Cụ thể, bộ đề xuất bổ sung mới Điều 25 của dự thảo về chức năng nguồn nước theo hướng quy định bổ sung chức năng nguồn nước và phân vùng chức năng nguồn nước.
Theo dự thảo, chức năng nguồn nước và việc phân vùng chức năng nguồn nước được xác định trong quy hoạch tổng hợp lưu vực sông, quy hoạch tỉnh làm cơ sở để thực hiện các biện pháp quản lý, bảo vệ nguồn nước. Trường hợp nguồn nước chưa được xác định chức năng thì căn cứ vào hiện trạng, nhu cầu khai thác, sử dụng nước và khả năng đáp ứng của nguồn nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định chức năng và phân vùng chức năng đối với nguồn nước liên tỉnh, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh xác định chức năng và phân vùng chức năng đối với nguồn nước nội tỉnh.
Vùng chức năng nguồn nước có thể bao gồm nhiều mục đích sử dụng. Việc quản lý, bảo vệ nguồn nước phải ưu tiên mục đích sử dụng ứng với yêu cầu bảo vệ chất lượng nước cao nhất.
Tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước không được làm ảnh hưởng đến chức năng nguồn nước.
Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung vào Điều 26 của dự thảo về Hành lang bảo vệ nguồn nước theo hướng quy định Nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ và quy định hành lang bảo vệ nguồn nước được lập để thực hiện các chức năng.
Theo đó, hành lang bảo vệ nguồn nước được lập để thực hiện các chức năng sau đây:
- Bảo vệ sự ổn định của bờ và phòng, chống lấn chiếm đất ven nguồn nước;
- Phòng, chống các hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm, suy thoái nguồn nước;
- Bảo vệ, bảo tồn và phát triển hệ sinh thái thủy sinh, các loài động, thực vật tự nhiên ven nguồn nước;
- Tạo không gian cho các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí, bảo tồn và phát triển các giá trị về lịch sử, văn hóa, du lịch, tín ngưỡng liên quan đến nguồn nước.
DUY ANH
Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện về hình phạt tử hình theo pháp luật Việt Nam