/ Tin thế giới
/ Để người lao động không bị bỏ rơi sau đại dịch Covid-19

Để người lao động không bị bỏ rơi sau đại dịch Covid-19

01/05/2022 10:04 |

(LSVN) - Đại dịch Covid-19 đã gây ra những hậu quả nặng nề với thị trường lao động toàn cầu. Khi khủng hoảng dịch bệnh chưa qua, thì một cuộc “khủng hoảng việc làm” và các vấn đề an sinh xã hội đã xuất hiện khắp trên thế giới.

Hàng năm, ngày Quốc tế Lao động 01/5 là ngày lễ kỷ niệm, ngày hành động của phong trào công nhân quốc tế và của người lao động trên toàn thế giới, với rất nhiều hoạt động được tổ chức để vinh danh những người trực tiếp tham gia các nỗ lực phát triển kinh tế quốc gia. Tuy nhiên, kể từ đầu năm 2020 đến nay, sau hơn 2 năm thế giới đảo lộn bởi Covid-19, có thể thấy đại dịch đã tác động tới mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội của mọi người, khiến nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái và tỷ lệ thất nghiệp cao kỷ lục. Thực trạng này đòi hỏi cần phải có nhiều giải pháp hơn nữa để hỗ trợ người lao động trên toàn cầu. 

Ngày Quốc tế Lao động 01/5 là ngày lễ kỷ niệm, ngày hành động của phong trào công nhân quốc tế và của người lao động trên toàn thế giới. Ảnh: iaspaper.net.

Khi đại dịch Covid-19 lan rộng trên toàn cầu, hầu hết các quốc gia đều hạn chế đi lại, thậm chí phong tỏa nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc các nhà máy, doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh phải đóng cửa. Hoạt động kinh tế đình trệ dẫn tới tình trạng thất nghiệp ngày càng tăng ở các nước. 

Đại dịch Covid-19 đã gây ra những hậu quả nặng nề với thị trường lao động toàn cầu. Khi khủng hoảng dịch bệnh chưa qua, thì một cuộc “khủng hoảng việc làm” và các vấn đề an sinh xã hội đã xuất hiện khắp trên thế giới.

Theo thăm dò của Viện Gallup (Mỹ) vào năm 2021, 50% số người được hỏi cho biết đã phải tạm thời nghỉ việc hoặc ngừng kinh doanh do dịch Covid-19. Tại 57 quốc gia, trong đó có Ấn Độ, Zimbabwe, Philippines, Kenya và El Salvador, hơn 65% số người được hỏi cho biết đã phải nghỉ làm một thời gian vì dịch bệnh.

Các chỉ số thống kê tại một số nền kinh tế lớn cũng cho thấy, dịch bệnh đã “đánh cắp” hàng triệu việc làm, khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt. Khi người lao động không có việc làm hoặc bị giảm số giờ làm đồng nghĩa với giảm hoặc không có thu nhập, kéo theo “gánh nặng” bảo đảm an sinh xã hội gia tăng với nhiều quốc gia. Kết quả cuộc thăm dò dư luận do Viện Gallup tiến hành năm 2021 với 300.000 người tại 117 quốc gia cũng cho thấy cứ 2 người trên thế giới có 1 người bị sụt giảm thu nhập do đại dịch Covid-19.

Theo Tổng Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) Guy Ryder, đây là cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất mà thị trường việc làm toàn cầu trải qua kể từ thời kỳ Đại suy thoái xảy ra những năm 1930. 

Trong báo cáo “Triển vọng việc làm và xã hội thế giới” công bố hồi đầu năm nay, ILO nhận định khủng hoảng dịch Covid-19 tiếp tục gây tình trạng mất việc nghiêm trọng trên khắp thế giới, đồng thời cảnh báo có thể phải mất tới vài năm để mức tuyển dụng trở lại như trước đại dịch.

Do đó, ILO đã thay đổi mức dự báo trước đó vốn nhận định thị trường tuyển dụng toàn cầu sẽ gần như hồi phục trong năm 2022. Theo ILO, tác động của những biến thể của virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 như Delta hay Omicron và sự bất ổn liên quan đến đại dịch diễn biến ra sao sẽ gây ra việc giảm giờ làm đáng kể trong năm nay so với mức trước đại dịch.

