Chủ nhiệm UBPL Hoàng Thanh Tùng báo cáo tại phiên họp. Ảnh: TNO.
Trình bày báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật (UBPL) Hoàng Thanh Tùng cho biết, một điểm mới là cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ KH&CN) đề nghị bổ sung quy định về quyền tác giả, quyền liên quan đối với Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca tại Điều 24a, Dự án luật.
Cụ thể, Nhà nước là đại diện chủ sở hữu quyền tác giả đối với Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca và việc phổ biến, sử dụng phải theo quy định pháp luật; tổ chức, cá nhân không được lạm dụng quyền tác giả, quyền liên quan để ngăn chặn, cản trở việc phổ biến, sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca.
Ông Tùng cho biết, thường trực UBPL đánh giá quy định chặt chẽ vấn đề nêu trên là cần thiết nhằm bảo đảm sự tôn nghiêm của các biểu tượng quốc gia trong đời sống xã hội, bảo đảm quyền lợi của người dân được thụ hưởng Quốc ca Việt Nam.
"Việc này nhằm tránh trường hợp bị ngắt âm thanh Quốc ca như trong trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam - Lào tối 06/12/2021 tại vòng bảng AFF Suzuki Cup 2020", Chủ nhiệm UBPL cho hay.
Tuy nhiên, Thường trực UBPL nhận thấy cơ quan chủ trì soạn thảo chưa cung cấp đầy đủ luận cứ, thông tin để có cơ sở xem xét, quyết định. Đơn cử như: Pháp luật hiện hành và dự thảo Luật đã có đủ các quy định để điều chỉnh vấn đề quyền tác giả, quyền liên quan đối với Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca hay chưa?
Sự việc ngắt âm thanh Quốc ca Việt Nam trước trận thi đấu bóng đá vừa qua là pháp luật hiện hành thiếu quy định để điều chỉnh hay do tổ chức thực hiện? Kinh nghiệm quốc tế về luật hóa quy định quyền tác giả, quyền liên quan đối với Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca và mô hình phù hợp với Việt Nam là gì? Đánh giá tác động đối với quy định này?...
Cơ quan thẩm tra cũng cho rằng, Luật Sở hữu trí tuệ là đạo luật điều chỉnh về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ với tính chất là một loại tài sản dân sự (tài sản trí tuệ), Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca ngoài việc là tài sản trí tuệ, còn có ý nghĩa là biểu tượng thiêng liêng của quốc gia, dân tộc, vì vậy nếu chỉ điều chỉnh trong Luật này sẽ không bảo đảm tính bao quát, toàn diện và đầy đủ.
"Kinh nghiệm một số nước là có luật riêng quy định về Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca", ông Tùng nói. Do đó, UBPL đề nghị tiếp tục nghiên cứu xây dựng phương án hoàn thiện pháp luật đối với Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca thực sự chặt chẽ, khả thi hơn và xem xét ban hành văn bản quy phạm pháp luật riêng điều chỉnh nội dung này.
Nêu ý kiến tại phiên họp, Chủ nhiệm UBKT Vũ Hồng Thanh cũng cho rằng đề xuất bổ sung mới chỉ có cơ quan soạn thảo đưa ra, Chính phủ chưa có ý kiến, nên "sợ rằng đại biểu chưa ủng hộ". "Nếu cần thiết thì xử lý theo hướng khác như có luật riêng, có chế tài riêng", ông Thanh phát biểu ý kiến.
Trong khi đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hoan nghênh đề xuất của Bộ KH&CN. Theo Chủ tịch Quốc hội, vấn đề quyền tác giả đối với Quốc kỳ, Quốc ca, Quốc huy đã được quy định ở mức độ khác nhau từ Hiến pháp và các luật chuyên ngành và cả văn bản dưới luật.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng không đồng tình với đề xuất của UBTV Quốc hội về việc có một luật riêng để quy định vấn đề này.
“Trong khi bảo chờ có luật riêng, mà chương trình xây dựng pháp luật không có luật này thì đến bao giờ có luật riêng này. Nếu quy định hiện hành xử lý được thì cần gì luật riêng. Chỗ này phải nghiên cứu thấu đáo”, ông Huệ nói. Đồng thời, đề nghị nghiên cứu cách thức để quy định ngay trong luật này trong khi chờ luật riêng.
Ông Huệ cũng đề nghị Chính phủ có văn bản chịnh thức về vấn đề này, chứ không thể ra UBTV Quốc hội lại nói đây là ý kiến của bộ này, bộ kia. "Đáng ra phải có văn bản trước cuộc họp Thường vụ. Bao lâu tiếp thu, giải trình đến nay chưa có ý kiến chính thức của Chính phủ về việc này", ông Huệ nói.
Giải trình thêm, Bộ trưởng KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết thời gian qua có một số vụ việc liên quan đến Quốc ca xảy ra trên không gian mạng gây bức xúc trong nhân dân, ảnh hưởng đến việc tiếp cận của nhân dân, có nguy cơ ảnh hưởng đến thể diện quốc gia.
Vì vậy, Bộ cho rằng việc bổ sung quy định về quyền tác giả, quyền liên quan đối với Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca được đề nghị bổ sung vào dự án luật là cần thiết.
"Chúng tôi đề nghị đưa vào dự án luật một nội dung liên quan đến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca như quy định có tính nguyên tắc, sau đó giao Chính phủ quy định cụ thể trong thời gian tới”, Bộ trưởng nói.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Bộ KH&CN báo cáo Chính phủ có ý kiến chính thức về nội dung nêu trên. Cơ quan chủ trì thẩm tra là UBPL tiếp tục nghiên cứu trình Thường vụ Quốc hội trước khi báo cáo với Quốc hội.
TRẦN QUÝ
Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Cảnh sát cơ động