/ Thư viện pháp luật
/ Công chức được cử đi học có thể phải cam kết làm việc tại cơ quan gấp 3 lần thời gian đào tạo

Công chức được cử đi học có thể phải cam kết làm việc tại cơ quan gấp 3 lần thời gian đào tạo

18/06/2025 19:09 |27 ngày trước

(LSVN) - Bộ Nội vụ đề xuất tăng độ tuổi cử đi đào tạo thạc sĩ lên 45 tuổi và thời gian cam kết cán bộ, công chức, viên chức công tác tại cơ quan, đơn vị lên 3 lần.

Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định về đào tạo, bồi dưỡng công chức. Trong đó, dự thảo đề nghị bỏ quy định nội dung về đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học đối với công chức cấp xã là người dân tộc thiểu số hoặc công tác tại các xã miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn.

Lý giải nội dung này, Bộ Nội vụ cho hay theo quy định của Luật Cán bộ, công chức đang sửa đổi, công chức (đã bao gồm công chức cấp xã là người dân tộc thiểu số hoặc công tác tại các xã miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn) phải đáp ứng trình độ đào tạo theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định (từ trình độ đại học trở lên). Đồng thời đáp ứng ngay yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng và yêu cầu về trình độ, chất lượng đội ngũ công chức trong hoạt động công vụ ngày càng cao. 

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ cũng đề xuất quy định điều khoản chuyển tiếp tại dự thảo Nghị định lần này. Cụ thể, đối với công chức cấp xã đang được cử đi học trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học theo quy định của Nghị định 101/2017/NĐ-CP nếu được cơ quan có thẩm quyền dự kiến bố trí vào vị trí việc làm phù hợp với trình độ đào tạo tiếp tục được hưởng chế độ, chính sách cho người được cử đi đào tạo đến khi hoàn thành khóa đào tạo theo quy định. Trường hợp công chức cấp xã đang học trung cấp, cao đẳng, đại học theo quy định mà đã được cấp có thẩm quyền quyết định chế độ, chính sách theo Nghị định 178/2024/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung Nghị định 67/2025/NĐ-CP), không tiếp tục được hưởng chế độ, chính sách về đào tạo theo quy định của Nghị định này.

Một số trường hợp công chức được cử đi học sau đại học phải đền bù chi phí đào tạoMột nội dung khác, về điều kiện đào tạo sau đại học đối với công chức, bên cạnh quy định về thời gian công tác như trước đây, tại dự thảo Nghị định cũng bổ sung một số quy định về điều kiện. Cụ thể, công chức không quá 45 tuổi tính từ thời điểm được cử đi đào tạo sau đại học lần đầu. Có cam kết thực hiện nhiệm vụ, công vụ tại cơ quan, đơn vị sau khi hoàn thành chương trình đào tạo trong thời gian ít nhất gấp 3 lần thời gian đào tạo.

Việc quy định tăng độ tuổi cử đi đào tạo thạc sĩ lên 45 tuổi và thời gian cam kết cán bộ, công chức, viên chức công tác tại cơ quan, đơn vị tăng lên 3 lần, theo Bộ Nội vụ để phù hợp với độ tuổi nghỉ hưu đã được kéo dài theo quy định tại Bộ luật Lao động năm 2019. Đồng thời bảo đảm có chế tài đủ mạnh để giữ chân công chức tiếp tục công tác tại cơ quan, đơn vị cử đi học sau khi công chức hoàn thành khóa đào tạo.

Như dự kiến, điều kiện đào tạo sau đại học của công chức là có thời gian công tác từ đủ 3 năm trở lên và 2 năm liên tục liền kề trước thời điểm được cử đi đào tạo hoàn thành tốt nhiệm vụ. Chuyên ngành đào tạo phù hợp với vị trí việc làm. Công chức được cử đi học theo các chương trình hợp tác với nước ngoài được ký kết hoặc gia nhập nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam, ngoài các quy định trên còn phải đáp ứng yêu cầu khác của chương trình hợp tác.

Ngoài ra, dự thảo cũng quy định công chức được cử đi đào tạo bằng nguồn ngân sách nhà nước hoặc nguồn kinh phí của cơ quan quản lý, đơn vị sử dụng công chức phải đền bù chi phí đào tạo khi thuộc một trong các trường hợp: Tự ý bỏ học, bỏ việc trong thời gian đào tạo. Không được cơ sở đào tạo cấp văn bằng tốt nghiệp. Đã hoàn thành khóa đào tạo và được cấp văn bằng tốt nghiệp nhưng bỏ việc khi chưa phục vụ đủ thời gian cam kết quy định...

MINH ANH

Các tin khác

LSVN