(LSVN) - Phát triển kinh tế biển xanh (KTBX) - nền tảng để phát triển kinh tế biển một cách bền vững là mục tiêu quan trọng của Nghị quyết số 36- NQ/TW về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” với định hướng cơ cấu lại nền kinh tế biển gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững. Việc thực hiện Chiến lược này cũng là cơ hội để Việt Nam chuyển từ nền kinh tế biển “nâu” sang kinh tế biển “xanh” - một yêu cầu thực tế, cấp thiết phù hợp với luật pháp quốc tế và mục tiêu phát triển bền vững số 14 về biển và đại dương đến năm 2030 của Liên hợp quốc. Để thực hiện thành công Chiến lược, thúc đẩy phát triển KTBX một cách bền vững cần triển khai thực hiện đồng bộ hàng loạt nhóm giải pháp, trong đó giải pháp truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về KTBX được xem là một nhiệm vụ quan trọng đầu tiên và cơ bản đặt nền tảng cho thực hiện chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển. Bài viết nghiên cứu về vai trò và giải pháp truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về KTBX.
Ảnh minh họa.
Cơ sở pháp lý và thực tiễn của công tác truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về kinh tế biển xanh
Thứ nhất, với đường bờ biển dài 3.260km, 114 cửa sông đổ ra biển, trên 3.000 hòn đảo lớn, nhỏ ven bờ và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cùng 1 triệukm2 vùng biển kinh tế đặc quyền (gấp 3 lần diện tích đất liền), trải dài qua 28 tỉnh, thành phố, biển Việt Nam là không gian sinh tồn, nơi chứa đựng nguồn tài nguyên rất đa dạng, phong phú, tiềm năng, lợi thế để phát triển các ngành kinh tế biển cũng như phát triển các lĩnh vực xã hội vùng biển đảo. Nghị quyết số 36-NQ/ TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XII “Về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đề ra mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh và giàu từ biển. Nghị quyết khẳng định quyết tâm “không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế biển” và “phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển”, KTBX là một chủ trương lớn, quan trọng, có tầm nhìn xa rộng, “chìa khóa” để từng bước đưa nước ta mạnh về biển, giàu lên từ biển, dựa vào biển và hướng ra biển(1). Để triển khai hiệu quả các quan điểm, mục tiêu và định hướng chiến lược của Nghị quyết, đưa Nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống thì việc tuyên truyền, phổ biến, quán triệt thực hiện Nghị quyết đến các cấp ủy đảng, tổ chức đoàn thể và nhân dân về biển, về khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển, về chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh, KTBX tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị có vai trò đặc biệt quan trọng cần đi trước một bước.
Thứ hai, để tổ chức thực hiện thành công “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” ngày 24/11/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 31/CT- TTg, yêu cầu các cơ quan liên quan tiếp tục quán triệt sâu sắc, nhận thức đầy đủ và toàn diện các nội dung, tăng cường triển khai đồng bộ các khâu đột phá, giải pháp chủ yếu về phát triển bền vững kinh tế biển được nêu tại Nghị quyết số 36-NQ/ TW; Quyết định số 729/QĐ-TTg ngày 16/6/2022 về việc phê duyệt “Chương trình truyền thông về biển và đại dương đến năm 2030” nêu rõ truyền thông cần thực hiện đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về biển, hải đảo, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi trong công cuộc bảo vệ biển, đảo và phát triển bền vững kinh tế biển. Đồng thời bảo đảm hiệu quả công tác truyền thông, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, gắn với thực tiễn; đổi mới và đa dạng hóa nội dung, phương pháp truyền thông. Bên cạnh đó, huy động mọi nguồn lực thực hiện công tác truyền thông về biển và đại dương; tạo sự phối hợp hiệu quả, sự tham gia chủ động, tích cực của các cơ quan liên quan. Chiến lược và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến 2050 khẳng định nhất quán trong việc đề cao vai trò của truyền thông, giáo dục và nâng cao nhận thức về chuyển đổi kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và tăng trưởng xanh hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững.
