/ Thư viện pháp luật
/ Đề xuất phạt đến 40 triệu đồng đối với người lái phương tiện thủy mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn

Đề xuất phạt đến 40 triệu đồng đối với người lái phương tiện thủy mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn

18/03/2021 02:29 |

(LSVN) - Đây là đề xuất của Bộ Giao thông vận tải tại dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa. Theo đó, thuyền viên, người lái phương tiện đang làm việc trên phương tiện mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn có thể bị phạt đến 40 triệu đồng.

Cụ thể, dự thảo đề xuất xử phạt đối với hành vi của thuyền viên, người lái phương tiện đang trong ca trực mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn hoặc có các chất kích thích khác mà luật cấm sử dụng, như sau:

- Phạt tiền từ 3 – 5 triệu đồng đối với hành vi của thuyền viên, người lái phương tiện đang làm việc trên phương tiện mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/01 lít khí thở hoặc có các chất kích thích khác mà luật cấm sử dụng.

- Phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng đối với hành vi của thuyền viên, người lái phương tiện đang làm việc trên phương tiện mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam đến 0,4 miligam/01 lít khí thở; phạt tiền từ 20 – 40 triệu đồng đối với hành vi của thuyền viên, người lái phương tiện đang làm việc trên phương tiện mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/01 lít khí thở.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng đề xuất xử phạt vi phạm quy định về trách nhiệm, điều kiện của thuyền viên, người lái phương tiện.

Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây:

- Không hướng dẫn hành khách sử dụng các thiết bị chữa cháy, dụng cụ cứu sinh, cứu đắm và thoát hiểm;

- Không thực hiện biện pháp phòng ngừa ô nhiễm môi trường, thu gom, lưu trữ và chuyển chất thải đến nơi tiếp nhận để xử lý theo quy định; thuyền trưởng không trực tiếp bàn giao nhiệm vụ cho thuyền phó hoặc người được ủy quyền khi rời phương tiện;

- Thuyền trưởng không bố trí thuyền viên trông coi phương tiện khi phương tiện neo đậu hoặc không bố trí người cảnh giới khi phương tiện hành trình trong điều kiện tầm nhìn bị hạn chế;

- Thuyền viên được bố trí trông coi phương tiện khi phương tiện neo đậu mà không có mặt trên phương tiện hoặc không thực hiện trông coi phương tiện theo quy định; thuyền trưởng, thuyền phó, máy trưởng, máy phó không có mặt trên phương tiện trong ca làm việc theo quy định khi phương tiện đang hành trình; không thông báo cho Cảng vụ (nơi cấp giấy phép rời cảng, bến, khu neo đậu) về sự thay đổi thuyền viên khi phương tiện rời cảng, bến, khu neo đậu.

- Phạt tiền từ 2 – 3 triệu đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây:

- Giao người không đủ điều kiện về sức khỏe, tuổi, không có chứng chỉ chuyên môn, giấy chứng nhận khả năng chuyên môn theo quy định thay mình điều khiển hoặc lái phương tiện;

- Thuyền trưởng không trực tiếp điều khiển phương tiện khi qua cầu, âu tàu, ra, vào cảng, bến thủy nội địa và các trường hợp khác theo quy định;

- Thuyền viên không phải là thuyền trưởng mà trực tiếp điều khiển phương tiện khi qua cầu, âu tàu, ra, vào cảng, bến thủy nội địa hoặc trong các trường hợp khác theo quy định thuyền trưởng phải trực tiếp điều khiển phương tiện; nhận, sử dụng phương tiện không đảm bảo điều kiện hoạt động hoặc không đủ định biên theo quy định;

- Nhận, sử dụng thuyền viên làm việc trên phương tiện không có giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn theo quy định.

HỒNG HẠNH

Hải Dương: Xe khách liên tỉnh được hoạt động trở lại từ 0h00 ngày 18/3

Lê Minh Hoàng