/ Trao đổi - Ý kiến
/ 'Vi phạm cơ bản hợp đồng' theo quy định của Công ước Viên

'Vi phạm cơ bản hợp đồng' theo quy định của Công ước Viên

18/01/2021 16:10 |

(LSVN) - “Vi phạm về cơ bản hợp đồng” là một chế định pháp lý được quy định tại Điều 25 Công ước Viên. Tuy nhiên, Công ước Viên cũng không đưa ra sự giải thích cụ thể để xác định hành vi vi phạm như thế nào bị coi là vi phạm cơ bản. Trong thực tiễn giải quyết tranh chấp về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế có liên quan đến vi phạm cơ bản hợp đồng, các tòa án và trọng tài tại quốc gia thành viên Công ước Viên đã căn cứ vào từng tình huống cụ thể xác định có hay không một sự vi phạm cơ bản hợp đồng để làm cơ sở áp dụng các chế tài tạm ngừng thực hiện, đình chỉ thực hiện, hủy bỏ hợp đồng,... theo Công ước Viên.

Ảnh minh họa.

1. Khái niệm “vi phạm cơ bản hợp đồng” theo quy định của Công ước Viên

Khái niệm vi phạm cơ bản hợp đồng được quy định tại Điều 25 Công ước Viên, theo đó “một sự vi phạm hợp đồng do một bên gây ra là vi phạm cơ bản nếu sự vi phạm đó làm cho bên kia bị thiệt hại mà người bị thiệt hại, trong một chừng mực đáng kể bị mất cái mà họ có quyền chờ đợi trên cơ sở hợp đồng, trừ phi bên vi phạm không tiên liệu được hậu qủa đó và một người có lý trí minh mẫn cũng sẽ không tiên liệu được nếu họ cũng ở vào hoàn cảnh tương tự”.

Vi phạm hợp đồng là việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ hợp đồng mà các bên đã thỏa thuận, theo thói quen trong thương mại giữa các bên, pháp luật điều chỉnh hợp đồng hoặc tập quán thương mại quy định. 

2. Các yếu tố cấu thành tính cơ bản của vi phạm hợp đồng theo Công ước Viên.

Công ước Viên không liệt kê cụ thể các yếu tố cấu thành tính cơ bản của vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế mà từ quy định tại Điều 25 cho thấy, nếu các bên không có thỏa thuận khác, các yếu tố cấu thành tính cơ bản của vi phạm hợp đồng được xem xét từ hai phía: Đối với bên bị vi phạm, yếu tố cấu thành tính cơ bản của vi phạm hợp đồng là tồn hại do vi phạm hợp đồng gây ra và tồn hại đó phải đến mức tước đi đáng kể những gì bên bị vi phạm có quyền kỳ vọng từ hợp đồng, tức tồn hại cũng phải đáng kể; Đối với bên vi phạm, yếu tố cấu thành tính cơ bản của vi phạm hợp đồng là khả năng tiên liệu được tổn hại do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra.

2.1. Có tổn hại đáng kể của bên bị vi phạm

Vi phạm hợp đồng thường làm phát sinh tổn hại nhưng tổn hại không luôn luôn tồn tại khi có vi phạm hợp đồng, có nhiều trường hợp có vi phạm hợp đồng nhưng không có tổn hại. Theo quy định tại Điều 25 CISG, tổn hại do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra là yếu tố bắt buộc, tiên quyết cấu thành tính cơ bản của vi phạm hợp đồng. Vậy thế nào là tổn hại đáng kể? Công ước Viên cho rằng tổn hại đáng kể là những tổn hại làm cho bên bị vi phạm mất đi cái mà họ chờ đợi (mong muốn có được) từ hợp đồng. Công ước Viên không giải thích, không có quy định cụ thể nào nhằm làm rõ nội hàm của thuật ngữ “tổn hại” khi dùng nó trong Điều 25 này để xác định có hay không có vi phạm cơ bản hợp đồng vẫn còn nhiều khó khăn, nhiều quan điểm, tranh luận.

