/ Tin tức
/ Đề xuất bổ sung một số nội dung về trình tự, thủ tục tiến hành thanh tra

Đề xuất bổ sung một số nội dung về trình tự, thủ tục tiến hành thanh tra

25/10/2022 03:37 |

(LSVN) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, sáng 25/10, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV.

Phát biểu góp ý cho dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Đoàn Thị Lê An, Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, khẩn trương, nghiêm túc của các cơ quan để tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), đảm bảo đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu đề ra.

Góp ý về nội dung liên quan đến trình tự, thủ tục tiến hành thanh tra và thanh tra chuyên ngành quy định tại Điều 47 và Điều 48 của dự thảo Luật, đại biểu Quốc hội Đoàn Thị Lê An đề nghị xem xét, bổ sung thêm một điểm vào khoản 1 Điều 47 sau điểm b về ban hành quyết định thanh tra với nội dung điểm c là ban hành và phê duyệt kế hoạch tiến hành thanh tra của dự thảo luật và sửa lại thứ tự các điểm cho phù hợp.

Tại quy định về kế hoạch tiến hành thanh tra, dự thảo Luật đang quy định kế hoạch tiến hành một cuộc thanh tra do Trưởng Đoàn thanh tra xây dựng và được người ra quyết định thanh tra phê duyệt. Như vậy, sau khi người ra quyết định thanh tra ban hành quyết định thanh tra, Trưởng Đoàn thanh tra có trách nhiệm xây dựng kế hoạch tiến hành thanh tra và được người ra quyết định thanh tra phê duyệt làm căn cứ thực hiện việc xây dựng, phê duyệt kế hoạch tiến hành thanh tra là một bước quan trọng trong trình tự tiến hành một cuộc thanh tra, cụ thể là một bước trong trình tự, thủ tục chuẩn bị thanh tra.

Đại biểu cho rằng, việc bổ sung nội dung về ban hành và phê duyệt kế hoạch tiến hành thanh tra là một bước trong trình tự, thủ tục chuẩn bị thanh tra phù hợp với các quy định khác trong nội dung của dự thảo luật. Bởi tại Mục 2, Chương 4 của dự thảo Luật về chuẩn bị thanh tra có quy định xây dựng, phổ biến kế hoạch tiến hành thanh tra. Tương tự tại điểm a, khoản 1, Điều 48, đại biểu cho rằng, cũng cần bổ sung nội dung ban hành và phê duyệt kế hoạch tiến hành thanh tra nhằm đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất giữa các điều luật. 

Bên cạnh đó, cơ bản đồng tình với nhiều nội dung của dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Hải Dũng, Đoàn ĐBQH Nam Định tán thành với các quy định của Luật thanh tra được trình ra kỳ họp lần này, trong đó đã xử lý được những vướng mắc, khó khăn đối với Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ, đồng thời còn khẳng định hệ thống tổ chức của Thanh tra Cục thuộc Tổng cục thuộc bộ mà đơn vị đóng tại địa phương, ví dụ như: Cục Thuế, Cục Hải quan, Cục Thống kê.

Riêng trong lĩnh vực thuế và hải quan nếu bỏ chức năng thanh tra thì ngân sách nhà nước sẽ có nguy cơ thất thu hàng nghìn tỷ đồng. Đây là nguồn thu lớn và ổn định, bền vững của ngân sách nhà nước. Vì vậy, đại biểu cho rằng cần thiết tổ chức cơ quan thanh tra ở Cục thuộc Tổng cục thuộc bộ để tăng sự huy động vào ngân sách nhà nước. 

DUY ANH

Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện về hình phạt tử hình theo pháp luật Việt Nam

Lê Minh Hoàng