Theo đó, điều kiện hưởng chế độ thai sản của lao động nữ sinh con, lao động nữ mang thai hộ, người mẹ nhờ mang thai hộ và người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi được quy định tại các khoản 2, 3 và 5 Điều 50 của Luật Bảo hiểm xã hội và được hướng dẫn cụ thể như sau:
Lao động nữ sinh con thuộc trường hợp trước đó phải nghỉ việc để điều trị vô sinh thì điều kiện hưởng chế độ thai sản khi sinh con là phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng liền kề trước khi sinh con.
Thời gian 12 tháng hoặc 24 tháng liền kề trước khi sinh con hoặc nhận con khi nhờ mang thai hộ hoặc nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi được xác định như sau:
- Trường hợp sinh con hoặc nhận con khi nhờ mang thai hộ hoặc nhận nuôi con nuôi trước ngày 15 của tháng, thì tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi không tính vào thời gian 12 tháng hoặc 24 tháng trước khi sinh con hoặc nhận con khi nhờ mang thai hộ hoặc nhận nuôi con nuôi.
- Trường hợp sinh con hoặc nhận con khi nhờ mang thai hộ hoặc nhận nuôi con nuôi từ ngày 15 trở đi của tháng và tháng đó có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, thì tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được tính vào thời gian 12 tháng hoặc 24 tháng trước khi sinh con hoặc nhận con khi nhờ mang thai hộ hoặc nhận nuôi con nuôi. Trường hợp tháng đó không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thì thực hiện theo quy định tại điểm a khoản này.
Ví dụ: Chị Th. sinh con ngày 10/10/2025, thời gian 12 tháng trước khi sinh con được tính từ tháng 10/2024 đến tháng 9/2025.
Ví dụ: Chị A. sinh con ngày 18/01/2026, thời gian 12 tháng trước khi sinh con được tính như sau: Nếu tháng 01/2026 có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thì 12 tháng trước khi sinh tính từ tháng 02/2025 đến tháng 01/2026. Nếu tháng 01/2026 không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thì 12 tháng trước khi sinh tính từ tháng 01/2025 đến tháng 12/2025.
Ví dụ: Chị C. có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc liên tục từ năm 2010 đến tháng 8/2025. Do hiếm muộn, chị C. xin nghỉ việc để đi điều trị vô sinh, chị C. có thai và sinh con ngày 14/01/2027. Chị C. thuộc trường hợp phải nghỉ việc để điều trị vô sinh, trong khoảng thời gian 24 tháng trước khi sinh (tính từ tháng 01/2025 đến tháng 12/2026) có 08 tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Như vậy, chị C. đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản khi sinh con.
Trong thời gian trở lại làm việc trước khi hết thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi sinh con mà lao động nữ phải nghỉ việc để đi khám thai, sảy thai, phá thai, thai chết trong tử cung, thai chết trong khi chuyển dạ, thai ngoài tử cung, thực hiện các biện pháp tránh thai thì được hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các điều 51, 52 và 57 của Luật Bảo hiểm xã hội.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng quy định trợ cấp thai sản được thực hiện theo quy định tại Điều 59 của Luật Bảo hiểm xã hội và được hướng dẫn cụ thể như sau:
- Mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc để tính trợ cấp thai sản là mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của 06 tháng gần nhất trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản, thời gian đóng bảo hiểm xã hội không liên tục thì được cộng dồn.
Trường hợp tháng sinh con hoặc nhận con khi nhờ mang thai hộ hoặc nhận nuôi con nuôi được tính vào thời gian 12 tháng hoặc 24 tháng trước khi sinh con hoặc nhận con khi nhờ mang thai hộ hoặc nhận nuôi con nuôi thì mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của 06 tháng gần nhất trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản, bao gồm cả tháng sinh con hoặc nhận con khi nhờ mang thai hộ hoặc nhận nuôi con nuôi.
- Đối với người lao động hưởng trợ cấp thai sản theo quy định tại Điều 51, Điều 52, các khoản 2, 5, 6 và 7 Điều 53, các khoản 1, 2 và 4 Điều 54, khoản 2 Điều 55 và Điều 57 của Luật Bảo hiểm xã hội ngay trong tháng đầu tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì mức hưởng trợ cấp thai sản được tính trên tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của chính tháng đó.
- Mức hưởng chế độ thai sản của người lao động không được điều chỉnh khi Chính phủ điều chỉnh tăng mức lương cơ sở, mức lương tối thiểu vùng.