Thực tiễn, trong rất nhiều vụ tranh chấp có liên quan đến xác định vi phạm cơ bản hợp đồng theo Công ước Viên của Tòa án, trọng tài của một số quốc gia thành viên Công ước Viên cho thấy sự đa dạng trong vận dụng yếu tố “tổn hại đáng kể” để xác định vi phạm cơ bản hợ đồng, cụ thể: Tòa án, trọng tài xem tỷ lệ hàng hóa có chất lượng không phù hợp với hợp đồng ở mức cao là tổn hại đáng kể; Tòa án, trọng tài xem lợi nhuận bị mất đi, tổn hại về uy tín, quyền và lợi ích pháp lý là tổn hại đáng kể khi xác định vi phạm cơ bản hợp đồng; Tòa án, trọng tài không xem xét yếu tố tổn hại đáng kể khi xác định vi phạm cơ bản hợp đồng.

Trong rất nhiều vụ tranh chấp,  khi xác định vi phạm cơ bản hợp đồng theo Điều 25 Công ước Viên, tòa án, trọng tài không xem xét yếu tố tổn hại đáng kể, mà chỉ xem xét trực tiếp đến hậu quả của hành vi vi phạm hợp đồng của bên vi phạm có tước đi đáng kể những gì bên bị vi phạm kì vọng hay không. Đặc biệt là khi người bán hoặc người mua không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng như không giao hàng, giao hàng không đúng thời gian hoặc không thanh toán tiền hàng, không nhận hàng. Một trong những yếu tố tiên quyết, trực tiếp để xác định tính cơ bản của vi phạm hợp đồng theo công  ước Viên là phải có tổn hại do hành vi vi phạm gây ra dẫn đến hậu quả là những gì bên bị vi phạm có quyền kì vọng từ hợp đồng bị tước đi đáng kể.

2.2. Những gì bên bị vi phạm có quyền kỳ vọng từ hợp đồng bị tước đi đáng kể

Những gì bên bị vi phạm có quyền kì vọng từ hợp đồng bị tước đi đáng kể là hệ quả của tổn hại đáng kể do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra, là yếu tố đóng vai trò quan trọng trong việc xác định vi phạm cơ bản hợp đồng bởi nó thể hiện tính nghiêm trọng của hậu quả  do vi phạm hợp đồng gây ra theo Điều 25 Công ước Viên. Không phải cứ vi phạm hợp đồng gây “tổn hại” là cấu thành vi phạm cơ bản mà tổn hại phải đến mức “tước đi đáng kể những gì bên bị vi phạm kì vọng từ hợp đồng”, tức là tính nghiêm trọng của từ “tổn hại” do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra phải được xem xét trong mối tương quan với hệ quả của “tổn hại” là “tước đi đáng kể những gì bên bị vi phạm kì vọng từ hợp đồng”. Cách diễn đạt của Điều 25 không đề cập đến mức độ tổn hại mà thay vào đó là tầm quan trọng của lợi ích mà hợp đồng và nghĩa vụ của các bên tạo nên, hay nói cách khác, sự tồn tại của lợi ích, mong muốn hợp pháp là yếu tố duy nhất để xác định những gì bên bị vi phạm kỳ vọng bị tước đi đáng kể hay không.

Kỳ vọng từ hợp đồng là nội dung chủ yếu để xác định liệu một vi phạm hợp đồng gây tổn hại đáng kể có bị coi là vi phạm cơ bản hợp đồng hay không. Thực tiễn vận dụng của Tòa án, trọng tài của một số quốc gia thành viên Công ước Viên cho thấy có hai xu hướng khi xác định những gì bên bị vi phạm kỳ vọng hợp đồng có bị tước đi đáng kể hay không, cụ thể: Thứ nhất, hành vi không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng của bên vi phạm luôn dẫn đến hậu quả là những gì bên bị vi phạm kỳ vọng từ hợp đồng bị tước đi đáng kể cho dù có hay không có tổn hại xảy ra: (i) người bán không giao hàng; (ii) người bán không giao chứng từ liên quan đến hàng hóa cho người mua; (iii) người mua không thanh toán tiền hàng; (iv) người mua không nhận hàng. Thứ hai, dựa vào mục đích mua hàng để xác định những gì người mua có quyền kì vọng từ hợp đồng có bị tước đi hay không trong trường hợp người bán giao hàng có chất lượng không phù hợp với hợp đồng: (i) Đối với mua hàng để bán lại (khả năng thương mại của hàng); (ii) Đối với mua hàng nhằm mục đích sử dụng (khả năng sử dụng của hàng).