Thứ ba, phát triển KTBX đã trở thành hệ quan điểm, sự lựa chọn, xu thế phát triển tất yếu của nền kinh tế biển Việt Nam. Tuy nhiên, để cộng đồng hiểu được KTBX là gì; tại sao phải phát triển KTBX; vị trí, vai trò, tiềm năng, lợi thế của KTBX đối với phát triển kinh tế, xã hội của đất nước; pháp luật quy định những gì về KTBX..., cũng như để biến những hiểu biết đó thành hành động đi vào đời sống kinh tế - xã hội thì việc nâng cao nhận thức về vai trò quan trọng của KTBX và phát triển bền vững kinh tế biển tới các tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng, người dân vùng biển có vai trò vô cùng quan trọng. Bởi chính các đối tượng này là thành phần tham gia trực tiếp vào quá trình khai thác, sử dụng và bảo vệ môi trường biển. Ý thức, tư duy, nhận thức của cộng đồng, doanh nghiệp sẽ tác động trực tiếp tới kết quả của việc thực hiện mục tiêu này và chỉ khi nào cộng đồng, người dân hiểu biết về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của KTBX với biển và đại dương trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, lúc đó họ mới có thể chuyển từ nhận thức sang hành động bằng cách điều chỉnh hành vi khi tham gia thực hiện các hoạt động bảo vệ tài nguyên, môi trường biển và đại dương để thúc đẩy phát triển KTBX. Điều đó cho thấy truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về KTBX quan trọng và cần thiết như thế nào.
Thứ tư, phát triển KTBX vì sức khỏe biển, đại dương trước hết phải được hiểu theo cách tiếp cận dựa trên nền tảng bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học biển(2) nhưng mỗi người có cách nhìn nhận, ứng xử khác nhau trong các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường biển qua đó tác động đến phát triển KTBX. Thông tin, tuyên truyền là sự trao đổi để làm bớt sự không đồng nhất trong nhận thức, thái độ và hành vi của mỗi con người trước một vấn đề thực tế trong nhận thức của cộng đồng. Để có nhận thức, thay đổi thái độ và hành vi của con người là một chặng đường dài: nói chưa phải là đã nghe; nghe chưa phải là đã hiểu; hiểu chưa phải là đã chấp nhận; chấp nhận chưa phải là đã làm; làm theo chưa phải là sẽ làm đúng; làm đúng chưa phải là sẽ làm theo mãi. Đó là lý do tại sao truyền thông về kinh tế biển nói chung, KTBX nói riêng phải chú ý vào thảo luận, phản hồi, chia sẻ kinh nghiệm, thường xuyên, liên tục và lặp đi lặp lại, phải lấy đối tượng truyền thông làm trung tâm đánh vào nhận thức, ý thức để họ có những biện pháp, giải pháp kỹ thuật, ứng xử cụ thể thích ứng tốt với yêu cầu phát triển bền vững kinh tế biển trong quá trình sản xuất, quản lý khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường biển.
Một số nội dung tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về kinh tế biển xanh
Đối với các cấp, các ngành
(1) Phổ biến các điểm mới trong quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, luật pháp quốc tế về KTBX; các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án liên quan đến phát triển bền vững kinh tế biển quốc gia, ngành, tỉnh trong đó chú trọng tuyên truyền 05 chủ trương lớn; 03 khâu đột phá được xác định trong Nghị quyết số 36-NQ/TW; trong Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, trong đó nhấn mạnh các mục tiêu hướng tới việc thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế biển gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, giảm cường độ phát thải khí nhà kính thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tài nguyên biển, đảo…
(2) Tuyên truyền về nội hàm, mục tiêu, giải pháp phát triển KTBX trong khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo; về vị trí, vai trò, tiềm năng, lợi thế phát triển KTBX đối với phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương và đất nước theo “Chương trình truyền thông về biển và đại dương đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
(3) Tuyên truyền về vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp, các tổ chức chính trị, xã hội, các đơn vị sự nghiệp công lập, lãnh đạo các doanh nghiệp về tầm quan trọng, sự cần thiết phải xây dựng và phát triển KTBX đối với sự nghiệp xây dựng nền kinh tế biển bền vững, những thách thức xung đột và những tác động của việc chuyển đổi phương thức hoạt động của các lĩnh vực, ngành, nghề khi thực hiện KTBX gắn với Nghị quyết, chiến lược, chương trình hành động, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia.
(4) Tuyên truyền về tình hình phát triển KTBX tại Việt Nam, các hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển gắn với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; về cách thức quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo tồn, phát huy vốn biển tự nhiên gắn với phát triển kinh tế - xã hội (lồng ghép với các đề án, dự án, chương trình phát triển bền vững kinh tế biển quốc gia, của ngành, tỉnh, huyện…).
