Ảnh minh họa.
Thay mặt cơ quan soạn thảo, trình bày tóm tắt dự án luật, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cho biết phòng thủ dân sự (PTDS) là bộ phận của phòng thủ đất nước bao gồm các biện pháp phòng, chống chiến tranh; phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh; bảo vệ nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân. PTDS bao gồm tổng thể các hoạt động được chuẩn bị từ thời bình, khi có chiến tranh xảy ra để chủ động phòng, chống thảm họa do chiến tranh; hoặc tổng thể các hoạt động được chuẩn bị để phòng ngừa, ứng phó, khắc phục thảm họa do con người hoặc thiên nhiên gây ra nhằm bảo đảm an toàn hoặc hạn chế thấp nhất mức độ thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân.
Dự thảo Luật PTDS được bố cục thành 7 chương, 75 điều. Chính phủ xin ý kiến Quốc hội vấn đề tình trạng khẩn cấp về PTDS theo 2 phương án: Quy định tình trạng khẩn cấp về phòng thủ dân sự và Không quy định tình trạng khẩn cấp về phòng thủ dân sự.
Phương án 1: Quy định tình trạng khẩn cấp về PTDS
Lý do tình trạng khẩn cấp về PTDS là mức độ cao nhất của thảm họa, sự cố về phòng thủ dân sự. Việc quy định là hết sức cần thiết, tạo cơ sở luật định quan trọng cho việc thực hiện các giải pháp trong tình huống xảy ra thảm họa, sự cố. Đồng thời, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của pháp luật về phòng thủ dân sự, đặc biệt là các biện pháp hợp hiến, hợp pháp, áp dụng được ngay một cách thuận lợi khi xảy ra thảm họa, sự cố ở các cấp độ, trạng thái khác nhau (tiền khẩn cấp và khẩn cấp); kịp thời xử lý những vấn đề bất cập trong thời gian qua...
Thực tế thời gian xảy ra dịch bệnh Covid-19 cho thấy việc áp dụng các biện pháp trong tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh chưa đủ để điều chỉnh nhiều vấn đề phát sinh như giãn cách xã hội, cơ chế cách ly tập trung, xây dựng cơ sở y tế, chính sách đặc thù phục hồi kinh tế, an sinh sau thảm họa, sự cố. Dự thảo Luật đang thể hiện theo phương án 1, từ Điều 29 đến Điều 33. Theo ông Cương, đa số thành viên Chính phủ lựa chọn phương án này, chỉ một ý kiến không đồng ý.
Phương án 2: Không quy định tình trạng khẩn cấp về PTDS
Theo đó, khi xảy ra tình trạng khẩn cấp về PTDS có thể áp dụng quy định hiện hành ở Hiến pháp và các luật liên quan. Một lý do khác cho việc lựa chọn phương án này là việc không quy định về tình trạng khẩn cấp về PTDS trong dự thảo Luật để tập trung thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng Luật Tình trạng khẩn cấp. Tuy nhiên, việc không quy định tình trạng khẩn cấp về phòng thủ dân sự có nhược điểm là chưa khắc phục được khoảng trống của hệ thống pháp luật, chưa giải quyết được những vướng mắc và yêu cầu từ thực tiễn.
Việc thiếu các quy định về tình trạng khẩn cấp dẫn đến khi xảy ra tình trạng khẩn cấp về phòng thủ dân sự phải áp dụng nhiều văn bản nhưng vẫn không đầy đủ quy định điều chỉnh.
Thay mặt cơ quan thẩm tra dự án luật, Thiếu tướng Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh, cho biết qua thảo luận còn có 2 loại ý kiến về phương án trên. Một số ý kiến cho rằng việc quy định PTDS trong tình trạng khẩn cấp là cần thiết nhưng đề nghị sửa lại tên Mục 4 là “PTDS trong trường hợp khẩn cấp” tránh chồng chéo với hoạt động PTDS thông thường. Pháp luật hiện hành chưa quy định PTDS trong tình trạng khẩn cấp, nên khi xảy ra tình trạng khẩn cấp thì sẽ kích hoạt các biện pháp PTDS phù hợp. Một số ý kiến đề nghị tổng kết thực hiện quy định về tình trạng khẩn cấp và xây dựng Luật về tình trạng khẩn cấp trước; bổ sung giải thích cụm từ “Tình trạng khẩn cấp về PTDS”.
Do đó, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và an ninh đề nghị nghiên cứu kỹ, nếu quy định về PTDS trong tình trạng khẩn cấp cần làm rõ các “khoảng trống” pháp lý của Pháp lệnh tình trạng khẩn cấp và các luật khác. Chỉnh lý để tránh chồng chéo, trùng lắp; đánh giá thêm về cơ sở, nhất là thực tế việc chống dịch Covid-19 vừa qua cho phù hợp về PTDS trong tình trạng khẩn cấp và nghiên cứu xây dựng Luật về tình trạng khẩn cấp. Theo đó, việc triển khai các biện pháp để xử lý thảm họa, sự cố cấp độ 4 sẽ áp dụng các quy định của Luật về tình trạng khẩn cấp.
PV