Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Sáng 24/5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).
Tham gia đóng góp ý kiến hoàn thiện dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), Đại biểu Lê Thị Song An, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Long An cho biết, dự thảo Luật lần này đã tiếp thu tương đối đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội qua các phiên họp, đến nay các quy định của dự thảo Luật đã tương đối chặt chẽ, hợp lý.
Về các hành vi bị cấm, đại biểu đề nghị cần làm rõ hơn các hành vi bị cấm như “thông thầu, dàn xếp, thỏa thuận”, “cố ý không cung cấp tài liệu để chứng minh năng lực, kinh nghiệm khi được bên mời thầu yêu cầu làm rõ hồ sơ dự thầu hoặc khi được yêu cầu đối chiếu tài liệu nhằm tạo điều kiện để một bên trúng thầu”.
Đại biểu cho rằng, hiện nay hành vi gian lận trong đấu thầu rất phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, khó nhận biết do chưa có quy định cụ thể. Việc có quy định cụ thể về các hành vi bị cấm sẽ giúp công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu thầu và việc thi hành pháp luật đấu thầu được thi hành công khai, chặt chẽ và minh bạch hơn.
Về đối tượng áp dụng, tại khoản 2, Điều 2 có 2 phương án quy định về hoạt động lựa chọn nhà thầu, đại biểu thống nhất với phương án 2 để đảm bảo tính khả thi, tính pháp lý, đồng thời tránh việc lạm dụng các cơ chế khác để né tránh các quy định của luật đấu thầu, bảo toàn các nguồn vốn đầu tư của nhà nước, giúp quá trình lựa chọn nhà thầu công khai, minh bạch.
Bên cạnh đó, đóng góp ý kiến hoàn thiện dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), Đại biểu Lã Thanh Tân, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hải Phòng cho rằng, để dự thảo Luật hoàn thiện hơn nữa, cần làm rõ một số khái niệm, nội dung quy định trong dự thảo luật.
Cụ thể, khoản 3 Điều 24 về chào hàng cạnh tranh có quy định, chào hàng cạnh tranh được áp dụng đối với gói thầu có giá gói thầu không quá 05 tỉ đồng thuộc trường hợp gói thầu xây lắp công trình đơn giản đã có thiết kế bản vẽ thi công được phê duyệt. Đại biểu đề nghị làm rõ thế nào là “đơn giản” trong quy định này.
Bên cạnh đó, trong quy định về phương thức hai giai đoạn hai túi hồ sơ tại Điều 33 của dự thảo luật, khoản 1 có quy định, phương thức hai giai đoạn hai túi hồ sơ được áp dụng trong trường hợp đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp có kỹ thuật, công nghệ mới, phức tạp, có tính đặc thù mà chưa xác định được chính xác các yêu cầu kỹ thuật cụ thể, đầy đủ cho gói thầu ngay từ ban đầu.
Đại biểu cũng đề nghị làm rõ các tiêu chí cụ thể về “có kỹ thuật, công nghệ mới, phức tạp, có tính đặc thù mà chưa xác định được chính xác các yêu cầu kỹ thuật cụ thể, đầy đủ cho gói thầu ngay từ ban đầu” trong quy định này. Ngoài ra, đại biểu cũng yêu cầu làm rõ tiêu chí đánh giá tính chất đặc thù phát triển kinh tế xã hội của ngành, vùng, địa phương nêu tại khoản 3 Điều 35.
MINH HIỀN