/ Pháp luật - Đời sống
/ Đề xuất chi phí tống đạt văn bản của nước ngoài

Đề xuất chi phí tống đạt văn bản của nước ngoài

21/01/2021 03:23 |

(LSVN) - Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn tống đạt giấy tờ của nước ngoài thực hiện thông qua Văn phòng thừa phát lại.

Ảnh minh họa.

Theo dự thảo, tống đạt giấy tờ là việc giao giấy tờ, hồ sơ, tài liệu liên quan đến tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự của cơ quan nước ngoài.

Văn phòng Thừa phát lại được chọn là Văn phòng Thừa phát lại được Bộ Tư pháp chọn ký hợp đồng thực hiện tống đạt giấy tờ của cơ quan nước ngoài.

Căn cứ số lượng yêu cầu và thực tiễn tống đạt giấy tờ của cơ quan nước ngoài tại các địa phương, Bộ Tư pháp lựa chọn một hoặc một số Văn phòng thừa phát lại thực hiện tống đạt giấy tờ.

Bộ Tư pháp cho biết, mức chi phí tống đạt được thu trước của một số nước như Hoa Kỳ 95 USD (tương đương 2,1 triệu) đảm bảo tống đạt cho đương sự trên khắp lãnh thổ Hoa Kỳ; Pháp 48,75 Euro (tương đương 1,2 triệu) chỉ trong địa hạt của Văn phòng thừa phát lại và đảm bảo việc thực hiện luôn thành công; hay Canada: 100 CAD (tương đương 1,7 triệu). Tại Việt Nam, theo quy định tại Nghị quyết 326/UBTVQH-XII ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí toà án thì mức lệ phí uỷ thác tư pháp của nước ngoài được là 1 triệu đồng/yêu cầu. Mức phí cũng sẽ là một tiêu chí để Bộ Tư pháp xem xét lựa chọn. Do việc tống đạt giấy tờ nước ngoài được thực hiện trên phạm vi cả nước, yêu cầu phải tiến hành xác minh nếu địa chỉ đương sự chưa rõ hoặc đương sự đã chuyển địa chỉ hay tiến hành niêm yết nên sẽ phát sinh thêm các chi phí thực tế. Bên cạnh đó, dự thảo Thông tư phải thỏa mãn ba tiêu chí: (1) mức cụ thể theo kết quả lựa chọn; (2) mức phí áp dụng chung trên địa bàn cả nước; (3) giới hạn mức trần để đảm bảo tính khả thi trong quá trình thực hiện ủy thác tư pháp của nước ngoài.

Qua nghiên cứu về mức phí mà các nước đang áp dụng cũng như quy định lệ phí ủy thác tư pháp của nước ngoài tại Việt Nam, dự thảo Thông tư đề xuất quy định chi phí tống đạt giấy tờ của nước ngoài do Bộ Tư pháp thỏa thuận với Văn phòng Thừa phát lại được lựa chọn để áp dụng chung cho các yêu cầu tống đạt giấy tờ không phụ thuộc vào địa chỉ của người được tống đạt và không vượt quá 1,5 triệu đồng/yêu cầu.

Cụ thể dự thảo nêu rõ như sau: Chi phí tống đạt giấy tờ của nước ngoài do Bộ Tư pháp thỏa thuận với Văn phòng Thừa phát lại được lựa chọn trong hợp đồng để áp dụng chung cho các yêu cầu tống đạt giấy tờ không phụ thuộc vào địa chỉ của người được tống đạt và không vượt quá 1,5 triệu đồng/yêu cầu.

Căn cứ để tính chi phí tống đạt giấy tờ của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài bao gồm:

- Tiền công trả cho thừa phát lại, thư ký nghiệp vụ thực hiện tống đạt giấy tờ;

- Chi phí thực hiện xác minh địa chỉ, các thông tin liên quan đến người được tống đạt trong trường hợp thông tin do cơ quan nước ngoài cung cấp không rõ ràng;

- Chi phí gửi bưu điện cho Bộ Tư pháp, Văn phòng Thừa phát lại được uỷ quyền;

- Chi phí quản lý, duy trì hệ thống dữ liệu, theo dõi, thống kê;

- Chi phí hành chính thành lập, tổ chức, quản lý, duy trì hoạt động của Văn phòng thừa phát lại.

Trường hợp cơ quan nước ngoài yêu cầu tống đạt văn bản theo thủ tục đặc biệt làm phát sinh chi phí ngoài các chi phí trên, Văn phòng Thừa phát lại thông báo lại bằng văn bản để Bộ Tư pháp yêu cầu cơ quan có thẩm quyền nước ngoài thanh toán. Trình tự, thủ tục thông báo được thực hiện theo Khoản 2 Điều 9 Thông tư liên tịch số 12/2016/TTLT-BTP-BNG-TANDTC ngày 16/10/2016 của Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Tòa án nhân dân Tối cao quy định trình tự, thủ tục tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự.

Cơ quan nước ngoài thanh toán chi phí tống đạt giấy tờ trực tiếp vào tài khoản Văn phòng thừa phát lại được lựa chọn theo thông báo của Bộ Tư pháp.

THANH THANH

'Vi phạm cơ bản hợp đồng' theo quy định của Công ước Viên

Lê Minh Hoàng