Đề xuất miễn học phí cho con giáo viên: Cần đảm bảo tính công bằng

09/10/2024 14:47 | 7 giờ trước

(LSVN) - Luật sư Trần Xuân Tiền, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng, giáo dục là phải nâng cao tính công bằng, bình đẳng xã hội. Việc chỉ ưu tiên miễn học phí cho con giáo viên từ tiểu học đến đại học sẽ tạo ra sự bất bình đẳng giữa các học sinh, sinh viên. Đồng thời, còn tạo sự phân biệt đối xử, gây chia rẽ xã hội.

Ảnh minh họa.

Theo dự kiến, dự Luật Nhà giáo sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp 8, khai mạc ngày 21/10. Ngày 08/10 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến lần 2 về dự thảo Luật Nhà giáo. Trong đó đáng chú ý, Bộ Giáo dục và Đào tạo - cơ quan chủ trì soạn thảo, đề xuất miễn học phí với con đẻ và con nuôi hợp pháp của nhà giáo đang công tác. Căn cứ độ tuổi của giáo viên và dự tính độ tuổi con cái họ, mức chi dự kiến khoảng 9.200 tỉ đồng mỗi năm.

Luật sư Trần Xuân Tiền, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội đánh giá đề xuất hoàn toàn không hợp lý.

Theo ông, trước hết, giáo dục là phải nâng cao tính công bằng, bình đẳng xã hội. Việc chỉ ưu tiên miễn học phí cho con giáo viên từ tiểu học đến đại học sẽ tạo ra sự bất bình đẳng giữa các học sinh, sinh viên. Việc này còn tạo sự phân biệt đối xử, gây chia rẽ xã hội. Bởi tất cả đều bình đẳng, độc lập, tự do, tự chủ. Nghề nào cũng cao quý, cũng xây dựng đất nước và có những khó khăn đặc thù, không riêng gì nghề giáo. Các kĩ sư, công nhân làm việc trên các công trình xây dựng vượt nắng thắng mưa; bác sỹ, nhân viên y tế trực cứu bệnh nhân; Công an, bộ đội đóng quân ở biên giới, hải đảo sẵn sàng hi sinh để bảo vệ tổ quốc; người lao công ngày đêm quét dọn làm sạch môi trường;… Nếu ngành nào miễn thứ đó thì sẽ tạo ra sự bất bình đẳng xã hội.

Trong quá trình xây dựng pháp luật, việc đưa ra các đề xuất nhằm thể hiện sự quan tâm đến ngành nghề của mình là cần thiết, tuy nhiên, đề xuất đó phải đảm bảo có tính khách quan, tính khả thi và tính công bằng xã hội.

Luật sư Tiền cho rằng, đề xuất này không chỉ những người ngoài ngành giáo dục mà ngay cả những người trong ngành cũng cảm thấy không hợp lý. Có thể thấy, hiện nay nghề giáo viên đang đặc biệt được Đảng và nhà nước quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất với nhiều chế độ ưu tiên như tăng lương, chế độ đặc thù, miễn học phí khi học sư phạm,… Để thầy cô yên tâm cống hiến, nhà nước quy định nhiều chính sách đặc thù nhằm nâng cao thu nhập cho thầy cô là một điều đáng trân trọng. Tuy nhiên, chất lượng giáo viên trong thời gian vừa qua chưa thực sự tương xứng với sự ưu tiên đó khi xuất hiện nhiều hình ảnh xấu như: Tình trạng một số giáo viên bị tha hóa, biến chất, vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức, lối sống ảnh hưởng đến môi trường giáo dục; lạm thu; tiêu cực trong chấm thi; chạy theo thành tích trong giáo dục; tiêu cực trong việc nhận xét, đánh giá học sinh; hành vi dâm ô với học sinh; lãng phí sách giáo khoa;… vẫn còn tồn tại.

Chính vì vậy, Luật sư Tiền cho rằng, thay vì những đề xuất mang tính chất không hợp lý, thiếu tính khả thi như trên thì cần nghiên cứu những chính sách để khắc phục các vấn đề nóng vẫn còn tồn tại trong ngành giáo dục.

Luật gia Đỗ Văn Nhân cũng cho rằng, để nâng cao chất lượng giáo viên hiện nay cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, từ xây dựng cơ chế, chính sách đến việc phát huy vai trò, trách nhiệm của nhà trường, giáo viên, phụ huynh, học sinh và toàn xã hội. Nhưng quan trọng nhất vẫn là việc tự rèn luyện đạo đức, lối sống của các giáo viên; giáo viên phải biết tự bảo vệ phẩm giá, nhân cách của bản thân, của ngành nghề mà mình đã chọn.

Đánh giá kỹ lưỡng để đảm bảo tính khả thi, tính công bằng

Cho ý kiến về đề xuất trên, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá việc này chỉ áp dụng được trong các trường công lập, rất khó áp dụng với cơ sở tư thục. Do đó, cơ quan soạn thảo cần cân nhắc kỹ.

Ngoài ra, ông đề nghị làm rõ các điều kiện đảm bảo cho chính sách tiền lương, phụ cấp và hỗ trợ với nhà giáo, chẳng hạn, lấy nguồn nào để chi 9.200 tỉ đồng miễn học phí cho con giáo viên.

"Phải đánh giá kỹ lưỡng hơn để đảm bảo tính khả thi, đảm bảo tính công bằng trong mối tương quan với các đối tượng ưu tiên khác", ông Mẫn nói.

Nêu ý kiến tương tự, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng việc này có thể để Chính phủ quy định, theo hướng hỗ trợ các nhà giáo khó khăn, chứ không ghi vào Luật.

"Ưu đãi, chế độ đặc thù thì được nhưng đặc quyền, đặc lợi thì không nên", ông Định góp ý.

DUY ANH

Đề xuất miễn học phí cho con giáo viên