấu tranh với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em: 'Chỉ bỏ tù là chưa giải quyết triệt để được vấn đề'

24/03/2021 09:27 | 3 năm trước

(LSVN) - Với hành vi “phạm tội 02 lần trở lên” và “làm nạn nhân có thai” là tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự theo điểm b và điểm đ khoản 2, Điều 142 Bộ luật Hình sự năm 2015 nên đối tượng này có thể phải đối mặt với khung hình phạt là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm. Với nhân thân xấu, đã từng có tiền án về tội danh này và phạm tội với cháu ruột nên đối tượng này có thể phải chịu mức án nghiêm khắc có thể là mức án cao nhất đến 20 năm tù.

Đỗ Văn Lại. Ảnh: Công an cung cấp.

Vừa qua, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP. Hải Phòng đã khởi tố bị can, tạm giam Nguyễn Văn Lại (47 tuổi, trú xã Liên Am, huyện Vĩnh Bảo) về tội "Hiếp dâm người dưới 16 tuổi", nạn nhân là bé Đ.T.T. (14 tuổi, trú cùng địa chỉ trên), cháu gái của Lại.

Ngày 12/3, gia đình nạn nhân tố cáo Đỗ Văn Lại có hành vi quan hệ tình dục khiến nạn nhân có thai, hiện được 14 tuần tuổi.

Theo hồ sơ Công an, năm 1999, Đỗ Văn Lại từng có tiền án về tội "Hiếp dâm trẻ em".

Đánh giá về vụ việc này Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp cho rằng, hành vi của đối tượng không chỉ vi phạm pháp luật nghiêm trọng mà còn vi phạm đạo đức xã hội đến mức phải lên án mạnh mẽ bởi mối quan hệ giữa đối tượng này và nạn nhân là quan hệ chú cháu ruột.

Điều 142 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội "Hiếp dâm người dưới 16 tuổi" như sau:

Điều 142. Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi trái với ý muốn của họ;

b) Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người dưới 13 tuổi.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Có tính chất loạn luân;

b) Làm nạn nhân có thai;

c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

d) Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh;

đ) Phạm tội 02 lần trở lên;

e) Đối với 02 người trở lên;

g) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Có tổ chức;

b) Nhiều người hiếp một người;

c) Đối với người dưới 10 tuổi;

d) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

đ) Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội;

e) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

Như vậy, theo quy định của pháp luật thì 02 trường hợp có thể bị xử lý hình sự về tội "Hiếp dâm người dưới 16 tuổi" đó là hành vi giao cấu với người dưới 13 tuổi (dù là tự nguyện) hoặc quan hệ tình dục trái ý muốn với người từ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi. 

Theo thông tin ban đầu từ phía cơ quan chức năng, đến nay nạn nhân mới 14 tuổi mà đối tượng đã thực hiện nhiều lần hành vi quan hệ tình dục khiến nạn nhân có thai 14 tuần tuổi. Bởi vậy, những lần quan hệ tình dục đầu có thể nạn nhân chưa đủ 13 tuổi. Với hành vi “phạm tội 02 lần trở lên” và “làm nạn nhân có thai” là tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự theo điểm b và điểm đ khoản 2, Điều 142 Bộ luật Hình sự năm 2015 nên đối tượng này có thể phải đối mặt với khung hình phạt là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm. Với nhân thân xấu, đã từng có tiền án về tội danh này và phạm tội với cháu ruột nên đối tượng này có thể phải chịu mức án nghiêm khắc có thể là mức án cao nhất đến 20 năm tù, Luật sư Cường phân tích.

Trong vụ án này, cơ quan chức năng cũng sẽ làm rõ nguyên nhân động cơ phạm tội, làm rõ đối tượng này có bệnh lý về tình dục hay không để thực hiện tốt công tác phòng ngừa và để việc cải tạo giáo dục đạt hiệu quả tốt hơn.

