Ảnh minh họa.
Thực tế, rất nhiều phụ huynh thường giao các thiết bị điện tử để con tự học online rồi đi làm. Do không có người giám sát nên các em không tham gia học trực tuyến mà thường xuyên truy cập vào mạng xã hội hoặc chơi game.
Sau một thời gian dài như vậy dẫn đến các em bị lệ thuộc nên thường có biểu hiện rối loạn cảm xúc, hay cáu gắt, thường xuyên cự cãi với bố mẹ nếu bị ngăn cản việc sử dụng các thiết bị điện tử.
Hiện nay, nhiều địa phương đã cho học sinh đi học trực tiếp trở lại sau một thời gian dài học trực tuyến. Nhiều học sinh khi trở lại học trực tiếp đã có biểu hiện lệ thuộc vào các thiết bị điện tử dẫn đến việc học sa sút.
Mặt trái của việc online thì ai cũng thấy rõ nhưng nó là xu hướng tất yếu không thể thay thế trong một số trường hợp bắt buộc phải học online như thiên tai, dịch bệnh hoặc học sinh tham gia các khóa học tại các trường đào tạo quốc tế.
Vấn đề đặt ra là cần phải có biện pháp quản lý chặt chẽ, đồng thời nâng cao hiệu quả của việc học online, hạn chế học sinh làm việc riêng hoặc truy cập mạng xã hội, chơi game trong giờ học.
Đặc biệt, cha mẹ không nên đặt điều kiện hay trả công cho các con bằng cách cho phép các em được sử dụng thiết bị điện tử. Điều này sẽ không tốt cho trẻ, vì sẽ tạo ra thói quen khó bỏ và có thể các em sẽ đặt ra điều kiện trở lại đối với chính cha mẹ như phải cho các em sử dụng các thiết bị điện tử nếu nhờ hoặc bắt các em làm một việc gì đó.
Việc học online không phải là nguyên nhân khiến học sinh lệ thuộc vào các thiết bị điện tử mà là do thiếu sự quản lý, giám sát trong quá trình học online. Đồng thời, cha mẹ chưa có giải pháp, kỹ năng để định hướng các con sử dụng, khai thác lợi ích của mạng xã hội để phục vụ cho việc học.
Để học sinh không lệ thuộc vào các thiết bị điện tử cần quan tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó, cần phải giúp học sinh sử dụng không gian mạng một cách tích cực, an toàn và hiệu quả. Phụ huynh phải giúp con cai nghiện game và mạng xã hội bằng cách dành nhiều thời gian trò chuyện và vui chơi với con, thường xuyên tổ chức các buổi dã ngoại để con được tiếp xúc với môi trường thực tế xung quanh, được giao tiếp, vui chơi với các bạn cùng trang lứa.
Nhà trường thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu, học tập ngoại khóa để thu hút đông đảo học sinh tham gia. Có như vậy, mới có thể hạn chế học sinh bị lệ thuộc vào các thiết bị điện tử mà quan tâm nhiều hơn đến cuộc sống thực tế bên ngoài, góp phần rèn luyện, tích lũy và nâng cao kỹ năng sống cho học sinh.
ĐỖ VĂN NHÂN
Cần sửa đổi một số văn bản quy phạm pháp luật về phòng chống dịch bệnh