Cụ thể, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết từ khi Luật Bảo hiểm y tế 2008, có hiệu lực thi hành, sau 15 năm triển khai đã thực sự đi vào cuộc sống. Đến nay, toàn quốc đã có hơn 93,3 triệu người, tương ứng 93,35% dân số tham gia bảo hiểm y tế, khẳng định tính đúng đắn, phù hợp của chính sách bảo hiểm y tế theo nguyên tắc chia sẻ rủi ro. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã phát sinh những vướng mắc, bất cập, hạn chế cần được điều chỉnh, đã được nêu rõ trong Báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Luật về các nội dung: Đối tượng tham gia; phạm vi được hưởng; đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu, thông tuyến, chuyển tuyến; hợp đồng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; giám định bảo hiểm y tế; quản lý, sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế…
Do đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề xuất bổ sung vào dự thảo Luật Bảo hiểm y tế các nhóm đối tượng sau:
- Người dân các xã an toàn khu, vùng an toàn khu cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ được ngân sách Nhà nước đóng bảo hiểm y tế.
- Người dân tộc thiểu số thoát khỏi vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, được ngân sách Nhà nước hỗ trợ 70% mức đóng bảo hiểm y tế, thời gian hỗ trợ 3 năm.
- Nạn nhân bom mìn vật nổ sau chiến tranh;
- Người thuộc hộ gia đình thoát nghèo;
- Người cao tuổi từ đủ 65 tuổi trở lên đến dưới 75 tuổi được ngân sách Nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế.
Bên cạnh đó, về quản lý Quỹ Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề xuất Bộ Y tế cần xây dựng và trình Chính phủ các giải pháp nhằm bảo đảm cân đối quỹ; chỉ đạo cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống lạm dụng, trục lợi quỹ.
Ngoài ra, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị duy trì quyền kiểm tra việc sử dụng quỹ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, và thực hiện hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế để tăng cường kiểm soát, phòng chống lãng phí, lạm dụng, trục lợi Quỹ Bảo hiểm y tế, nâng cao trách nhiệm của cơ quan quản lý quỹ này...