Phát biểu thảo luận về kinh tế - xã hội sáng 18/6, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyên Thanh (Đoàn Vĩnh Long) đề xuất sớm hiện thực hóa chính sách miễn viện phí toàn dân. Đây được xem là một trong những bước đột phá chính sách y tế của Việt Nam, với mong muốn thực hiện mục tiêu không để bất kỳ ai bị bỏ lại phía sau.
Bên cạnh đó, Đại biểu mong Chính phủ quan tâm, sớm có cơ chế chính sách hỗ trợ khám sức khỏe định kỳ cho người cao tuổi, người khuyết tật từ năm 2026. Sau đó, sẽ có lộ trình từng năm đến năm 2030 cho các đối tượng ưu tiên khác để tất cả người dân, đặc biệt là người khuyết tật được tiếp cận dịch vụ y tế, phục hồi chức năng chăm sóc sức khỏe, thể chất, tinh thần kịp thời.
Đồng tình với ý kiến trên, Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) chỉ rõ để thực hiện chủ trương rất nhân văn là miễn phí khám chữa bệnh toàn dân vẫn phải dựa vào bảo hiểm y tế. Vì về bản chất là Nhà nước hỗ trợ cho nhân dân, thông qua giúp bổ sung kinh phí để tăng Quỹ bảo hiểm y tế, đảm bảo cho người khám, chữa bệnh được sử dụng tối đa các dịch vụ y tế tốt nhất mà không phải đóng thêm tiền. Đại biểu đề nghị phân nhóm thụ hưởng theo nhóm ưu tiên mà hiện đã có, đó là trẻ em dưới 6 tuổi, gia đình có công với cách mạng, người lớn tuổi... Đồng thời, triển khai ngay cho những người đang bị ốm nặng, hiểm nghèo kéo dài và ông đề nghị nhóm này từ năm 2026 có thể triển khai.
Đại biểu cũng đề nghị phải giải quyết đảm bảo đủ thuốc, hóa chất, sinh phẩm cho người bệnh; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, thường xuyên bổ sung thuốc mới, cập nhật phác đồ chẩn đoán, điều trị hiện đại, ứng dụng các công nghệ mới... Đồng thời, Bộ Y tế lưu ý xem lại chủ trương tự chủ ở các bệnh viện công, tránh biến tướng của hiện tượng tư nhân hóa các bệnh viện, làm ảnh hưởng đến quyền lợi khám, chữa bệnh của nhân dân.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ngoài ra, Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh (Đoàn Lào Cai) cho biết Đảng và Nhà nước thời gian qua luôn quan tâm đặc biệt tới sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân thông qua việc ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhất quán, xuyên suốt và nhân văn. Ngành y tế cũng đã đạt được rất nhiều kết quả đáng ghi nhận, trong đó có chương trình tiêm chủng mở rộng; nhiều kỹ thuật hiện đại như ghép tạng, thụ tinh ống nghiệm, ghép tế bào gốc, tạo máu để điều trị ung thư máu đã được thực hiện thành công; đặc biệt ngày 28/5, một ca can thiệp tim bào thai phức tạp cho bệnh nhân người Singapore đã được thực hiện thành công tại Việt Nam, mở ra bước ngoặt mới cho y học bào thai nước nhà...
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng bên cạnh những thành tựu, công tác chăm sóc sức khỏe của nhân dân vẫn còn gặp không ít khó khăn và bất cập, trong đó chất lượng dịch vụ y tế chưa đồng đều, khả năng tiếp cận y tế còn chênh lệch đáng kể giữa các tuyến trung ương và tuyến cơ sở. Y tế cơ sở vốn là người gác cổng của hệ thống vẫn còn yếu về năng lực, cơ sở vật chất và thiết bị lạc hậu. Bên cạnh đó, y học cổ truyền là một thế mạnh riêng nhưng chưa được phát huy xứng tầm; già hóa dân số diễn ra nhanh chóng cùng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh và thiên tai làm tăng gánh nặng lên hệ thống y tế, trong khi đó mô hình tổ chức cũ chưa đáp ứng được yêu cầu mới về quản trị và chất lượng dịch vụ theo chuẩn quốc tế.
Đại biểu cũng cho biết chính sách đãi ngộ đối với sinh viên y khoa, đội ngũ y bác sĩ còn bất cập. Chính sách tiền lương và phụ cấp chưa tương xứng với khối lượng và áp lực nghề nghiệp, cùng với đó chưa có chính sách về phát triển y tế tư nhân, khoa học, công nghệ, chuyển đổi số hay huy động nguồn lực của tư nhân nâng cao chăm sóc sức khỏe của nhân dân.
Đại biểu đề nghị Bộ Y tế tiếp tục quan tâm phát triển mô hình y tế, mô hình bác sĩ gia đình, mạng lưới bác sĩ cộng đồng, gắn y tế cơ sở chăm sóc dài hạn với sức khỏe tinh thần; hỗ trợ nhà ở công vụ, phúc lợi cho bác sĩ công tác tại vùng khó khăn; xây dựng thang, bảng lương đặc thù cho ngành y, tăng phụ cấp đảm bảo tương xứng với đặc thù nghề nghiệp, cường độ và rủi ro công việc... Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ xem xét mở rộng danh mục chi trả bảo hiểm y tế cho các dịch vụ sàng lọc trước sinh quan trọng; thiết lập trung tâm sàng lọc dị tật thai nhi tại các vùng tỉnh, trung du và miền núi; đưa sàng lọc trước sinh và sơ sinh vào chương trình y tế bắt buộc tại tuyến cơ sở, nhất là các vùng núi khó khăn...
Sắp tới sẽ có nghị quyết Trung ương về chương trình mục tiêu cũng như chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, đại biểu mong Chính phủ quan tâm xây dựng và triển khai, đặc biệt là quan tâm đến các tỉnh vùng núi với mục tiêu mọi người dân đều được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần một cách công bằng.