/ Thư viện pháp luật
/ Đề xuất quy định mới về nhiệm vụ của Hội đồng giám định y khoa

Đề xuất quy định mới về nhiệm vụ của Hội đồng giám định y khoa

09/09/2021 02:49 |

(LSVN) - Bộ Y tế đang dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 52/2016/TT-BYT ngày 30/12/2016 quy định nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác và hoạt động của Hội đồng giám định y khoa các cấp.

Ảnh minh họa. 

Cụ thể, dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều 8 về nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Giám định y khoa (GĐYK) cấp Trung ương. Theo đó, Hội đồng GĐYK cấp Trung ương có nhiệm vụ khám giám định phúc quyết cho các đối tượng theo quy định của pháp luật trong các trường hợp: (i) Vượt quá khả năng chuyên môn của Hội đồng GĐYK cấp tỉnh hoặc Hội đồng GĐYK các bộ; (ii) Cá nhân hoặc tổ chức không đồng ý với kết quả khám giám định của Hội đồng GĐYK cấp tỉnh hoặc Hội đồng GĐYK các bộ và có đề nghị khám giám định phúc quyết; (iii) Theo yêu cầu của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh và thực hiện các nhiệm vụ khác theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Hội đồng GĐYK cấp Trung ương có nhiệm vụ khám giám định (bao gồm khám giám định lần đầu và khám giám định lại) theo quy định của pháp luật cho các đối tượng đang làm việc hoặc cư trú, sinh sống tại tỉnh, thành phố thuộc địa bàn được Bộ Y tế phân công.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng sửa đổi quy định về giải quyết hồ sơ giám định y khoa. Theo đó, căn cứ hồ sơ của đối tượng giám định do cơ quan yêu cầu khám giám định giới thiệu đến, cơ quan thường trực Hội đồng GĐYK có trách nhiệm xem xét và tổ chức khám giám định. Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ theo quy định, Hội đồng GĐYK phải họp và ban hành biên bản GĐYK. Trường hợp Hội đồng GĐYK chưa ban hành biên bản GĐYK đúng thời hạn quy định, cơ quan thường trực Hội đồng GĐYK phải báo cáo cơ quan quản lý trực tiếp và thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu khám giám định biết và nêu rõ lý do.

Trường hợp không khám giám định, trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan thường trực Hội đồng GĐYK phải có văn bản trả lời cơ quan giới thiệu và/hoặc đối tượng giám định, trong đó nêu rõ lý do và chịu trách nhiệm về việc không tổ chức khám giám định của Hội đồng.

Dự thảo cũng nêu rõ, trường hợp cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền không đồng ý với kết luận của Hội đồng GĐYK, thì có văn bản đề nghị Hội đồng GĐYK các cấp tổ chức khám giám định, khám giám định phúc quyết, khám phúc quyết lần cuối theo quy định. Trường hợp cá nhân hoặc tổ chức không đồng ý với kết luận trong biên bản GĐYK của Hội đồng GĐYK các cấp, trong thời gian 90 ngày, kể từ ngày ban hành biên bản GĐYK, cá nhân hoặc tổ chức không đồng ý với kết luận trong biên bản GĐYK của Hội đồng GĐYK cấp tỉnh hoặc cấp Trung ương có văn bản gửi Hội đồng GĐYK nơi đã khám giám định cho đối tượng, nêu rõ lý do không đồng ý. Quá thời hạn nêu trên, Hội đồng GĐYK không xem xét giải quyết.

Ngoài ra, trong thời gian 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của cá nhân hoặc tổ chức, cơ quan thường trực Hội đồng GĐYK đã khám giám định cho đối tượng có trách nhiệm xem xét, giải quyết và trả lời đối tượng.

HUYỀN ANH 

TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và 21 tỉnh, thành phía Nam thần tốc xét nghiệm phòng chống Covid-19

Nguyễn Mỹ Linh