Cụ thể, báo cáo cho biết số giờ làm việc trên toàn cầu dự kiến sẽ giảm 2% so với mốc năm 2019, tương đương thế giới sẽ mất 52 triệu việc làm. Trước đó hồi tháng 5/2021, ILO dự báo tỷ lệ thiếu hụt giờ làm chỉ là một nửa con số trên.

Tổng Giám đốc ILO Guy Ryder nhận định triển vọng “vẫn mong manh”, khi thế giới đang chứng kiến mức độ thiệt hại kéo dài tiềm tàng với các thị trường lao động, cùng với sự gia tăng đáng lo ngại tình trạng đói nghèo và bất bình đẳng.

Cũng theo ILO, tỷ lệ thất nghiệp chính thức trên toàn thế giới hiện vẫn cao hơn đáng kể so với trước đại dịch. Dự kiến sẽ có 5,9% người lao động toàn cầu, tương đương 207 triệu người, chính thức đăng ký thất nghiệp năm nay. Con số này dù khả quan hơn so với năm 2021, đặc biệt là năm 2020, song vẫn cao hơn mức 186 triệu người của năm 2019.

Theo dự báo của ILO, tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu sẽ vẫn ở mức trên 5,4% ít nhất cho đến năm 2023. ILO cũng cảnh báo tác động tổng thể của  dịch Covid-19 lên việc làm trên thực tế là lớn hơn nhiều so với số liệu được công bố, do nhiều người đã và đang chính thức rời bỏ lực lượng lao động.

Trong năm 2022, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động toàn cầu cũng được dự báo vẫn sẽ thấp hơn 1,2 điểm phần trăm so với năm 2019, tương đương 40 triệu người lao động. Theo Tổng Giám đốc ILO Guy Ryder, đại dịch Covid-19 đã làm “suy yếu cơ cấu kinh tế, tài chính và xã hội ở hầu hết các quốc gia, bất kể tình trạng phát triển”.

Ông Ryder nhấn mạnh rằng những sự khác biệt trong tiếp cận vaccine và các biện pháp khôi phục kinh tế đồng nghĩa khủng hoảng do dịch Covid-19 đang tác động đến các nhóm người lao động và các nước theo những cách khác nhau. Có khả năng các thị trường lao động ở những nước có thu nhập cao sẽ hồi phục nhanh hơn, tuy nhiên một vài quốc gia này hiện bắt đầu đối mặt với những vấn đề liên quan đến thiếu hụt lao động.

ILO cũng nhận định việc thay đổi cách thức làm việc dường như làm sâu sắc hơn các hình thái bất bình đẳng, đặc biệt trong vấn đề bất bình đẳng giới. Tổng Giám đốc ILO Ryder cảnh báo tác động này còn có thể kéo dài ngay cả khi đại dịch kết thúc, do hiện có nhiều quan ngại tiêu cực về "hội chứng Covid-19 kéo dài" (long Covid) trong vấn đề giới.

Những thực tế trên chỉ ra rằng bất kể trên bình diện toàn cầu hay quốc gia, dịch bệnh đã gây ra các hậu quả nặng nề, trong đó có khủng hoảng việc làm. Bởi vậy, “việc cần làm ngay” của các chính phủ không chỉ là chống dịch và phục hồi kinh tế, mà còn phải dành nguồn ngân sách thích đáng để bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động, giúp họ sớm tái hòa nhập thị trường lao động.

Người lao động là lực lượng nòng cốt, đi đầu, trực tiếp góp phần xây dựng và phát triển đất nước. Không có quốc gia nào có thể thành công và thịnh vượng nếu không có sự cống hiến của lực lượng lao động. ILO khẳng định chỉ có “sự hồi phục thị trường lao động rộng khắp” mới cho phép thế giới hồi phục thực sự sau đại dịch. Để mang tính bền vững, sự hồi phục này cần phải dựa trên những nguyên tắc việc làm đúng đắn, gồm y tế và an toàn, bình đẳng, an sinh xã hội và đối thoại xã hội. Theo ILO, nếu không có các chính sách trong nước và quốc tế hiệu quả và mang tính phối hợp, có thể nhiều quốc gia sẽ phải mất “nhiều năm để khắc phục hậu quả”.

TTXVN

Xây dựng dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ

Loan B T Thanh