Kiến nghị thu hẹp diện chủ thể người bào chữa theo hướng nâng cao tính chuyên nghiệp

24/10/2023 10:13 | 6 tháng trước

(LSVN) - Với số lượng hiện nay đã có hơn 18.000 Luật sư, Liên đoàn Luật sư Việt Nam kiến nghị nên xem xét thu hẹp diện chủ thể người bào chữa theo hướng nâng cao tính chuyên nghiệp, chỉ Luật sư mới đủ tư cách và điều kiện để thực hiện chức năng bào chữa trong tố tụng hình sự. 

Ảnh minh họa.

Vừa qua, Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhận được Công văn số 2133/VKSTC-V14 ngày 02/6/2023 của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đề nghị nghiên cứu, rà soát và sơ kết thực tiễn 05 năm thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS) theo Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 05/11/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. 

Thực hiện Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 và nhiệm vụ được giao tại Công văn số 2133/VKSNDTC-V14, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã triển khai tới các Đoàn Luật sư, Luật sư thành viên đề nghị rà soát, cung cấp thông tin về bất cập, vướng mắc trong quá trình thực hiện BLTTHS; tổ chức các Hội thảo, Tọa đàm để thu thập thông tin, lấy ý kiến và đề xuất, kiến nghị của các Luật sư về BLTTHS. 

Trên cơ sở đó, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã tổng hợp, xây dựng Báo cáo sơ kết thực tiễn 05 năm thi hành BLTTHS. Trong đó, đáng chú ý đối với nội dung về người có quyền tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa, theo Liên đoàn Luật sư Việt Nam quy định này trong BLTTHS vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, vướng mắc.

Cụ thể, theo quy định tại khoản 2 Điều 72 BLTTHS 2015:

“2. Người bào chữa có thể là:

a. Luật sư;

b. Người đại diện của người bị buộc tội

c. Bào chữa viên nhân dân;

d. Trợ giúp viên pháp lý trong trường hợp người bị buộc tội thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý”.

Theo quy định này thì phạm vi diện người bào chữa được mở rộng, đây là một điểm mới, nhằm bảo đảm tốt nhất về việc bào chữa cho người phạm tội. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là một số diện chủ thể người bào chữa cần được xem xét và đánh giá về kiến thức, kỹ năng chuyên môn để thực hiện việc bào chữa có đảm bảo hay không? 

Trong thực tiễn, người đại diện của người bị buộc tội thường là bố mẹ đẻ, anh chị em ruột,… những người này thường chỉ dừng lại ở vai trò giám hộ, còn khả năng thực hiện việc bào chữa rất hạn chế. Có tình trạng người tiến hành tố tụng có thể lợi dụng điểm này yêu cầu người đại diện từ chối Luật sư mà vẫn đúng với quy định của pháp luật, dẫn đến người bị buộc tội không được hưởng quyền hỗ trợ pháp lý một cách tốt nhất.

Tương tự như vậy, bào chữa viên nhân dân là một chế định lịch sử được hình thành từ năm 1949 theo Sắc lệnh số 69/SL do nhu cầu trợ giúp pháp lý cho người bị buộc tội trong thời chiến. Người bào chữa thường được chỉ định trong quần chúng nhân dân như thành viên Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ…, nên có những hạn chế nhất định trong việc thực hiện bào chữa cho người bị buộc tội.

Đồng thời, về vấn đề này cũng chưa có các văn bản hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn thi hành trong trường hợp cơ quan và người tiến hành tố tụng áp dụng điểm b, điểm c, khoản 02 Điều 72 và thực tiễn gần như không có bào chữa viên nhân dân nào tham gia bào chữa trong 5 năm qua.

Ngoài ra, đối với các trợ giúp viên pháp lý (điểm d, khoản 2, Điều 72) là những người thuộc biên chế của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Chi nhánh tại các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Trong nhiều trường hợp cũng chưa có trình độ chuyên môn pháp luật phù hợp, thiếu kỹ năng hành nghề bào chữa nên rất hạn chế trong tranh tụng.

Do đó, với số lượng hiện nay đã có hơn 18.000 Luật sư, Liên đoàn Luật sư Việt Nam kiến nghị nên xem xét thu hẹp diện chủ thể người bào chữa theo hướng năng cao tính chuyên nghiệp, chỉ Luật sư mới đủ tư cách và điều kiện để thực hiện chức năng bào chữa trong tố tụng hình sự. 

Bên cạnh đó, để góp phần hoàn thiện quy định của pháp luật về người có quyền tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa (khoản 2 Điều 72), Liên đoàn Luật sư Việt Nam đề nghị xem xét lại quy định về diện những người tham gia tố tụng với tư cách người bào chữa cho người bị buộc tội (bao gồm các đối tượng: bào chữa viên nhân dân, người đại diện của người bị buộc tội và trợ giúp viên pháp lý) để đảm bảo quyền được bào chữa của người bị buộc tội.

Đồng thời, Liên đoàn cũng đề nghị xem xét bỏ điểm b, c, khoản 2 Điều 72 BLTTHS 2015 nhằm bảo đảm quyền bào chữa cho người bị buộc tội một cách tốt nhất theo hướng có lợi cho người bị buộc tội đồng thời nhằm đảm bảo tính thống nhất xuyên suốt của BLTTHS 2015.

PV