/ Góc nhìn
/ Để các quy định của Đảng thực sự đi vào cuộc sống

Để các quy định của Đảng thực sự đi vào cuộc sống

29/10/2021 03:43 |

(LSVN) - Ngày 18/5/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, trong đó nêu rõ: “Công tác đấu tranh với các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống chưa mạnh mẽ; tự phê bình và phê bình có nơi, có lúc còn hình thức; tình trạng thiếu tự giác nhận khuyết điểm, đổ lỗi, nể nang, né tránh, ngại va chạm còn diễn ra ở nhiều nơi”. Đề ra nhiều giải pháp để chấn chỉnh tình trạng này, Bộ Chính trị yêu cầu lãnh đạo chủ chốt các cấp phải nghiêm túc tự phê bình và phê bình, thấy đúng phải cương quyết bảo vệ, thấy sai phải quyết liệt đấu tranh.

Các đại biểu biểu quyết tại Đại hội XIII của Đảng.

Để thực hiện nghiêm túc, hiệu quả yêu cầu này, lãnh đạo chủ chốt ở các cấp phải có thái độ cầu thị, thẳng thắn, dám nhận sai, sửa sai. Sai thì sửa, việc đó tưởng là dễ nhưng đối với những người chỉ thích nhận thành tích thì việc thừa nhận khuyết điểm, sai lầm lại không hề dễ dàng. Thực tế hiện nay, công tác tự phê bình và phê bình của các tổ chức Đảng, của các Đảng viên được thực hiện trên tinh thần tự giác cao, nhưng vẫn còn một số nơi chưa dám nhìn thẳng vào sự thật, bộc lộ những hạn chế trong tự phê bình và phê bình gây nên tâm tư cho một bộ phận cán bộ Đảng viên.  

Xin nêu ví dụ về sự việc xảy ra tại Đảng ủy Cơ quan Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Theo phản ánh của một số Đảng viên, trong đó có cả Đảng viên lão thành, nguyên là lãnh đạo Hội đã nghỉ hưu, Đảng ủy Cơ quan Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã thực hiện chưa đúng hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương về đánh giá xếp loại thi đua. Khi có ý kiến phản ánh, Đảng ủy lại không thừa nhận, không sửa sai gây tâm tư cho Đảng viên, quần chúng. Cụ thể, Hướng dẫn số 21-HD/BTCTW ngày 18/10/2019 của Ban Tổ chức Trung ương (về đánh giá xếp loại cán bộ, lãnh đạo quản lý các cấp) quy định: “Sau khi hoàn thành đánh giá, xếp loại chất lượng tổ chức, tập thể, cá nhân ở địa phương, cơ quan, đơn vị thì đánh giá, xếp loại chất lượng người đứng đầu. Mức xếp loại của người đứng đầu không được cao hơn mức xếp loại của tập thể lãnh đạo, quản lý, tổ chức, cơ quan, đơn vị do mình đứng đầu”. Quy định này nhằm nâng cao trách nhiệm, tính gương mẫu của Đảng viên là người đứng đầu tổ chức đảng.

Để triển khai thực hiện công tác đánh giá phân loại chất lượng Đảng viên theo hướng dẫn của Trung ương, Đảng ủy Cơ quan Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam ban hành Hướng dẫn số 83-HD/ĐUCTĐ ngày 20/11/2020 về công tác thi đua. Tuy nhiên, Hướng dẫn số 83-HD/ĐUCTĐ lại bỏ hẳn nội dung nêu trên của Hướng dẫn số 21-HD/BTCTW. Việc hướng dẫn chưa đúng, chưa đầy đủ dẫn tới kết quả nhiều Bí thư chi bộ được xếp loại chất lượng Đảng viên “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” trong khi tập thể chi bộ đó chỉ đạt kết quả "Hoàn thành tốt nhiệm vụ". Thậm chí, cả Bí thư Đảng ủy đương nhiệm và Bí thư Đảng ủy tiền nhiệm đều được xếp loại chất lượng Đảng viên “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” trong khi tập thể Đảng ủy chỉ được xếp loại “Hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) ngày 30/10/2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng “về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ” có chỉ rõ: “Mắc “bệnh thành tích", háo danh, che giấu khuyết điểm, thổi phồng thành tích,... chính là biểu hiện của sự suy thoái về đạo đức, lối sống.

Ngày 28/7/2021 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 22-QĐ/TW về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng. Quy định 22-QĐ/TW nêu rõ: Phải chủ động phát hiện sớm để phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục khuyết điểm, vi phạm của tổ chức đảng và Đảng viên ngay từ khi còn mới manh nha, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn, kéo dài và lan rộng. Khi các vụ việc vi phạm được phát hiện, phải cương quyết xử lý kỷ luật nghiêm minh, kịp thời để răn đe và giáo dục.

Mới đây, ngày 25/10/2021 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký Quy định 37 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều Đảng viên không được làm. Quy định này thay thế Quy định số 47 ngày 01/11/2011 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, nêu rõ 19 điều Đảng viên không được làm và có một số điểm mới. Trong đó, tại Điều 1 của quy định nêu rõ: “Nói, viết, làm trái hoặc không thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định, quy chế, quyết định của Đảng; làm những việc mà pháp luật không cho phép”.

Từ kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, để tự phê bình và phê bình thực chất và hiệu quả, điều rất quyết định chính là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là cán bộ chủ chốt phải gương mẫu, đi đầu trong thực hiện nguyên tắc này. Chỉ khi đội ngũ cán bộ, những người đứng đầu nhận thức đúng và dũng cảm nêu gương trong tự phê bình và phê bình thì tổ chức ấy, tập thể ấy mới có không khí dân chủ, biết và dám tự phê bình và phê bình. Trong sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt cấp ủy phải có thái độ nghiêm túc kiểm điểm, đánh giá đúng ưu, nhược điểm của các cấp ủy viên, các Đảng viên, nhất là các đồng chí lãnh đạo chủ chốt để kịp thời sửa chữa sai sót, yếu kém, đồng thời là “nói phải đi đôi với làm”, nghĩa là nghiêm túc sửa chữa ngay sau khi tự phê bình và phê bình.

Chỉ có như vậy thì các Chỉ thị, Nghị quyết, quy định,… của Đảng mới thực sự đi vào cuộc sống.

PV

19 điều Đảng viên không được làm

Lê Minh Hoàng