Luật sư cũng cung cấp thêm một số vấn đề pháp lý, theo đó hiện nay ở nhiều quốc gia trên thế giới thì đối với các đối tượng xâm hại tình dục sẽ được chia làm hai nhóm: Một nhóm là do bệnh lý, nhóm thứ hai là do nhân cách thấp kém. Với nhóm do bệnh lý thì sẽ can thiệp bằng y học, trong đó có biện pháp thiến hóa học, tiêm hóa chất để làm ổn định khả năng và nhu cầu tình dục, kiểm soát hoạt động tình dục bằng cách chữa bệnh để trở lại trạng thái bình thường. 

Còn đối với những người không bị bệnh lý dẫn đến việc thực hiện hành vi xâm hại tình dục thì nguyên nhân là bởi đạo đức nhân cách thấp kém, ý thức coi thường pháp luật, coi thường danh dự nhân phẩm, sức khỏe của người khác. Với những đối tượng này thì sẽ phải chịu chế tài của pháp luật, thường sẽ là chế tài phạt tù. 

Nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng hình phạt thiến hóa học đối với tội phạm xâm hại trẻ em, như bang California, Georgia, Montana, Florida của Mỹ. Indonesia và Hàn Quốc là hai quốc gia tiên phong của châu Á áp dụng luật thiến hóa học.

Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp.

Ở Việt Nam thì hành vi xâm hại tình dục đến mức xử lý hình sự thì chỉ áp dụng chế tài hình sự chứ không có những can thiệp bằng biện pháp y tế. Trước đây khi sửa đổi Bộ luật Hình sự, cũng nhiều ý kiến đưa ra là cần phải phân loại, với những đối tượng phạm tội do yếu tố bệnh lý tình dục thì cần phải áp dụng biện pháp hành chính là bắt buộc chữa bệnh, cần có can thiệp bằng y tế để giảm nhu cầu tình dục của đối tượng có bệnh lý. Tuy nhiên, ý kiến này vẫn chưa được thống nhất nên chưa đưa vào luật.

Thực tiễn cho thấy những đối tượng phạm tội xâm hại tình dục thường có xu hướng tái phạm do yếu tố bệnh lý hoặc và đạo đức nhân cách thấp kém. Bởi vậy, nếu là do bệnh lý thì dù có giam cầm bao lâu, khi trở về với đời sống xã hội thì người đó vẫn có nguy cơ xâm hại tình dục rất cao so với những người khác. Khi ham muốn bản năng quá lớn và lấn áp lý trí, đạo đức đến mức độ bị bệnh thì rất khó kiểm soát hành vi và rất dễ tái phạm. Bởi vậy, về lâu dài thì Việt Nam cũng cần nghiên cứu để áp dụng biện pháp hành chính là thiến hoá học để kiểm soát nguyên nhân điều kiện phạm tội giảm nguy cơ xâm hại tình dục ở những người có bệnh lý về tình dục mới đảm bảo an toàn cho xã hội. 

"Suy cho cùng mục đích của hình phạt là để cải tạo, giáo dục. Chính sách hình sự của Việt Nam là nhân đạo, hướng thiện và chú trọng các giải pháp phòng ngừa. Nếu phòng ngừa tội phạm tốt thì việc đấu tranh với tội phạm sẽ bớt đi phần vất vả, nếu thực hiện tốt giải pháp phòng ngừa thì sẽ giảm tội phạm và kiểm soát được tình hình tội phạm. Hoạt động giáo dục và hoạt động chữa bệnh là hai hoạt động khác nhau phụ thuộc vào từng nguyên nhân, điều kiện của chủ thể khác nhau. Bởi vậy, hoạt động cải tạo giáo dục không thể thay thế được hoạt động chữa bệnh đối với những người có bệnh lý về tình dục. Bởi vậy cần phải phân biệt rõ hai đối tượng thực hiện hành vi xâm hại tình dục (bệnh lý và nhân cách đạo đức) để có những giải pháp tích cực hơn", Luật sư Đặng Văn Cường nói.

HỒNG HẠNH

Bài nghiên cứu pháp luật của Luật sư đăng trên các tạp chí chuyên ngành luật được tính quy đổi thời gian tham gia bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