/ Kinh tế - Pháp luật
/ Bổ sung thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh về quyết định chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách địa phương

Bổ sung thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh về quyết định chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách địa phương

26/06/2025 10:22 |23 ngày trước

(LSVN) - Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Ngân sách nhà nước (NSNN). Trong đó đáng chú ý dự thảo đề xuất bổ sung thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh về quyết định chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách địa phương.

Cụ thể, dự thảo đề xuất bổ sung quy định thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh về quyết định chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách địa phương; quy định các nguyên tắc để HĐND cấp tỉnh quyết định các chế độ chi ngân sách ở địa phương.

Đồng thời, quy định thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ trong việc giao dự toán thu, chi ngân sách cho từng Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương theo từng lĩnh vực; nhiệm vụ thu, chi, bội chi, vay và mức bổ sung từ ngân sách trung ương (NSTW) cho từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, trong đó chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên chi tiết lĩnh vực giáo dục - đào tạo và dạy nghề, lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Quy định thẩm quyền của Bộ Tài chính giao chi tiết nhiệm vụ thu, chi NSNN theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và chi tiết nhiệm vụ thu, chi NSNN để thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý ngành cho từng Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương và từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Dự thảo cũng bổ sung quy định trình tự, thủ tục phân bổ vốn cho các chương trình, nhiệm vụ, dự án ngoài kế hoạch đầu tư công trung hạn từ nguồn dự phòng ngân sách, từ nguồn tăng thu so với dự toán, dự toán còn lại của cấp ngân sách.

Bổ sung mới quy định về quản lý nguồn tài trợ, đóng góp tự nguyện thuộc nguồn NSNN, trên cơ sở đó quy định các nguyên tắc, quy trình tiếp nhận nguồn tài trợ, đóng góp tự nguyện; quản lý và sử dụng nguồn tài trợ, đóng góp tự nguyện bằng tiền.

Bên cạnh đó, dự thảo bỏ các quy định liên quan đến số kiểm tra, về Kế hoạch tài chính - NSNN 03 năm; bỏ quy định khoản phí do cơ quan nhà nước thu nộp NSNN được khấu trừ các khoản khoán chi phí hoạt động; bỏ quy định các nguyên tắc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và quan hệ giữa các cấp ngân sách trong thời kỳ ổn định ngân sách; bỏ quy định tổng mức hỗ trợ vốn đầu tư phát triển hằng năm của NSTW cho NSĐP tối đa không vượt quá 30% tổng chi đầu tư xây dựng cơ bản của NSTW; bỏ quy định về thẩm định của cơ quan tài chính các cấp thay bằng kiểm tra, tổng hợp quyết toán NSNN đơn vị dự toán cấp I….

Theo Bộ Tài chính, việc ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật NSNN nhằm cụ thể các nội dung Quốc hội giao Chính phủ quy định chi tiết, kịp thời cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; đáp ứng các vấn đề thực tiễn và bối cảnh phát triển mới, tạo sự chủ động, linh hoạt hơn cho các cấp, ngành, địa phương trong lập dự toán, điều hành, quản lý, quyết toán và công khai NSNN; giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, nhất là xây dựng mô hình chính quyền địa phương 02 cấp.

Dự thảo Nghị định dự kiến được áp dụng đối với: Các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các đơn vị sự nghiệp công lập; các tổ chức và cá nhân có liên quan đến NSNN.

PV

Các tin khác