(5) Tuyên truyền, khích lệ đề xuất, khuyến khị giải pháp khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy phát triển KTBX gắn với mô hình kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh, lối sống xanh, tiêu dùng xanh…
Đối với doanh nghiệp, cộng đồng, người dân vùng biển
(1) Tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật, kế hoạch hành động cụ thể của các cấp, các ngành, địa phương về phát triển KTBX; sự cần thiết phải xây dựng và phát triển KTBX, về ý nghĩa, những thách thức, lợi ích và những tác động tích cực của KTBX để giúp cộng đồng, dân cư và doanh nghiệp có ý thức thực hiện chiến lược kinh doanh có trách nhiệm khi thực hiện việc chuyển đổi phương thức hoạt động trong khai thác, sử dụng tài nguyên biển, đảo.
(2) Tuyên truyền về các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, quyền hạn, vai trò và trách nhiệm của các cấp, các ngành, các thành phần kinh tế cũng như đạo đức kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp, người dân về cách thức quản lý, khai thác, bảo vệ môi trường biển đảo.
(3) Tuyên truyền về những thuận lợi và khó khăn, thời cơ, thách thức và cơ hội, những tác động, cản trở của sự ô nhiễm, suy thoái môi trường tới mục tiêu phát triển KTBX; về các hành vi, ý thức bảo tồn và phát huy giá trị của tài nguyên và môi trường biển, đảo; những kết quả, thành tựu trong công tác quản lý, khai thác, bảo vệ môi trường biển đảo của từng ngành, địa phương và cả nước, nhất là kết quả nổi bật trong công tác kiểm tra, giám sát và kiểm soát, xử lý những vi phạm pháp luật trong khai thác tài nguyên biển, đảo; thúc đẩy sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, thân thiện với môi trường...
(4) Thông tin về các giải pháp liên quan đến chính sách cụ thể trong mối liên hệ liên ngành với các giải pháp khuyến khích, hỗ trợ, tạo động lực để cộng đồng cùng chung tay hành động phát triển KTBX bền vững.
(5) Chia sẻ, phổ biến các câu chuyện thành công, hướng dẫn cách làm hay, sáng tạo, mô hình điển hình về phát triển KTBX của những đơn vị, địa phương, tập thể, cá nhân đi đầu trong việc triển khai, thực hiện hiệu quả về việc ngăn chặn sự gia tăng về tốc độ ô nhiễm, suy thoái môi trường; khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển và hải đảo, bảo đảm cân bằng sinh thái trong phát triển bền vững kinh tế biển...
Một số thách thức và giải pháp đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về kinh tế biển xanh ở nước ta hiện nay
Thứ nhất, phát triển KTBX đang là xu hướng được nhấn mạnh trên toàn cầu, Đảng và Nhà nước ta cũng đã có nhiều chủ trương, kế hoạch phát triển KTBX. Tuy nhiên, thực tế hiện nay nhận thức, hiểu biết về KTBX của các cấp, các ngành, các địa phương ven biển và người dân còn chưa đầy đủ, chưa sâu sắc, thậm chí rất khác biệt. Ý thức chấp hành pháp luật về khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường biển của các cấp, các ngành, cộng đồng và doanh nghiệp, người dân còn có những hạn chế, yếu kém. Một số cấp ủy, chính quyền vẫn chưa đánh giá đúng mức tầm quan trọng của KTBX. Nhiều chính sách, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phát triển bền vững kinh tế biển chưa đi vào cuộc sống, chưa được tuyên truyền, giáo dục, phổ biến rộng rãi trong nhân dân... Điều đó đặt ra yêu cầu cho công tác truyền thông cần phải tiếp tục có những phương thức phù hợp để nâng cao nhận thức rộng rãi trong xã hội, từ lãnh đạo các cấp, các ngành đến các tổ chức, doanh nghiệp và người dân, giúp họ có thể biết, hiểu rõ hơn thế nào là KTBX, những quy định về chính sách, những yêu cầu và trách nhiệm xã hội, những lợi ích, tác động và những thách thức khi thực hiện KTBX. Từ đó biến nhận thức thành hành động cụ thể về ứng xử trong khai thác, sử dụng các nguồn lực từ biển thích ứng với yêu cầu phát triển KTBX gắn với các mục tiêu phát triển bền vững kinh tế biển, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trong tình hình mới.
