Ảnh minh họa.
Ngày 14/5, tiếp tục Phiên họp thứ 33, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC, CNCH).
Theo đó, Chính phủ cho biết, dự thảo Luật quy định về biện pháp cơ bản trong phòng cháy; quy hoạch xây dựng, lập dự án thiết kế xây dựng công trình, thiết kế phương tiện giao thông cơ giới; thẩm tra, thẩm định thiết kế về phòng cháy và chữa cháy; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong đầu tư xây dựng và sử dụng công trình, phương tiện giao thông cơ giới; phòng cháy đối với nhà ở; phòng cháy đối với phương tiện giao thông cơ giới...
Theo đó, khi thiết kế mới, hoán cải phương tiện giao thông cơ giới phải có giải pháp, thiết kế về phòng cháy và chữa cháy (PCCC) phù hợp với tính chất, đặc điểm của phương tiện, bảo đảm các nội dung như: Giải pháp ngăn cháy, chống cháy lan; giải pháp thoát nạn; hệ thống điện, hệ thống nhiên liệu và động cơ, hệ thống, thiết bị phát hiện và xử lý sự cố rò rỉ các chất khí, chất lỏng nguy hiểm về cháy, nổ...
Phương tiện giao thông cơ giới vận chuyển hành khách, hàng hóa, chất nguy hiểm về cháy, nổ phải bảo đảm điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy.
Phương tiện giao thông cơ giới được đóng mới, hoán cải thuộc diện phải thẩm định thiết kế về phòng cháy và chữa cháy chỉ được cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường khi có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy theo quy định.
Phương tiện giao thông thủy của tổ chức quốc tế, tổ chức, cá nhân nước ngoài khi tham gia hoạt động đường thủy nội địa Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Thẩm tra dự thảo Luật, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho biết, quy định của dự thảo cơ bản phù hợp với vị trí, vai trò của các chủ thể trong công tác PCCC, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị tiếp tục nghiên cứu làm rõ yêu cầu PCCC đối với từng loại quy hoạch để có giải pháp, thiết kế về PCCC phù hợp; đánh giá kỹ tác động của các quy định về điều kiện an toàn PCCC đối với nhà ở, phương tiện giao thông cơ giới.
Nghiên cứu quy định yêu cầu, điều kiện về PCCC phù hợp với từng loại hình cơ sở, nhất là loại hình nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh; nghiên cứu quy định rõ công trình thay đổi công năng sử dụng hoặc cải tạo, phương tiện giao thông cơ giới hoán cải ở mức nào thì phải có giải pháp, thiết kế PCCC.
Về quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, đề nghị tiếp tục rà soát và quy định rõ hơn về trách nhiệm của Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công thương, trách nhiệm quản lý nhà nước của UBND các cấp phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và bảo đảm tính khả thi.
Đánh giá hiệu quả, tính khả thi của quy định về trách nhiệm tổ chức kiểm tra về PCCC của chủ đầu tư, người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình, chủ phương tiện giao thông cơ giới.
MINH NGUYỄN (t/h)
Tăng cường kiểm soát, ngăn chặn tác hại của thuốc lá điện tử