Ảnh minh họa.
Mới đây, Bộ Công an đã có dự thảo báo cáo Quốc hội giải trình một số nội dung của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ được đại biểu Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua. Đáng chú ý, Bộ Công an đề xuất bổ sung quy định trừ điểm giấy phép lái xe (GPLX). Bộ Công an cho biết, điểm sẽ được gán cho bằng lái xe, và nếu trong một năm mất hết điểm, người đó sẽ phải thi lại GPLX. Dự kiến mỗi người có 12 điểm/năm. Theo đề xuất, vi phạm nhiều lần, trừ hết điểm, GPLX sẽ không còn hiệu lực. Tài xế muốn được cấp GPLX mới thì 6 tháng sau sẽ phải học và thi sát hạch như trường hợp cấp GPLX lần đầu.
Lý giải về đề xuất này, Bộ Công an nêu rõ, ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông hiện nay còn kém. Điều đó được chứng minh qua việc xử lý vi phạm giao thông hằng năm ở mức cao, trên 3 triệu trường hợp vi phạm. Tai nạn giao thông trong nước tuy đã giảm nhưng còn ở mức cao, nhiều vụ đặc biệt nghiêm trọng chủ yếu do lỗi của người lái xe không chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông đường bộ.
Thêm vào đó, việc quản lý người lái xe sau khi được sát hạch, cấp GPLX đang bị buông lỏng; cơ quan chức năng chưa có các biện pháp quản lý phù hợp, nhất là quản lý việc chấp hành pháp luật của người lái xe.
Thực tế, việc tước GPLX hiện nay là chế tài rất nghiêm khắc, nếu tài xế vô tình vi phạm quy định có áp dụng hình phạt bổ sung là tước GPLX thì việc này đồng nghĩa tài xế sẽ mất việc hoặc không đủ điều kiện để diều khiển phương tiện, việc này đồng nghĩa với việc mất thu nhập, cuộc sống sẽ bị xáo trộn,… Mặc dù, đã bị tước GPLX, nhiều tài xế vẫn cố tình lái xe để kiếm sống hoặc mua, bán GPLX giả nhằm che mắt lực lượng tuần tra, kiểm sát giao thông. Nếu quy định mọi GPLX sẽ có 12 điểm, mỗi lần tài xế vi phạm sẽ bị trừ cho đến khi về 0 sẽ tạo điều kiện cho lái được hành nghề sau khi vi phạm bị trừ điểm, bởi trên thực tế nhiều lỗi vi phạm giao thông xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, khách quan cũng có, chủ quan cũng có. Và hầu hết, không tài xế nào muốn bị tước GPLX, bởi vì nếu bị tước GPLX đồng nghĩa sẽ trực tiếp hoặc gián tiếp mất đi “cần câu cơm” của họ.
Tác giả cho rằng, Bộ Công an đề xuất quy định về điểm và trừ điểm giấy phép lái xe đối với tài xế có hành vi vi phạm vào dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ là phù hợp. Nếu Luật được thông qua thì đồng thời phải rà soát toàn bộ các quy định có liên quan đến pháp luật giao thông đường bộ, pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính để bãi bỏ các quy định có liên quan đến việc tước GPLX; đồng thời bổ sung quy định về trừ điểm GPLX nếu tài xế xảy ra hành vi vi phạm.
Bên cạnh đó, cần phải xây dựng hệ thống dữ liệu đồng bộ, hiệu quả có thể xử phạt và trừ điểm GPLX tự động không để xảy ra sai sót. Muốn vậy, ngành Công an phải đầu tư trang thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xử lý vi phạm, đặc biệt là đào đạo nguồn nhân lực để thực hiện nhiệm vụ này.
Ngoài ra, nếu quy định mọi GPLX sẽ có 12 điểm và bị trừ điểm nếu vi phạm thì có biện pháp giám sát, ngăn chặn tiêu cực có thể xảy ra như tài xế sẽ có thể “hối lộ”, "xin xỏ" để không bị trừ điểm GPLX.
Khi GPLX bị trừ về điểm 0 có nghĩa là GPLX đó không còn giá trị sử dụng, tài xế buộc phải nộp lại GPLX và cơ quan có thẩm quyền phải thông báo hủy bỏ GPLX. Tài xế bắt buộc phải học và thi lại bằng lái xe mới đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Việc các tài xế phải học và thi lại GPLX khi bị trừ về điểm 0 là cần thiết để được cập nhật kiến thức và các kỹ năng mới có liên quan đến lái xe, nhất là các kỹ năng lái xe trên các tuyến đường cao tốc, qua đó góp phần ngăn ngừa và giảm thiểu tai nạn giao thông.
Mục đích của việc trừ điểm GPLX là tạo điều kiện cho tài xế được kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với lỗi vi phạm do lỗi vô ý hoặc khách quan được tiếp tục hành nghề. Vấn đề là, những lỗi vi phạm nào thì bị trừ 1 điểm, lỗi nào thì bị trừ 2 điểm,…phải quy định rõ ràng, áp dụng cụ thể; tuyệt đối không để người thi hành công vụ trừ điểm theo cảm tính sẽ ảnh hưởng đến tính khách quan và phát sinh khiếu nại. Đồng thời, đối với tài xế bị trừ điểm GPLX nhưng 1 hoặc 2 năm sau không xảy ra vi phạm, không bị trừ điểm thì cũng phải quy định cộng lại điểm đã bị trừ.
Có như vậy, mới có thể khuyến khích đội ngũ tài xế chấp hành pháp luật giao thông đường bộ, góp phần kéo giảm tai nạn giao thông đang có chiều hướng gia tăng như hiện nay.
Theo Bộ Công an, để triển khai quy định trừ điểm giấy phép lái xe, Luật sẽ giao Chính phủ ban hành quy định cụ thể thẩm quyền, căn cứ, trình tự, thủ tục thực hiện trừ điểm, phục hồi giấy phép lái xe theo hướng như sau: Các hành vi vi phạm nghiêm trọng, nguy cơ gây mất an toàn giao thông cao, người vi phạm sẽ bị trừ điểm giấy phép lái xe, mức trừ điểm cụ thể trong một lần vi phạm sẽ được nghiên cứu quy định cụ thể và đảm bảo không trùng chéo với các hình thức xử phạt vi phạm hành chính. Về thủ tục trừ điểm, phục hồi điểm sẽ bảo đảm đơn giản, hợp lý, tránh phiền hà cho người vi phạm, theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, số hóa hệ thống cơ sở dữ liệu về sát hạch, cấp giấy phép lái xe; hệ thống cơ sở dữ liệu về xử phạt vi phạm hành chính; khi có quyết định xử phạt (đối với hành vi vi phạm có quy định trừ điểm). Theo đó, người lái xe sẽ nhận được thông báo của cơ quan xử phạt về việc giấy phép lái xe bị trừ điểm; hệ thống cơ sở dữ liệu sẽ tự động trừ điểm (không có sự tiếp xúc giữa người có thẩm quyền xử phạt và người vi phạm, nên sẽ không phát sinh tiêu cực, không trùng chéo với các hình thức xử phạt vi phạm hành chính), hoặc sau một năm kể từ lần trừ điểm gần nhất nếu còn điểm hệ thống sẽ tự động phục hồi điểm cho người lái xe. |
Luật gia ĐỖ VĂN NHÂN
Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum