/ Trao đổi - Ý kiến
/ Đe dọa, chửi bới người khác trên mạng xã hội có thể bị phạt tù

Đe dọa, chửi bới người khác trên mạng xã hội có thể bị phạt tù

01/01/0001 00:00 |

(LSO) - Hành vi đe dọa, chửi bới người khác trên mạng xã hội là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy từng mức hậu quả tính chất, mức độ mà hành vi này có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ảnh minh họa.

Mạng xã hội ngày càng trở nên phổ biến và có tác động không nhỏ đến đời sống xã hội. Theo đó, mỗi người có thể tự mình đăng tải nội dung, thể hiện các trạng thái cảm xúc, suy nghĩ trên tài khoản cá nhân của mình. Tuy nhiên, thực tế cho thấy hiện nay rất khó kiểm soát nội dung đăng tải, chia sẻ trên mạng xã hội nên dẫn đến tình trạng ngày càng xuất hiện nhiều thông tin được đăng tải dưới mục đích xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín hoặc đe dọa người khác.

Hành vi đe dọa, chửi bới người khác trên mạng xã hội là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy từng mức hậu quả tính chất, mức độ mà hành vi này có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Lời đe dọa đó hướng tới một đối tượng nhất định, kể cả trong phần tin nhắn, phần bình luận, hay viết lên trang Facebook, Zalo của người khác đều hướng đến một đối tượng cụ thể, làm cho họ tin và lo sợ hành vi đó có thể diễn ra thật thì những người này vẫn có thể bị xử lý về hành vi đe dọa giết người.

Theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 5 Nghị định số: 72/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 07 năm 2013 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng thì một trong những hành vi bị nghiêm cấm là

”1. Lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích:

d) Đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân”.

Theo quy định tại điểm g, khoản 3, Điều 66 Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 03/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện thì hành vi “Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác;” sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Nếu hành vi đe dọa, chửi bới người khác trên mạng xã hội có đầy đủ các yếu tố cấu thành tội "Đe dọa giết người" theo Điều 133 Bộ luật Hình sự hoặc tội "Làm nhục người khác" theo Điều 155 Bộ luật Hình sự thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cụ thể, Điều 133 Bộ luật Hình sự quy định người nào đe dọa giết người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Điều 133. Tội đe dọa giết người
1. Người nào đe dọa giết người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Đối với 02 người trở lên;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
d) Đối với người dưới 16 tuổi;
đ) Để che giấu hoặc trốn tránh việc bị xử lý về một tội phạm khác.

Điều 155 Bộ luật Hình sự quy định về tội "Làm nhục người khác", theo đó, người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

Điều 155. Tội làm nhục người khác
1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Đối với 02 người trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Đối với người đang thi hành công vụ;
đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;
e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%75.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên76;
b) Làm nạn nhân tự sát.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Quyền bất khả xâm phạm về thân thể, tính mạng, danh dự, nhân phẩm là một quyền đã được pháp luật Việt Nam hiến định, quy định trong bộ Luật Dân sự và các luật khác. Theo đó, bất kỳ hành vi nào xâm phạm trái phép đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người đều là những hành vi trái pháp luật. Cơ quan có thẩm quyền cần xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nhằm mang tính răn đe và bảo vệ hơn nữa quyền, lợi ích hợp pháp của người bị hại.

Nữ hiệu trưởng dọa mang xăng 'xử' Trưởng phòng Giáo dục ở Quảng Bình
Ông Phan Thanh Minh, Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Ba Đồn (Quảng Bình) xác nhận có nhận được tin nhắn của bà Đinh Thị Phương Nhạn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 2 Quảng Văn (xã Quảng Văn, thị xã Ba Đồn, Quảng Bình) gửi đến. Tin nhắn dùng những lời lẽ thiếu chuẩn mực, đạo đức của nhà giáo, có nội dung đe dọa ông Minh.
Cụ thể, tin nhắn được bà Nhạn gửi vào số điện thoại của ông Minh vào lúc 22h19 ngày 03/7 như sau: "Mang xăng sang xử anh để chết tôi vẫn chấp nhận".
Sự việc bắt nguồn từ việc ngành GD&ĐT thị xã Ba Đồn tổ chức bình chọn các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc để đề nghị khen thưởng tại Hội nghị điển hình tiên tiến thị xã Ba Đồn và ngành GD&ĐT tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2015-2020.
Sau khi tổ chức bình chọn, ngành GD&ĐT thị xã Ba Đồn có 6 tập thể và 6 cá nhân được đề nghị khen thưởng tại 2 Hội nghị điển hình tiên tiến nói trên. Trong đó, Trường Tiểu học số 2 Quảng Văn được vinh dự khen thưởng tại Hội nghị điển hình tiên tiến toàn ngành GD&ĐT Quảng Bình.
“Sau khi nhận được kết quả bình chọn, bà Nhạn đã nổi đóa cho rằng tại sao trường mình không được khen thưởng tại Hội nghị điển hình tiên tiến thị xã Ba Đồn. Tôi đã giải thích với bà Nhạn, được khen thưởng trước toàn ngành GD&ĐT tỉnh Quảng Bình là mức khen thưởng cao hơn, nhưng bà Nhạn không chịu, rồi viết đơn khiếu nại lên UBND thị xã”, ông Minh nói.
Theo ông Minh, không dừng lại ở đó, bà Nhạn liên tục lên mạng xã hội, dùng Facebook và Zalo cá nhân chửi bới, nói xấu lãnh đạo ngành. Sau một loạt tin nhắn đe dọa sẽ kiện đến cùng kết quả bình chọn thi đua khen thưởng, ông Minh nhận được tin nhắn: “Mang xăng sang xử anh để chết tôi vẫn chấp nhận!”.

THANH THANH

/nong-san-xuat-khau-tang-toc-cung-evfta.html