Thứ hai, mục tiêu, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về KTBX, phát triển bền vững kinh tế biển cũng như sự cần thiết của phát triển KTBX trong bối cảnh hiện nay cần được hiểu đúng, đầy đủ và toàn diện, từ đó củng cố niềm tin, tạo sự thống nhất, ủng hộ của cả hệ thống chính trị và cộng đồng. Tuy nhiên hiện nay, việc tổ chức các hoạt động truyền thông về KTBX, nhất là giữa Trung ương và địa phương có lúc, có nơi chưa theo kịp xu thế, không thực sự thường xuyên, liên tục, hoạt động mang tính thời điểm, ngắn hạn. Một số cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp chưa nhận thức rõ trách nhiệm thực hiện và ưu tiên thực hiện chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh, chưa có kế hoạch, chương trình hành động cụ thể để tổ chức thực hiện các nghị quyết của Đảng và chương trình hành động của Chính phủ nên hiệu quả truyền thông về KTBX chưa cao. Vì vậy, hoạt động thông tin, tuyên truyền về nội hàm của KTBX, các quan điểm, mục đích, định hướng, yêu cầu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển KTBX theo chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước về biển và hải đảo cần được gắn liền với thực hiện các nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị; phải được cụ thể hóa phù hợp với điều kiện, bối cảnh kinh tế - xã hội trong nước và địa phương. Hoạt động truyền thông về KTBX phải là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần được cấp ủy Đảng, chính quyền, lãnh đạo các cấp, các bộ, ngành chuyên môn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn để tạo sự đồng thuận, thống nhất trong nhận thức và hành động, phát huy ý thức trách nhiệm của các chủ thể trong xã hội. Thực hiện lồng ghép các hoạt động truyền thông về KTBX vào nghị quyết lãnh đạo, cụ thể hóa thành chương trình, kế hoạch hoạt động của các cấp chính quyền, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp có liên quan như: chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các kế hoạch truyền thông của các ngành, địa phương, tổ chức chính trị, xã hội nhằm tạo ra nhận thức và lan tỏa thông điệp về KTBX để triển khai có hiệu quả nền kinh tế biển.
Thứ ba, truyền thông về KTBX là một quá trình tương tác xã hội hai chiều gắn bó hữu cơ với cộng đồng và có liên quan chặt chẽ đến môi trường nhằm vào việc chia sẻ nhận thức về các điều luật, cách thức hành xử trong các phương thức khai thác, sử dụng tài nguyên biển đảo bền vững và khả năng giải quyết các vấn đề phát triển bền vững kinh tế biển. Với yêu cầu như vậy nhưng hiện tại hoạt động truyền thông về KTBX còn thiếu sức hấp dẫn, nội dung chưa phong phú, đa dạng, thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu chuyển đổi của từng nhóm đối tượng, địa bàn vùng biển đảo; sự phối hợp liên thông, thường xuyên trao đổi nghiệp vụ giữa các cơ quan thông tin, báo chí và các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền còn chưa kịp thời và chặt chẽ; chưa tận dụng, khai thác hiệu quả lợi thế của công nghệ thông tin, internet, mạng xã hội, kênh truyền thông của các cơ quan, ngành, lĩnh vực, địa phương và các phương thức truyền thông để truyền tải những thông điệp, thông tin về chính sách, giải pháp và kết quả của các dự án phát triển KTBX đến cộng đồng một cách nhanh chóng, rõ ràng, đầy đủ và dễ hiểu. Để khắc phục những tồn tại này, theo chúng tôi, cần thực hiện một số giải pháp sau:
(i) Đa dạng hóa các hình thức, nội dung tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về biển, đảo, chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam trong toàn hệ thống chính trị, trong nhân dân, đồng bào ta ở nước ngoài và cộng đồng quốc tế. Bên cạnh đó, cần tăng cường các phương thức truyền thông cá nhân, hệ thống thông tin cơ sở (hệ thống loa cấp xã, tranh cổ động, khẩu hiệu, giới thiệu sách, tranh cổ động, ảnh...); truyền thông trong các cơ sở giáo dục, đào tạo; truyền thông kết hợp quảng bá du lịch và các hoạt động kinh tế biển khác; truyền thông qua các xuất bản phẩm, phim tài liệu, tư liệu, hội thảo chuyên đề, hội nghị phổ biến, tập huấn, sự kiện, triển lãm về biển và đại dương...
(ii) Tận dụng tối đa thành tựu của cách mạng 4.0, vai trò của các phương tiện nghe nhìn, đa phương tiện truyền thông đại chúng, hệ thống báo chí; các kênh truyền hình, phát thanh, báo chí, gắn với sử dụng hiệu quả mạng xã hội, internet, các phương tiện kỹ thuật hiện đại để hình thành ý thức trách nhiệm tham gia các hoạt động truyền thông về KTBX của các tổ chức, cá nhân liên quan.
(iii) Hình thành cơ chế phối hợp liên thông, thường xuyên trao đổi nghiệp vụ giữa các cơ quan chức năng và các cấp chính quyền, các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp… để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục về phát triển KTBX.
