Ảnh minh họa.
Ngày 05/6, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) sửa đổi.
Trước đó, trong sáng ngày 05/6, Quốc hội nghe Thống đốc Ngân hàng nhà nước (NHNN) Việt Nam Nguyễn Thị Hồng trình bày tờ trình về dự án Luật Các TCTD (sửa đổi). Đáng chú ý, dự thảo Luật liên quan đến các biện pháp can thiệp trong trường hợp TCTD bị rút tiền hàng loạt. Thẩm tra về nội dung này, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định, quy định này là cần thiết và tạo tính chủ động để bảo đảm an toàn hệ thống, nhất là trong bối cảnh xảy ra một số trường hợp ngân hàng bị rút tiền hàng loạt như thời gian qua.
Cụ thể, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận thấy, sự cố rút tiền hàng loạt đòi hỏi phải xử lý khẩn trương, nhanh chóng, kịp thời, khác với các trường hợp TCTD yếu kém qua theo dõi phải được can thiệp. Do đó, Ủy ban đề nghị rà soát lại các quy định có liên quan đến các biện pháp can thiệp sớm và biện pháp TCTD bị rút tiền hàng loạt; nghiên cứu quy định cụ thể hơn tại dự thảo Luật các biện pháp can thiệp trong trường hợp TCTD bị rút tiền hàng loạt, bao gồm các biện pháp từ chính TCTD và từ phía NHNN, các cơ quan quản lý Nhà nước; bảo đảm rõ vai trò, trách nhiệm của các bên cũng như các biện pháp hiệu quả, phù hợp.
Thảo luận về vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị) cho rằng, việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, "có vấn đề" diễn ra chậm chạp, không đạt mục tiêu dự tính, dù ngành ngân hàng đã trải qua nhiều giai đoạn tái cơ cấu kéo dài suốt từ năm 2011 tới nay. Vụ việc ngân hàng SCB hồi tháng 10/2022 là một hệ lụy nặng nề nhưng tất yếu của tình trạng trên. Do đó, Đại biểu Quốc hội đồng tình phải sửa Luật Các TCTD.
Cũng theo Đại biểu Hà Sỹ Đồng, dù có quy định các ngân hàng không được phép cho cổ đông của mình vay vốn, nhưng trên thực tế chủ sở hữu lại có thể cho vay đối với các công ty, doanh nghiệp con của những cổ đông này. Nên nếu giám sát không chặt chẽ, các chủ sở hữu có thể chi phối để dòng tiền chảy vào các dự án "sân sau" của mình. Do đó, dự thảo Luật phải quy định chặt chẽ việc này.
Đại biểu Quốc hội Dương Ngọc Hải (Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh) cũng cho rằng, hiện nay, thị trường ngân hàng, tín dụng hoạt động còn nhiều bất cập, chưa lành mạnh, có tình trạng sở hữu chéo, vi phạm pháp luật. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp vừa rồi còn quá nhiều bất ổn, thị trường chứng khoán phát triển trồi sụt, chưa ổn định. Thị trường ngân hàng thương mại chưa đóng góp vai trò là kênh dẫn dắt vốn quan trọng… Do đó, Đại biểu hy vọng việc sửa đổi Luật Các TCTD sẽ giúp sửa đổi, bổ sung, khắc phục được những bất cập, thúc đẩy phát triển thị trường ngân hàng ổn định, nâng cao khả năng cạnh tranh. Đại biểu Quốc hội Dương Ngọc Hải đề nghị bổ sung một số hành vi cấm, gây bức xúc dư luận trong thời gian qua như: Môi giới trái phiếu không đúng pháp luật; Ép khách hàng mua bảo hiểm để đủ điều kiện vay vốn…
Cũng tại phiên thảo luận, bên cạnh các ý kiến đồng tình với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội rằng dự thảo Luật lần này đề xuất biện pháp can thiệp khi TCTD bị rút tiền hàng loạt là cần thiết để hỗ trợ TCTD, đảm bảo an toàn hệ thống. Các Đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, các biện pháp đó chủ yếu đến từ phía NHNN mà chưa thấy các giải pháp tự thân từ trong ngân hàng bị rút tiền hàng loạt. Thậm chí, trong dự thảo Luật cũng chưa có biện pháp xử lý các TCTD để xảy ra vấn đề này. Nếu quy định như thế này sẽ làm các TCTD ỷ lại, có suy nghĩ nếu gặp phải tình huống này NHNN sẽ “nhảy vào cứu”.
Về mua bán nợ xấu, dự thảo Luật đang quy định giá bán phù hợp với giá thị trường, nhưng nhiều ý kiến cũng lo ngại rằng, quy định chung chung như vậy sẽ gặp vướng trong triển khai. Bởi như thế nào là giá thị trường rất khó xác định, thời gian qua đã có nhiều trường hợp vi phạm pháp luật liên quan tới định giá theo giá thị trường.
Theo Đại biểu Lê Minh Trí (Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh), để ngăn ngừa, xử lý nợ xấu, tài sản đảm bảo, phải phòng ngừa từ trước để hạn chế hậu quả, nếu xảy ra mới xử lý thì sẽ chậm.
Một số ý kiến cũng cho rằng, Việt Nam đang có số lượng ngân hàng thương mại nhiều, nên nếu kiểm soát không được, phải tính đến lộ trình giảm ngân hàng thương mại, bởi nếu có quá nhiều sẽ xảy ra cạnh tranh không lành mạnh, không có tác dụng lớn cho việc phát triển kinh tế - xã hội. Nếu thanh tra, kiểm tra mà phát hiện ngân hàng chỉ phục vụ cho các doanh nghiệp trong hệ sinh thái của mình, khi rủi ro xảy ra thì NHNN phải gánh là không ổn. Theo đó, Đại biểu đề nghị, phải xem xét trách nhiệm của ngân hàng, không để cứ xảy ra sự cố thì dùng tiền người dân gánh. Đồng thời, kiến nghị tăng cường thanh tra, kiểm tra để đảm bảo chức năng cho vay đúng nghĩa một TCTD.
Các Đại biểu cũng đề nghị phải rà soát, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định về ngăn ngừa sở hữu chéo, ngăn ngừa quyền quản trị, điều hành của cổ đông lớn để thao túng hoạt động các TCTD, hạn chế việc chi phối, thâu tóm... Đây là yêu cầu đúng đắn và luật này phải yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước, trước hết là NHNN cần đề ra những giải pháp có tính khả thi.
QUÝ NGUYÊN
Cân nhắc quy định cấm cá nhân, tổ chức không phải là TCTD thực hiện hoạt động ngân hàng