Ảnh minh họa.
Tham gia góp ý tại phiên thảo luận Quốc hội ngày 01/6 về ngân sách Nhà nước, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương) nhắc đến tầm quan trọng của ngành sản xuất ô tô trong nước khi có thể thúc đẩy phát triển nhiều ngành nghề khác.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cũng đề xuất việc cân nhắc mở rộng phạm vi đối tượng được giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) áp dụng mức thuế suất 8% (giảm 2%) đối với mặt hàng ô tô, bao gồm cả dòng xe dưới 24 chỗ ngồi để thúc đẩy lĩnh vực sản xuất và kinh doanh ô tô trong nước.
Đại biểu cho biết, theo phản ánh, các doanh nghiệp trong lĩnh vực ô tô đang đối diện với tình trạng tồn kho lớn, phát sinh nhiều chi phi, doanh thu sụt giảm gây khó khăn cho dòng tiền…
Từ đó, Đại biểu cho rằng, việc áp dụng mức thuế VAT 8% dù khiến hụt thu ngân sách 2% so với quy định hiện hành nhưng ô tô là loại hàng hoá chịu thuế cao, cùng với nhiều loại phí (thuế VAT, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, phí trước bạ, phí cấp biển…).
Do đó, nếu được kích cầu, thì số tiền thu được từ các loại thuế, phí khác chịu trên một chiếc xe ô tô sẽ vượt được số thuế 2% được giảm. Điều này góp phần tăng thu ngân sách cũng như phát triển ngành công nghiệp ô tô. Đặc biệt sẽ kích cầu thị trường để giải quyết khó khăn hiện nay mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt.
"Theo tính toán với một xe ô tô tầm trung bán ra nếu giảm 2% thuế VAT thì Nhà nước sẽ giảm thu thuế 10 -15 triệu đồng. Song doanh nghiệp lại đóng góp cho ngân sách Nhà nước 200 - 300 triệu đồng (từ các khoản thuế, phí)”, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga cho hay.
Cũng theo Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, qua các giai đoạn áp dụng chính sách giảm thuế phí trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh ô tô đã cho thấy những tác động tích cực và mạnh mẽ.
Dẫn số liệu báo cáo của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), giai đoạn năm 2020, 2022, trong thời gian giảm 50% phí trước bạ cho ô tô sản xuất trong nước đã giúp giảm hàng tồn kho, duy trì sản xuất, đóng góp nghĩa vụ thuế.
Cụ thể, trong giai đoạn hỗ trợ giảm phí trước bạ từ tháng 7/2020 -12/2020, số lượng xe bán ra đã tăng 77% so với 6 tháng đầu năm 2020. Khi áp dụng giảm phí trước bạ từ tháng 12/2021 - 5/2022, lượng xe bán ra đều tăng trung bình thứ 10 - 20% so với những tháng trước khi có hỗ trợ, cũng như sau khi kết thúc hỗ trợ.
“Con số này cho thấy khó khăn của ngành ô tô đang phải đối diện, cũng như cho thấy các chính sách ưu đãi thuế phí có hiệu quả tích cực với ngành sản xuất ô tô. Do vậy, tôi đề nghị mở rộng phạm vi đối tượng được giảm thuế VAT áp dụng mức thuế 8% với mặt hàng ô tô (bao gồm cả dòng xe dưới 24 chỗ ngồi) để kích cầu tiêu dùng”, Đại biểu Quốc hội Đoàn Hải Dương nhấn mạnh.
Cũng liên quan đến thị trường ô tô, sáng cùng ngày 01/6, Đại biểu Quốc hội Phan Thái Bình (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam) dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê trong tháng 5 năm 2023 chỉ có khoảng 27.000 ô tô sản xuất trong nước được xuất xưởng, giảm đến 32,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Tính dồn cả 05 tháng năm 2023 thì ô tô sản xuất trong nước đạt 133.600 chiếc, giảm 24% so với cùng kỳ 05 tháng đầu năm 2022.
Điều đáng lưu ý là thị trường tiêu thụ ô tô trong nước tụt giảm mạnh mặc cho các hãng ô tô đang điều chỉnh đồng loạt giảm giá mạnh, có nơi giảm giá đến 12% giá bán lẻ so với giá niêm yết, nhưng tình hình tiêu thụ rất hạn chế.
“Điều đó có thể thấy, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô đang gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí đứng trước nguy cơ đổ vỡ”, Đại biểu Phan Thái Bình cho biết.
Đồng thời, từ thực tế trên, trên tinh thần của Nghị quyết số 58 ngày 21/4/2023 của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm để hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững, Đại biểu đề xuất cần phải gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước trong năm 2023.
Ngoài ra, Đại biểu Phan Thái Bình cũng kiến nghị nên giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong năm 2023 và năm 2024.
TRẦN MINH
ĐBQH: Lựa chọn sách giáo khoa thiếu minh bạch là vấn đề đáng lo ngại