Bộ Tài chính cho biết, chính sách miễn thuế với hàng giá trị nhỏ được áp dụng theo Quyết định 78/2010/QĐ-TTg củaThủ tướng Chính phủ, trong khi Luật Thuế giá trị gia tăng không đề cập vấn đề này. Đây là quyết định được Chính phủ thực hiện theo cam kết Công ước Tokyo.
Theo đó, hàng nhập khẩu giá trị nhỏ là dưới 1 triệu đồng gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh, được miễn thuế nhập khẩu, thuế VAT đầu vào. Còn quà biếu, tặng cũng được miễn thuế nhập khẩu theo Nghị định 134 hướng dẫn Luật Thuế xuất, nhập khẩu.
Bên cạnh đó, gần đây nhiều nước như Anh, Australia, Thái Lan, Singapore,… cũng bãi bỏ quy định không thu thuế VAT đối với hàng nhập khẩu có giá trị nhỏ. Cụ thể, các nước trong EU cũng đã xóa bỏ quy định miễn thuế VAT với các lô hàng từ 22 euro trở xuống. Vương quốc Anh (nước Anh, Scotland và Xứ Wales) cũng bãi bỏ quy định miễn thuế VAT đối với hàng hóa nhập khẩu có tổng giá trị từ 135 bảng Anh trở xuống từ ngày 01/01/2021. Tương tự tại Singapore, từ ngày 01/01/2023 cũng bắt đầu bãi bỏ quy định miễn thuế VAT đối với hàng hóa trị giá thấp, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại điện tử…
Theo Bộ Tài chính, chính sách miễn thuế đối với hàng nhập khẩu có giá trị nhỏ vận chuyển qua đường chuyển phát nhanh được ban hành từ năm 2010, khi hệ thống khai báo hải quan chỉ thuần túy thực hiện theo thủ công. Khi đó, việc miễn thuế VAT đối với hàng nhập khẩu trị giá khai hải quan từ 1 triệu đồng trở xuống đã giúp đẩy nhanh thời gian thông quan hàng hóa, giảm bớt số lượng hàng phải khai nộp thuế. Tuy nhiên, đến nay chính sách này không còn phù hợp với tình hình thực tiễn do thương mại điện tử thế giới cũng như ở Việt Nam đã và đang tăng trưởng rất nhanh qua các năm.
Tại Việt Nam, hằng ngày có từ 4-5 triệu đơn hàng giá trị nhỏ được vận chuyển từ Trung Quốc về qua các sàn thương mại điện tử. Việc bãi bỏ chính sách này góp phần bổ sung nguồn lực cho ngân sách Nhà nước.
Bộ Tài chính tính toán, năm 2023, tổng giá trị hàng nhập khẩu có giá trị dưới 1 triệu đồng được nhập vào qua dịch vụ chuyển phát nhanh là 27.700 tỉ đồng. Nếu bãi bỏ chính sách này, trường hợp hàng hóa có thuế suất VAT 10% thì số thu ngân sách sẽ tăng khoảng 2.700 tỉ đồng.
Ngoài ra, một số ý kiến cho rằng cùng một chủng loại hàng hóa nhưng hàng hóa sản xuất trong nước vẫn phải nộp thuế giá trị gia tăng nên việc miễn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa nhập khẩu qua dịch vụ chuyển phát nhanh có giá trị nhỏ vô hình chung đã tạo sự chênh lệch giá dẫn đến sự cạnh tranh không công bằng với hàng hóa cùng chủng loại sản xuất trong nước (do phải nộp thuế giá trị gia tăng), từ đó ảnh hưởng đến việc sản xuất, tiêu thụ hàng hóa trong nước…
Từ cơ sở pháp lý và thực tiễn nêu trên, để đảm bảo tính đồng bộ của chính sách thuế và thông lệ quốc tế đối với hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh có giá trị nhỏ, thực hiện đúng chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước về bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, đồng thời đảm bảo thu đủ thuế, đảm bảo công bằng với sản xuất trong nước, khuyến khích tiêu dùng hàng sản xuất trong nước, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định bãi bỏ Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg mà không chờ vào tiến độ ban hành Nghị định Thương mại điện tử.
Theo đó, từ ngày Quyết định bãi bỏ Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg có hiệu lực sẽ không áp dụng chính sách miễn thuế GTGT đối với hàng có giá trị nhỏ qua đường chuyển phát nhanh để đồng bộ với Luật thuế GTGT, riêng chính sách miễn thuế nhập khẩu với hàng có giá trị nhỏ vẫn được thực hiện như hiện hành theo quy định tại Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật này.