Thứ tư, truyền thông về KTBX hiện còn gặp rất nhiều khó khăn do điều kiện về dân cư, địa lý, tự nhiên, đặc biệt là đối với những vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn tại các huyện đảo. Nhiều đối tượng như đồng bào các dân tộc thiểu số và ngư dân có thời gian dài ngày đi biển nên khó tiếp cận với thông tin về biển, đảo. Thông điệp truyền thông về KTBX vẫn nặng tính tuyên truyền một chiều, thiếu hấp dẫn; sự khô cứng, đơn điệu trong cách thức thể hiện và truyền tải thông điệp đang trở thành những rào cản, khó tiếp cận; tin, bài đề cập đến giải pháp, những khuyến nghị phát triển KTBX còn chung chung, chưa thực sự tạo ra những “xung” tác động mạnh mẽ để dẫn tới việc thay đổi nhận thức, hành động từ cộng đồng và thay đổi chính sách từ phía các cơ quan quản lý. Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ chuyên trách làm công tác tuyên truyền, giáo dục về biển, đảo chưa đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ, đặc biệt là sự hiểu biết về các vấn đề liên quan đến KTBX, phát triển bền vững kinh tế biển... nên chưa thực sự mang lại những thay đổi rõ rệt trong nhận thức, khó đạt được hiệu quả, mục đích truyền thông. Để khắc phục những thách thức trên, trong thời gian tới cần tăng cường hoạt động đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng tuyên truyền, thiết kế các ấn phẩm thông về KTBX, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, tăng trưởng xanh cho đội ngũ chuyên trách làm công tác tuyên truyền, giáo dục về biển, đảo. Công tác xây dựng, thiết kế nội dung, thông điệp truyền thông về biển, đảo và KTBX cần có những thay đổi theo hướng ngắn gọn, ấn tượng, phải coi trọng chất lượng, thông tin có định hướng, ngôn ngữ dễ hiểu, dễ nhớ, dễ tiếp cận, dễ tương tác và phù hợp với từng nhóm đối tượng, trình độ nhận thức, đặc trưng của từng vùng, miền và phù hợp với từng thời điểm. Thực hiện truyền thông theo hướng đồng bộ và toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, không theo phong trào, đáp ứng nhanh, hiệu quả yêu cầu của từng giai đoạn cụ thể. Tăng cường tuyên truyền để ngư dân nâng cao nhận thức hiểu và thực hiện đúng luật pháp về biển, các cam kết quốc tế về biển, xác định đúng vai trò, trách nhiệm của mình trong việc tham gia khai thác và bảo vệ tài nguyên, môi trường biển.
Thứ năm, hoạt động truyền thông cho tiến trình phát triển KTBX hiện nay còn có khoảng cách, không ít bất cập, chưa thật sự ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ phát triển bền vững kinh tế biển. Đầu tư cho các hoạt động truyền thông về KTBX còn phân tán, thiếu trọng tâm, trọng điểm, chưa thường xuyên, tương xứng với yêu cầu của truyền thông. Việc nghiên cứu, xây dựng các sáng kiến, mô hình và tổ chức đánh giá, triển khai áp dụng các sáng kiến, mô hình truyền thông lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm trong chương trình phát triển KTBX để truyền cảm hứng làm tăng khả năng thay đổi các hành vi của cộng đồng về KTBX trong sản xuất và đời sống còn thiếu và yếu. Vì vậy, việc huy động được mọi nguồn lực (ngân sách nhà nước, xã hội hóa, hợp tác công - tư, hợp tác quốc tế) và phát huy tối đa nội lực, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội để đầu tư bài bản; tăng cường kêu gọi, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đặc biệt là các doanh nghiệp tham gia hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về KTBX được xem là nội dung, giải pháp cơ bản để thực hiện hiệu quả, đồng bộ chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
(1) Nguyễn Thị Thu Hòa, Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Tạp chí Cộng sản, 5/2023. (2) Trần Hồng Hà, Xây dựng kinh tế biển xanh - trọng điểm cho phát triển bền vững biển Việt Nam, Báo Nhân dân điện tử ngày 29/9/2018.
|
Tài liệu tham khảo 1. Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. 2. Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. 3. Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 24/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới và tăng cường tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. 4. Quyết định số 729/QĐ-TTg, ngày 16/6/2022, về việc phê duyệt Chương trình truyền thông về biển và đại dương đến năm 2030. 5. Quyết định số 882/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030. 6. Sổ tay Truyền thông môi trường (Tổng cục Môi trường), 2011. |
TS HOÀNG QUỐC LÂM
Trung tâm truyền thông Tài nguyên và Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường
Bàn về quy định tỷ lệ sở hữu cổ phần trong Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024