Bộ GTVT đề xuất 04 phương án xử lý bất cập tại BOT Thái Nguyên - Chợ Mới.
Cụ thể, Bộ GTVT cho biết, theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam và doanh nghiệp dự án, do chỉ thu phí trên đường Thái Nguyên - Chợ Mới, không thu phí trên quốc lộ 3 nên hầu hết phương tiện lựa chọn quốc lộ 3 để không mất phí, bình quân doanh thu trong 4 năm chỉ đạt 9% so với doanh thu dự kiến trong hợp đồng, gây phá vỡ phương án tài chính dự án.
Dự án này cũng bị người dân phản đối do đặt cùng lúc 02 trạm thu phí tại đường xây mới (Thái Nguyên - Chợ Mới) và trên quốc lộ 3. Người dân chấp nhận trả phí khi qua đường mới nhưng từ chối trả phí khi đi qua quốc lộ. Nhiều nhóm người tụ tập phản đối khiến trạm thu phí tại đây phải dừng hoạt động.
Trong văn bản gửi UBND tỉnh Thái Nguyên, Bộ GTVT đã nêu 04 phương án giải quyết những bất cập tại dự án này. Cụ thể:
Phương án 1: Giữ nguyên hợp đồng BOT đã ký kết. Nhà đầu tư thu phí tại 02 trạm quốc lộ 3 và đường Thái Nguyên - Chợ Mới để hoàn vốn. Trong đó, trạm quốc lộ 3 miễn, giảm phí theo phương án đã thống nhất với UBND tỉnh Thái Nguyên.
Thời gian thu phí tăng từ 25 năm 04 tháng lên khoảng 32 năm 04 tháng do lùi thời gian bắt đầu thu phí tại trạm quốc lộ 3 từ tháng 07/2019 sang dự kiến vào cuối năm 2022. Để bảo đảm hoàn vốn theo hợp đồng (khoảng 25 năm), nhà đầu tư đề nghị bổ sung vốn Nhà nước hỗ trợ khoảng 800 tỉ đồng.
Phương án 2: Chỉ thu phí trên trạm Thái Nguyên - Chợ Mới, không thu trên quốc lộ 3. Doanh nghiệp dự án bàn giao quốc lộ 3 đoạn km75 đến km100 cho Nhà nước quản lý. Để bảo đảm hiệu quả tài chính với thời gian thu hồi vốn khoảng 25 năm 04 tháng, nhà nước cần hỗ trợ 3.050 tỉ đồng.
Phương án 3: Di dời trạm thu phí quốc lộ 3 từ km77+922 về đặt trên đoạn km93 - km100 đúng theo phạm vi đầu tư nâng cấp. Kết quả đếm xe và tính toán phương án tài chính cho thấy, do lưu lượng xe đoạn km93 - km100 rất thấp nên phương án này không bảo đảm hiệu quả tài chính; để bảo đảm thời gian hoàn vốn khoảng 25 năm 04 tháng theo Hợp đồng đã ký, nhà nước cần hỗ trợ khoảng 2.550 tỉ đồng.
Phương án 4: Chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, bố trí vốn Nhà nước để thanh toán cho nhà đầu tư. Theo quy định của hợp đồng dự án đã ký, Nhà nước cần thanh toán cho doanh nghiệp dự án 3.250 tỉ đồng để chấm dứt hợp đồng trước thời hạn.
Bộ GTVT đánh giá phương án 1 cơ bản phù hợp với hợp đồng đã ký kết, hạn chế sử dụng vốn ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, Bộ GTVT lưu ý tỉnh Thái Nguyên phải có giải pháp bảo đảm an ninh, trật tự khi tổ chức thu phí. Các phương án 2, 3, 4 giải quyết triệt để được bất cập tại trạm quốc lộ 3 nhưng rất khó khả thi do sử dụng nhiều vốn ngân sách Nhà nước.
Cụ thể, phương án 2 cần mức vốn Nhà nước khoảng 3.050 tỉ đồng, bên cạnh đó nhà đầu tư vẫn thu phí 25 năm 4 tháng để hoàn vốn cho dự án.
Phương án 3 cơ bản giải quyết được bất cập tại trạm quốc lộ 3 nhưng vẫn có thể phát sinh mất an ninh, trật tự do người dân phản đối; đồng thời nhà đầu tư không thể bổ sung kinh phí di dời trạm.
Phương án 4 giải quyết được triệt để bất cập tại trạm quốc lộ 3, nhận được sự đồng thuận của người dân; tuy nhiên các bộ, ngành đánh giá pháp luật hiện tại chưa cho phép sử dụng vốn đầu tư công trung hạn để thanh toán cho nhà dầu tư và chấm dứt hợp đồng trước thời hạn nên phải báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.
Với các phương án trên, Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Thái Nguyên đánh giá giải pháp xử lý, khả năng bảo đảm an ninh trật tự của từng phương án và đề xuất giải pháp cụ thể nhằm xử lý vướng mắc, bất cập tại trạm thu phí quốc lộ 3.
TRẦN QUÝ
Phấn đấu hoàn thành GPMB cho Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành trước ngày 30/8