Trách nhiệm pháp lý của khu du lịch Đảo Ngọc Xanh trong vụ ba học sinh rơi khỏi tàu lượn

18/01/2021 03:00 | 3 năm trước

(LSVN) - Trong trường hợp có căn cứ cho thấy tàu lượn này chưa được cơ quan chức năng cho phép đưa vào sử dụng hoặc có lỗi trong quá trình quản lý, vận hành dẫn đến hậu quả tai nạn nghiêm trọng thì người có trách nhiệm liên quan sẽ bị xử lý hình sự về tội “Vô ý làm chết người” do vi phạm quy tắc hành chính hoặc quy tắc nghề nghiệp theo Điều 129 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Liên quan đến vụ việc xảy ra ngày 14/01, tại khu du lịch Đảo Ngọc Xanh, thị trấn Thanh Thủy, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ khiến ba học sinh của một trường Trung học Phổ thông ở huyện Đông Anh (Hà Nội) gặp nạn; trong đó, một em tử vong trên đường đi cấp cứu, hai em khác bị thương nặng đang được cấp cứu tại bệnh viện.

Vào thời điểm trên, hệ thống trò chơi tàu lượn ở khu du lịch Đảo Ngọc Xanh đang trong quá trình vận hành thì bất ngờ gặp sự cố, một khoang chở khách văng ra khỏi hệ thống đường ray.

Sự việc xảy ra khi ba học sinh này đang trong quá trình tham gia hoạt động dã ngoại do nhà trường tổ chức tại khu du lịch Đảo Ngọc Xanh.

Trước đó, theo ông Dương Quốc Lâm - Chủ tịch UBND huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ cho biết, khu du lịch Đảo Ngọc Xanh, thị trấn Thanh Thủy đã bị tạm đình chỉ hoạt động do để xảy ra sự cố khiến ba học sinh gặp nạn. Huyện Thanh Thủy cũng đã hỗ trợ kinh phí các gia đình nạn nhân, giao Công huyện nhanh chóng điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ việc.

Chia sẻ quan điểm của mình về vụ việc này, Thạc sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp đánh giá đây là một vụ tai nạn nghiêm trọng gây thiệt hại đến tính mạng của học sinh và thương tích cho một số em khác. Bởi vậy, cơ quan điều tra sẽ vào cuộc xác minh làm rõ hệ thống tàu lượn này có đảm bảo tiêu chuẩn, kĩ thuật, tuân thủ quy định về bảo trì, bảo dưỡng và vận hành trong quá trình sử dụng hay không.

Đây là loại trò chơi mạo hiểm được nhiều em học sinh, thanh thiếu niên ưa thích. Bởi tính chất mạo hiểm của nó mà việc quản lý, vận hành, sử dụng cũng được quy định chặt chẽ để đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Đơn vị lắp đặt, vận hành loại thiết bị, trò chơi này phải đảm bảo tiêu chuẩn kĩ thuật, quy trình về việc bảo dưỡng, bảo trì, kiểm tra, sửa chữa kịp thời những lỗi, hư hỏng phát sinh. Phương tiện này chỉ được phép hoạt động khi đã đảm bảo tiêu chuẩn kĩ thuật, đảm bảo an toàn của đơn vị thiết kế và có xác nhận, kiểm định của cơ quan chức năng.

Trường hợp đơn vị sử dụng đã tuân thủ các quy định về lắp đặt, bảo quản, bảo dưỡng, quy trình sử dụng theo quy định nhưng việc tai nạn vẫn xảy ra, ngoài ý chí chủ quan của đơn vị quản lý sử dụng thì trách nhiệm hình sự sẽ không được đặt ra. Tuy nhiên, đơn vị này sẽ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho các nạn nhân bao gồm thiệt hại đến tính mạng và thiệt hại đến sức khỏe, tài sản theo quy định của pháp luật.