2.3. Khả năng tiên liệu được hậu quả do hành vi vi phạm gây ra (tổn hại đến mức tước đi đáng kể những gì bên bị vi phạm có quyền kỳ vọng từ hợp đồng)

Khả năng tiên liệu được tổn hại đến mức tước đi đáng kể những gì bên bị vi phạm có quyền kì vọng từ hợp đông (hậu quả của hành vi vi phạm) là cơ sở, là điều kiện để xem xét tính cơ bản của vi phạm hợp đồng vế phía vi phạm. Khả năng tiên liệu của bên bị vi phạm được “đo lường” không chỉ dựa vào bên vi phạm (thường mang tính chủ quan) mà còn dựa vào “người có lí trí ở vào địa vị và hoàn cảnh tương tự” bên bị vi phạm (thường mang tính khách quan). Vì thế, có thể nói, vi phạm hợp đồng chỉ có thể coi là vi phạm cơ bản hợp đồng khi thỏa mãn điều kiện về khả năng tiên liệu hậu quả của hành vi vi phạm – gây tổn hại đến mức tước đi đáng kể những gì bên bị vi phạm có quyền kì vọng từ hợp đồng.

Khả năng tiên liệu là các trường hợp các bên đã có những thỏa thuận, dự đoán trước trong quá trình giao dịch của mình, có thể xem xét các trường hợp sau:

(i) Nếu các bên thỏa thuận rõ trong hợp đồng nghĩa vụ cụ thể hoặc phương thức thực hiện nghĩa vụ là nội dung quan trọng chủ yếu đối với các bên thì không có lý do gì để giảm bớt tầm quan trọng của các nghĩa vụ đó bằng quy tắc khả năng tiên liệu;

(ii) Nếu các bên đã thảo luận về tầm quan trọng đặc biệt của nghĩa vụ cụ thể nào đó và cách thức thực hiện nhưng không quy định rõ hơn trong hợp đồng và bên bị vi phạm có thể chứng minh được điều này thì bên vi phạm cũng không thể viện dẫn rằng anh ta không tiên liệu được hậu quả của hành vi vi phạm;

(iii) Chỉ khi tầm quan trọng của nghĩa vụ bị vi phạm không được quy định rõ trong hợp đồng hoặc không được nêu lên rõ ràng trong các cuộc đàm phán hợp đồng thì cần xem xét đến khả năng tiên liệu của bên vi phạm.

Có thể nói, yếu tố “người có lý trí ở vào địa vị và hoàn cảnh tương tự” được bổ sung vào quy định nhằm tăng tính khách quan của định nghĩa, nhưng nó cũng khiến định nghĩa trở lên thiếu rõ ràng khi để xác định một người có lý trí tương đương ở vào địa vị và hoàn cảnh tương tự bên vi phạm cần xem xét đến nhiều yếu tố như kinh tế, tôn giáo, trình độ,.... của bên vi phạm. Chính vì vậy, để xác định yếu tố địa vi hoàn cảnh tương tự là một yếu tố khó khăn để xác định.

Nội hàm khái niệm “vi phạm cơ bản hợp đồng” theo quy định của Công ước Viên là rất rộng. Tuy nhiên, qua thực tiễn giải quyết một số vụ tranh chấp liên quan đến hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế có áp dụng Công ước Viên, tòa án các nước thành viên cũng đã đưa ra được một số căn cứ thực tiễn làm cơ sở cho việc giải thích nhằm làm rõ khái niệm này. Mặc dù vậy, Tòa án của các nước khác nhau có quan điểm không giống nhau hoàn toàn khi gặp vấn đề liên quan đến vi phạm cơ bản hợp đồng. Việc áp dụng khái niệm này trong thực tiễn sẽ có thể gặp không ít khó khăn nếu không có được những hướng dẫn, giải thích cụ thể.

THANH THANH

Phải chạy!

Nợ xấu và việc bảo vệ quyền lợi của ngân hàng cho vay theo pháp luật Liên bang Nga

Lê Minh Hoàng