Phải chạy!

18/01/2021 05:56 | 3 năm trước

(LSVN) - Đã quá quen với sự biến nghĩa của từ "chạy". Nguyên thủy của từ này chỉ là chỉ động tác của chân phải guồng nhanh hơn bình thường, thế rồi khởi sự sang một nghĩa khác là "chạy trốn", "chạy vạy", "chạy ăn",... và cùng lắm là "chạy tội"; để đến thời hiện tại một loạt nội hàm của từ "chạy" chưa hề có trong từ điển xuất hiện: chạy chức, chạy quyền, chạy ghế, chạy trường, chạy án, chạy tuổi, chạy biên chế, chạy dự án, chạy học hàm, chạy danh hiệu,...

Ảnh minh họa.

Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng không ít lần chỉ ra đích danh sự chạy này với sự kết bè, kéo cánh của "cánh hẩu" thao túng lĩnh vực tổ chức cán bộ và các lĩnh vực khác trong đời sống kinh tế - xã hội của nước ta. Thủ tướng Chính phủ vào năm 2019 cùng từng chỉ thị Bộ Công an phối hợp với Bộ Tư pháp cùng các ngành liên quan phối hợp để có những biện pháp tích cực và hữu niệu ngăn ngừa các việc "chạy", chặn bàn tay của "cánh hẩu", ngăn ngừa hiện tượng lừa đảo, lợi dụng việc "chạy" để kiếm lợi. Bị chỉ đích danh, bị vạch ra những thủ đoạn bất chính, cái sự chạy đã được hạn chế đi khá nhiều. Tuy nhiên, ba mươi chưa phải là đã Tết.

Mới đây, ông Ngô Thanh Danh, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông, để gìn giữ thanh danh của mình đã gửi thư tới các cơ quan ban ngành trong tỉnh đề nghị phải "cảnh giác" khi có nhiều kẻ mượn danh ông (quen biết, họ hàng,...) để ra oai, "chém gió", xin xỏ,... Câu chuyện này cho thấy, việc "cáo mượn oai hùm", lợi dụng tên tuổi, chức vụ của lãnh đạo nhằm mục đích vụ lợi vẫn còn dư địa hoành hành.

Cũng mới đây, khi thành phố Thủ Đức được thành lập, xuất hiện một người tự xưng Thượng tướng Công an, quen biết nhiều, có thể "chạy" việc này, việc khác. Ngay lập tức đã có người tin tưởng, giao cho hàng trăm triệu để chạy một ghế trong ngành xây dựng hoặc về công tác tại một cơ quan trong quận mới, sơ sơ đã có 3 trường hợp bị lừa.

Đình đám và thu hút chú ý của dư luận nhất là trường hợp một phụ nữ ở Hà Nội bỏ ra 27 tỉ đồng cùng chiếc ô tô đắt tiền để chạy một chức Vụ phó. Sự việc vỡ lở và những kẻ lừa đảo chuẩn bị phải hầu tòa. Đáng để phải phiền lòng là các kẻ lừa đảo này lại giữ chức Viện trưởng Viện Nghiên cứu sách và học liệu giáo dục cùng với cán bộ Trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học, Trường Đại học Phòng chữa cháy, Bộ Công an, tức là các cán bộ trong ngành Giáo dục cả.

Những vụ việc trên chứng tỏ nạn chạy chức, chạy quyền, mạo danh để lừa đảo vẫn còn khá phổ biến tại xã hội ta. Đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm và chúng ta có thể mường tượng được phần khuất chìm của nó to lớn đến nhường nào. Đây là một sự băng hoại đạo đức công vụ và nhân cách làm người đáng báo động  và đáng lên án với cả "bên bán" và "bên mua", kẻ "chạy" và người nhận "chạy". Phải làm thế nào đó, quyết liệt và đồng bộ hơn, cả dư luận xã hội và chế tài nhà nước để ngăn chặn tình trạng "không chạy không được" đang trở thành não trạng hiện nay!

NHỊ NGỌC

Trách nhiệm pháp lý của khu du lịch Đảo Ngọc Xanh trong vụ ba học sinh rơi khỏi tàu lượn