(LSO) - Thực chất hiện nay tỷ lệ các hộ gia đình sử dụng dưới 700kWh tháng vẫn chiếm tỷ lệ cao nên với cách tính mới này, người dân phải trả số tiền cao hơn rất nhiều và sẽ ảnh hưởng rất lớn với các đối tượng có nhu cầu sử dụng điện ít, những người có thu nhập thấp. Mức đồng giá này chỉ phù hợp với những hộ dân sử dụng điện rất nhiều. "Do đó, tôi cho rằng đề xuất mức đồng giá này chưa thật sự hợp lý", Luật sư Cường nói.
Liên quan đến dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện để sửa đổi Quyết định 28/2014 của Bộ Công thương, theo đó tại dự thảo này, Bộ Công Thương đưa ra 2 phương án giá điện sinh hoạt:
- Một là phương án giá điện sinh hoạt từ 6 bậc hiện hành còn 5 bậc.
- Hai là, Bộ Công Thương cũng đề xuất phương án áp dụng song song cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho mục đích sinh hoạt 5 bậc và giá bán lẻ điện một giá (khách hàng được quyền lựa chọn áp dụng giá sinh hoạt 5 bậc hoặc giá bán lẻ điện một giá). Theo đó, giá bán lẻ điện sinh hoạt cho khách hàng lựa chọn một giá được Bộ Công Thương đề xuất là bằng 145-155% giá bán lẻ điện bình quân. Với mức giá bình quân hiện hành là 1.864,44 đồng/kWh, giá bán lẻ điện sinh hoạt dành cho khách hàng lựa chọn một giá là từ 2.700 - hơn 2.900 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT).
Đánh giá về cách tính cũng như các phương án được đề xuất này, Thạc sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp chia sẻ, có thể thấy về phương án đề xuất điện đồng giá này không phải là mới mà trước đây từ năm 2015, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) cũng từng đề xuất phương án đưa ra giá điện đồng giá 1.747 đ/kWh. So với phương án cách đây 5 năm, có thể thấy mức đề xuất đồng giá hiện nay đã tăng lên đáng kể từ 1.747 đ/kWh lên hơn 2.700đ/kWh và so với giá điện trung bình hiện nay (1.864,44 đ/kWh) thì mức tăng là khoảng 145% - 155%.
Còn so với biểu giá điện 6 bậc hiện nay, nếu áp dụng mức đồng giá này thì đối với các hộ dân sử dụng điện dưới 700kWh tháng sẽ đều phải tăng số tiền điện cần trả. Giả sử một hộ gia đình dùng hết 300 kWh/tháng, nếu tính theo phương án đồng giá là 810.900 đồng - 866.700 đồng đồng; còn nếu tính theo phương án 6 bậc hiện nay thì tổng số tiền phải trả 760.800 đồng. Như vậy, có thể thấy phương án này cao hơn so với với cách tính hiện nay.
Thực chất hiện nay tỷ lệ các hộ gia đình sử dụng dưới 700kWh tháng vẫn chiếm tỷ lệ cao nên với cách tính mới này, người dân phải trả số tiền cao hơn rất nhiều và sẽ ảnh hưởng rất lớn với các đối tượng có nhu cầu sử dụng điện ít, những người có thu nhập thấp. Mức đồng giá này chỉ phù hợp với những hộ dân sử dụng điện rất nhiều. "Do đó, tôi cho rằng đề xuất mức đồng giá này chưa thật sự hợp lý", Luật sư Cường nói.
Còn đối với phương án 5 bậc là phương án gộp bậc và tăng giá với các bậc sau, về bản chất nhằm khuyến khích các hộ dân tiết kiệm điện vì sử dụng càng nhiều thì mức tính điện càng cao, tuy nhiên, so với giá điện trung bình thì người dân vẫn phải chịu giá điện cao hơn và cao hơn so với cách tính 6 bậc hiện nay với những hộ dân sử dụng điện trung bình. Giả sử nếu hộ dân sử dụng 300 kWh/tháng thì số tiền phải trả là 788.400 đồng với cách tính 5 bậc nhưng chỉ trả 760.800 đồng với cách tính 6 bậc. Do đó, với mức đề xuất này Luật sư Cường đánh giá và cho rằng vẫn đang rất cao,
Hiện nay, về nguyên tắc tính mức giá điện phải đảm bảo các yếu tố như phải tiết kiệm, phù hợp với kinh tế, đời sống xã hội và việc tính toán phải công khai, minh bạch, rõ ràng vì hiện nay EVN là đơn vị độc quyền về điện. Vì vậy, khi xây dựng phương án phải rõ ràng, cơ sở nào lại áp dụng mức giá này, liệu có phù hợp với nhu cầu sử dụng điện của người dân hay không thì người dân mới tâm phục khẩu phục.
"Tôi cho rằng việc giá điện áp dụng với người dân hiện nay vẫn tương đối là cao, việc áp dụng tính điện theo bậc về lý thuyết để người dân giảm nhu cầu sử dụng về điện, tuy nhiên, khi tính toán số tiền phải trả vẫn là cao; còn với mức đồng giá hiện nay lại chỉ phù hợp với những đối tượng có nhu cầu sử dụng điện lớn, vậy làm sao có thể khuyến khích các nhóm đối tượng này sử dụng tiết kiệm điện" Luật sư Cường bày tỏ quan điểm. Do đó, cần tính toán kỹ lưỡng để xây dựng phương án phù hợp, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân cũng như tránh việc lạm dụng độc quyền điện để thu lợi không hợp lý.
Kiến nghị rút lại phương án một giá điện Chiều ngày 18/8, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh chủ trì cuộc họp với các đơn vị liên quan về việc sửa đổi Quyết định 28 về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện vừa được đưa ra lấy ý kiến. Theo ông Nguyễn Anh Tuấn – Cục trưởng Cục điều tiết điện lực (Bộ Công thương), trên cơ sở góp ý các ý kiến chuyên gia và nhà khoa học trong thời gian qua về việc sửa đổi biểu giá bán lẻ điện, đơn vị xây dựng dự thảo đề nghị kiến nghị rút các phương án giá điện 2A và 2B, trong đó tập trung phương án 1 nhằm giảm số bậc thang, phù hợp với tiêu dùng điện hiện nay. Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực cho biết phương án 2A và 2B có ưu điểm là khách hàng được quyền lựa chọn giá điện bậc thang hoặc điện một giá, tuy nhiên lại không khuyến khích sử dụng tiết kiệm điện. Theo đó, cần tiếp tục xin ý kiến về phương án 1 về cải tiến giá điện bậc thang cho khách hàng sinh hoạt nhằm giảm bớt số bậc thang từ 6 bậc xuống 5 bậc và điều chỉnh các bậc thang để phù hợp với mức độ sử dụng điện của nhân dân. |
THANH THANH