Ảnh minh họa.
Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistic Việt Nam (VLA) và Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA) vừa cùng ký văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kiến nghị giải quyết ách tắc trong kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
Theo đó, văn bản nêu rõ thời gian qua, trước tình trạng ùn tắc tại các trạm đăng kiểm, nhất là ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, Thông tư 02/2023/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung Thông tư 16/2021/TT-BGTVT quy định về kiểm định đã cho phép miễn kiểm định lần đầu đối với xe ô tô chưa qua sử dụng và cho phép giãn chu kỳ kiểm định đối với xe ô tô đến 9 chỗ ngồi không kinh doanh vận tải.
Theo số liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam, sẽ có 3,1 triệu xe thuộc diện được giãn chu kỳ kiểm định. Tuy nhiên, việc giãn chu kỳ kiểm định chỉ được thực hiện từ chu kỳ tiếp theo nên hiện nay nhu cầu đăng kiểm vẫn rất lớn, tình trạng ùn tắc ở các trạm đăng kiểm ngày càng trầm trọng.
Cục Đăng kiểm Việt Nam đã có giải pháp cho phép chủ phương tiện đăng ký lịch đăng kiểm qua mạng nhưng chỉ giảm số lượng xe đến xếp hàng tại cổng trạm đăng kiểm, còn việc thực hiện kiểm định phương tiện vẫn phải chờ đợi đến hàng tháng mới đến lượt đăng kiểm.
Tình hình trên là rất nghiêm trọng và cấp bách. Các doanh nghiệp vận tải và logistic bị ngưng trệ trong sản xuất, gây lãng phí, thiệt hại rất lớn và nguy cơ cao bị phạt do không thực hiện kịp thời các hợp đồng đã ký kết với đối tác.
Ở phạm vi nền kinh tế, nếu tình trạng trên không được giải quyết sẽ gây đứt gãy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến hiệu quả và tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, ảnh hưởng đến thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Trước thực trạng này, 02 Hiệp hội đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT cho phép thực hiện giãn chu kỳ kiểm định đối với xe ô tô không kinh doanh vận tải từ 09 chỗ ngồi trở xuống ngay từ chu kỳ kiểm định hiện tại.
Theo đó, các phương tiện thuộc đối tượng được giãn chu kỳ kiểm định theo Thông tư 02/2023/TT-BGTVT khi hết hạn kiểm định của chu kỳ hiện tại chỉ cần mang giấy đăng ký và sổ kiểm định của xe đến trạm kiểm định để cập nhật dữ liệu và nhận tem kiểm định mới phù hợp với thời gian được gia hạn. Với số lượng 3,1 triệu xe thuộc diện giãn chu kỳ kiểm định sẽ đủ để hạ nhiệt công tác kiểm định hiện nay.
Liên quan đến dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 139/2018/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới, 02 Hiệp hội trên cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo xem xét và sửa đổi hoặc huỷ bỏ khoản 5, Điều 11 về thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới.
Lý do được đưa ra là do theo quy định hiện hành, các trạm kiểm định có vi phạm bị thu hồi giấy chứng nhận tới 36 tháng. Điều này gây nhiều thiệt hại cho nhà đầu tư và ảnh hưởng chung tới đáp ứng nhu cầu kiểm định của xã hội. Trong khi các vi phạm chủ yếu là do con người vi phạm đã bị xử lý theo pháp luật. Vì vậy, khi đơn vị đăng kiểm khắc phục các lỗi vi phạm, thay thế nhân sự đủ điều kiện thì cho Trung tâm đăng kiểm hoạt động.
Đồng thời, 02 Hiệp hội VLA và VATA cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ GTVT nghiên cứu sửa đổi các quy định về phí kiểm định xe cơ giới. Theo đó, cho phép Trung tâm kiểm định được thu mức phí phù hợp với chi phí tổ chức thực hiện các quy định đối với các đối tượng được miễn, giãn chu kỳ kiểm định cũng như thu phí làm ngoài giờ để các Trung tâm đăng kiểm có chi phí giải quyết chế độ làm thêm giờ cho nhân viên
HOÀNG TRẦN
Đề xuất Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục thực hiện đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe