(LSVN) - Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng Điều 78 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về thủ tục đăng ký bào chữa cần phải sửa đổi theo hướng phù hợp với thực tiễn và thuận tiện cho người bào chữa và cơ quan tiến hành tố tụng.
Ảnh minh họa.
Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại Báo cáo sơ kết thực tiễn 05 năm thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 của Liên đoàn Luật sư Việt Nam gửi Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao.
Trong đó, Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho biết, khoản 2 Điều 78 BLTTHS 2015 quy định khi đăng ký bào chữa, người bào chữa phải xuất trình các giấy tờ: “Luật sư xuất trình Thẻ Luật sư kèm theo bản sao có chứng thực và giấy yêu cầu Luật sư của người bị buộc tội hoặc của người đại diện, người thân thích của người bị buộc tội” (điểm a khoản 2 Điều 78 BLTTHS 2015).
Hiện nay, một số cơ quan và người tiến hành tố tụng hiểu cụm từ “xuất trình” có nghĩa là Luật sư phải có mặt trực tiếp “xuất trình Thẻ Luật sư” mới được coi là đủ điều kiện cấp thông báo người bào chữa cho Luật sư. Từ cách hiểu này đã có rất nhiều Luật sư bị từ chối cấp thông báo người bào chữa, đặc biệt rất nhiều Luật sư thuộc thành viên nhiều Đoàn Luật sư ở miền Bắc, khi tham gia vụ án hình sự ở miền Trung hoặc miền Nam bị cơ quan tiến hành tố tụng buộc phải đến trực tiếp nộp hồ sơ và “xuất trình Thẻ Luật sư” mới cấp thông báo người bào chữa.
Trong khi đó, tại Điều 17, Thông tư 46/2019/TT-BCA quy định việc gửi, nhận hồ sơ, thông báo bao gồm cả hình thức gửi nhận qua đường bưu chính. Trên thực tế, có nhiều cơ quan tiến hành tố tụng trung ương và địa phương tiếp nhận hồ sơ gửi qua đường bưu chính và đã cấp thông báo bào chữa cho Luật sư, chỉ yêu cầu đối chiếu giữa bản sao Thẻ Luật sư đã được công chứng với bản chính Thẻ Luật sư trong lần tiếp xúc đầu tiên giữa Luật sư và người tiến hành tố tụng.
Có thể thấy rằng, thực tế hiện nay, cách hiểu và việc thực hiện về thủ tục đăng ký bào chữa trong các cơ quan tiến hành tố tụng ở trung ương và địa phương không thống nhất dẫn đến rất nhiều khó khăn cản trở cho người bào chữa.
Theo quy định tại khoản 2, Điều 2, Nghị định 23/2015/NĐ-CP ngày 16/2/2015 của Chính phủ quy định: “Bản sao được chứng thực từ bản chính có giá trị sử dụng thay cho bản chính”.
Như vậy, chỉ nên yêu cầu Luật sư xuất trình Thẻ Luật sư (bản gốc) để đối chiếu trong trường hợp hồ sơ đăng ký chỉ có bản sao (chưa chứng thực) thì mới hợp lý. Trong trường hợp nghi ngờ giả mạo, cơ quan có thẩm quyền có thể đề nghị Luật sư xuất trình Thẻ Luật sư gốc để đối chiếu tại buổi làm việc đầu tiên với người bị bắt, bị tạm giam trong Trại tạm giam. Việc này sẽ hạn chế được tình trạng kéo dài thời gian làm thủ tục đăng ký người bào chữa của Luật sư, giúp đảm bảo quyền lợi chính đáng của người bị buộc tội.
Do đó, Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng Điều 78 BLTTHS 2015 quy định về thủ tục đăng ký bào chữa cần phải sửa đổi theo hướng phù hợp với thực tiễn và thuận tiện cho người bào chữa và cơ quan tiến hành tố tụng. Để góp phần hoàn thiện quy định của pháp luật về thủ tục đăng ký bào chữa (khoản 2 Điều 78), Liên đoàn Luật sư Việt Nam đề nghị sửa đổi khoản 2 Điều 78 BLTTHS 2015 như sau:
“2. Khi đăng ký bào chữa, người bào chữa phải gửi đến cơ quan tiến hành tố tụng bộ hồ sơ gồm các giấy tờ:
a) Luật sư gửi bản sao Thẻ Luật sư có chứng thực và giấy yêu cầu Luật sư của người bị buộc tội hoặc của người đại diện, người thân thích của người bị buộc tội;
b) Người đại diện của người bị buộc tội gửi bản sao thẻ Căn cước công dân có chứng thực và giấy tờ có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về mối quan hệ của họ với người bị buộc tội;
c) Bào chữa viên nhân dân gửi bản sao thẻ Căn cước công dân kèm theo bản sao có chứng thực và văn bản cử bào chữa viên nhân dân của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận;
d) Trợ giúp viên pháp lý, gửi văn bản cử người thực hiện trợ giúp pháp lý của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và bản sao Thẻ trợ giúp viên pháp lý có chứng thực”.
Tương tự, khoản 3 Điều 78 cũng sửa đổi như trên. Việc đối chiếu giữa bản sao Thẻ Luật sư, Căn cước công dân hay Thẻ trợ giúp viên pháp lý nếu cơ quan tiến hành tố tụng thấy cần thiết sẽ được tiến hành trong lần gặp đầu tiên giữa người bào chữa với cơ quan hoặc người tiến hành tố tụng.
HỒNG HẠNH