Cụ thể, tại Điều 25 dự thảo Luật quy định: Cơ quan quản lý công chức được ký hợp đồng có thời hạn đối với chuyên gia, nhà khoa học, người đáp ứng các điều kiện chuyên môn, nghiệp vụ để thực hiện một số nhiệm vụ của vị trí việc làm công chức chuyên môn, nghiệp vụ.
Theo Bộ Nội vụ, việc bổ sung nội dung này nhằm đáp ứng ngay yêu cầu, nhiệm vụ phức tạp, cấp bách đòi hỏi yêu cầu người có trình độ, chuyên môn cao, có kinh nghiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Ảnh minh họa.
Dự thảo Luật cũng bỏ toàn bộ nội dung Điều 39 về tuyển dụng công chức, trong đó bỏ quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức thống nhất ở cấp quốc gia để phù hợp với chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đồng thời tăng cường công tác hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra. Đây là một thay đổi đáng chú ý so với quy định hiện hành, vốn yêu cầu bắt buộc kiểm định chất lượng đầu vào thống nhất trên cả nước đối với công chức.
Hiện nay, kiểm định chất lượng đầu vào công chức là kỳ thi do Bộ Nội vụ tổ chức nhằm đánh giá, công nhận kiến thức nền tảng cần thiết đối với thí sinh trước khi tham gia tuyển dụng công chức tại cơ quan có thẩm quyền. Kỳ thi thường được tổ chức định kỳ 2 lần vào tháng 7 và tháng 11 hàng năm bằng hình thức thi trắc nghiệm trên máy vi tính.
Thay vào đó, Chính phủ đề xuất 4 nguyên tắc tuyển dụng công chức, gồm:
- Bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan và đúng pháp luật;
- Bảo đảm cạnh tranh bình đẳng;
- Người được tuyển dụng phải đáp ứng ngay yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển;
- Ưu tiên tuyển dụng người có tài năng, người có công với nước, người dân tộc thiểu số.
Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV mới đây, thay mặt cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng cho biết Uỷ ban Pháp luật và Tư pháp nhất trí việc bỏ quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức để thực hiện chủ trương mới của Đảng tại Kết luận số 121-KL/TW. Đó là "đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, bảo đảm Trung ương tăng cường quản lý vĩ mô, xây dựng thể chế, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đồng bộ, thống nhất, giữ vai trò kiến tạo và tăng cường kiểm tra, giám sát", "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm".