Ảnh minh hoạ.
Theo đó, dự thảo Nghị định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã bổ sung Điều 8a, Điều 8b và Điều 8c vào sau Điều 8 như sau:
“Điều 8a: Thanh tra Cục Phòng, chống rửa tiền
1. Thanh tra Cục Phòng, chống rửa tiền là đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức của Cục Phòng, chống rửa tiền thực hiện nhiệm vụ thanh tra về phòng, chống rửa tiền trong phạm vi quản lý nhà nước mà Cục Phòng, chống rửa tiền được phân cấp quản lý; thực hiện nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật và phân công của Cục trưởng Cục Phòng, chống rửa tiền.
2. Thanh tra Cục Phòng, chống rửa tiền chịu sự chỉ đạo, điều hành của Cục trưởng Cục Phòng, chống rửa tiền và chịu sự chỉ đạo về công tác thanh tra, hướng dẫn nghiệp vụ của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng.
3. Thanh tra Cục Phòng, chống rửa tiền có con dấu riêng.
4. Thanh tra Cục Phòng, chống rửa tiền có Chánh Thanh tra, các Phó Chánh Thanh tra, các thanh tra viên và công chức khác.
Chánh Thanh tra, Phó Chánh thanh tra Cục Phòng, chống rửa tiền do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo đề nghị của Cục trưởng Cục Phòng, chống rửa tiền và ý kiến thống nhất của Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng.
Điều 8b. Nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Cục Phòng, chống rửa tiền
1. Trong lĩnh vực thanh tra được phân cấp, ủy quyền, Thanh tra Cục Phòng, chống rửa tiền giúp Cục trưởng Cục Phòng, chống rửa tiền thực hiện công tác thanh tra và có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Xây dựng dự thảo kế hoạch thanh tra của Thanh tra Cục Phòng, chống rửa tiền, báo cáo Cục trưởng Cục Phòng, chống rửa tiền xem xét, quyết định trước khi gửi Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng tổng hợp vào kế hoạch thanh tra của Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng;
b) Tổ chức thực hiện nhiệm vụ thanh tra của Thanh tra Cục Phòng, chống rửa tiền trong kế hoạch thanh tra của Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng; thanh tra về phòng, chống rửa tiền đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi quản lý nhà nước mà Cục Phòng, chống rửa tiền được phân cấp quản lý;
c) Thanh tra vụ việc khác khi được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng, Cục trưởng Cục Phòng, chống rửa tiền giao;
d) Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị của Thanh tra Cục Phòng, chống rửa tiền, quyết định xử lý về thanh tra của Cục trưởng Cục Phòng, chống rửa tiền;
đ) Tổng hợp, báo cáo kết quả công tác thanh tra.
2. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật và phân công của Cục trưởng Cục Phòng, chống rửa tiền.
Điều 8c. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh Thanh tra Cục Phòng, chống rửa tiền
Trong lĩnh vực thanh tra, Chánh Thanh tra Cục Phòng, chống rửa tiền có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
1. Lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra công tác thanh tra trong phạm vi quản lý của Cục Phòng, chống rửa tiền; lãnh đạo Thanh tra Cục Phòng, chống rửa tiền thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Nghị định này và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
2. Ra quyết định thanh tra đối với đối tượng thanh tra ngân hàng thuộc phạm vi quản lý của Cục Phòng, chống rửa tiền hoặc theo yêu cầu của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng, Cục trưởng Cục Phòng, chống rửa tiền; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của người ra quyết định thanh tra.
3. Quyết định việc thanh tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
4. Xử phạt vi phạm hành chính hoặc kiến nghị người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
5. Báo cáo Cục trưởng Cục Phòng, chống rửa tiền để kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành quy định cho phù hợp với yêu cầu quản lý; kiến nghị đình chỉ, hủy bỏ hoặc bãi bỏ quy định trái pháp luật được phát hiện qua thanh tra”.
TRẦN VŨ
Thu hồi đất vì lợi ích quốc gia, công cộng phải công khai, minh bạch