Đối với nạn nhân tử vong thì đơn vị quản lý loại trò chơi này sẽ phải bồi thường chi phí cứu chữa trước khi chết, chi phí mai táng theo phong tục địa phương và tiền bồi thường tổn thất về tinh thần khoảng 100 tháng lương tối thiểu. Mức bồi thường cụ thể do hai bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì có thể yêu cầu tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.

Đối với hai em học sinh bị thương tích thì gia đình sẽ yêu cầu đơn vị này phải bồi thường toàn bộ chi phí cứu chữa, tiền công người chăm sóc, tiền tổn thất về tinh thần và các thiệt hại khác phát sinh trong quá trình điều trị, cứu chữa cho các em.

Trong trường hợp có căn cứ cho thấy tàu lượn này chưa được cơ quan chức năng cho phép đưa vào sử dụng hoặc có lỗi trong quá trình quản lý, vận hành dẫn đến hậu quả tai nạn nghiêm trọng thì người trách nhiệm liên quan sẽ bị xử lý hình sự về tội “Vô ý làm chết người” do vi phạm quy tắc hành chính hoặc quy tắc nghề nghiệp theo Điều 129 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Cụ thể tội danh và hình phạt được quy định như sau:

Điều 129. Tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính

1. Người nào vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Như vậy, trong trường hợp cơ quan chức năng xác định có lỗi trong công tác quản lý, sử dụng loại trò chơi mạo hiểm này thì người có lỗi sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức hình phạt là phạt tù từ 01 năm đến 05 năm, trường hợp làm chết 02 người trở lên thì hình phạt sẽ là phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.

Đây không phải là vụ tai nạn tàu lượn đầu tiên ở nước ta, trước đó đã có một vài vụ dẫn đến hậu quả thương vong cho người sử dụng. Vì vậy, Luật sư Cường kiến nghị cơ quan chức năng cần kiểm tra rà soát tất cả các phương tiện trò chơi nguy hiểm, tăng cường công tác quản lý để tránh những vụ việc tai nạn tương tự có thể xảy ra. Đối với những trò chơi mạo hiểm thì tai nạn hoàn toàn có thể xảy ra, bởi vậy việc cho phép lắp đặt, sử dụng, việc kiểm định, kiểm tra những loại trò chơi này phải được thực hiện một cách nghiêm túc, chuẩn xác thì mới giảm thiểu được những vụ việc tai nạn thương tâm có thể xảy ra.

Theo ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch), trước dịp Tết Dương lịch 2021, Tổng cục Du lịch đã có văn bản yêu cầu các sở quản lý du lịch địa phương rà soát, đảm bảo an toàn cho du khách tại các khu, điểm du lịch. Tại văn bản này, Tổng cục Du lịch yêu cầu các sở quản lý du lịch địa phương tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động du lịch tại các khu, điểm du lịch, đảm bảo an toàn cho du khách.

Về vụ việc tai nạn tàu lượn gây thương vong cho người chơi xảy ra tại Khu du lịch Đảo Ngọc Xanh (huyện Thanh Thủy, Phú Thọ), Tổng cục Du lịch cũng đang đợi kết luận điều tra từ phía địa phương để có hướng xử lý cụ thể. Tổng cục cũng đã yêu cầu các địa phương phải tăng cường rà soát, kiểm tra để không xảy ra những vụ việc tương tự; bởi theo phân cấp quản lý, địa phương sẽ chịu trách nhiệm chính khi xảy ra các sự cố về an toàn cho du khách.

Hiện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng mới chỉ có Thông tư hướng dẫn danh mục hoạt động thể thao bắt buộc có người hướng dẫn tập luyện, danh mục thể thao mạo hiểm từ năm 2019. “Tuy nhiên trong danh mục này không có môn tàu lượn siêu tốc. Đối với các môn trong danh mục thể thao mạo hiểm thì về phía Tổng cục Du lịch chịu trách nhiệm về đào tạo, bồi dưỡng nhân sự”, ông Phương chia sẻ.

THANH THANH

Vụ ba học sinh rơi khỏi tàu lượn: Tạm đình chỉ hoạt động khu du lịch Đảo Ngọc Xanh