Ảnh minh họa.
Theo đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất 2 phương án.
Phương án 1, dự thảo nghị định ngoài phần căn cứ pháp lý, nội dung được chia thành 5 Chương, 73 điều, bao gồm:
- Chương I - Những quy định chung (7 điều).
- Chương II - Hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả (43 điều).
- Chương III - Quy trình xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan (11 điều).
- Chương IV - Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính (9 điều).
- Chương V - Điều khoản thi hành (3 điều).
Phương án 2, dự thảo nghị định ngoài phần căn cứ pháp lý, nội dung được chia thành 4 Chương, 62 điều, bao gồm:
- Chương I - Những quy định chung (7 điều).
- Chương II - Hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả (43 điều).
- Chương III - Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính (9 điều).
- Chương IV - Điều khoản thi hành (3 điều).
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nghị định số 131/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan, được sửa đổi, bổ sung một số quy định về thẩm quyền xử phạt tại Nghị định số 28/2017/NĐ-CP ngày 20/3/2017 và Nghị định 129/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ.
Nghị định số 131/2013/NĐ-CP được ban hành đã giúp cho công tác thi hành pháp luật và công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan được tăng cường và thu được kết quả. Tuy nhiên, trong bối cảnh có sự thay đổi về căn cứ pháp lý cũng như thực tiễn, Nghị định số 131/2013/NĐ-CP cần được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung để bảo đảm sự phù hợp và thống nhất trong hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
Cụ thể, ngày 16/6/2022, Quốc hội ban hành Luật số 07/2022/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2023. Ngày 26/4/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 17/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan. Theo đó, nhiều nội dung quy định về quyền tác giả, quyền liên quan được sửa đổi, bổ sung mới như quy định chi tiết và phân định rõ các quyền tác giả, quyền liên quan; sửa đổi, bổ sung về giới hạn, ngoại lệ quyền tác giả, quyền liên quan, trách nhiệm của tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan, tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan; bổ sung quy định về trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian;… Tương ứng với các quy định sửa đổi, bổ sung về nội dung, cần có những quy định sửa đổi, bổ sung về chế tài xử phạt để bảo đảm thống nhất, đồng bộ, khả thi.
Ngày 08/4/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 50/NQ-CP về Hội nghị Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2023, trong đó giao nhiệm vụ cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan, thay thế Nghị định số 131/2013/NĐ-CP.
Quá trình theo dõi thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan, tổng hợp, xây dựng báo cáo tổng kết thi hành cũng như quá trình lấy ý kiến cho dự thảo nghị định, nhận thấy một số khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn thi hành cần phải được nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật để giải quyết:
- Một số hành vi vi phạm gây thiệt hại lớn cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan nhưng mức phạt tiền và hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả chưa đủ mạnh để răn đe;
- Chưa căn cứ vào mức độ gây thiệt hại hay giá trị, số lượng hàng hóa xâm phạm dẫn đến việc xử phạt vi phạm hành chính đối với một số hành vi chưa phù hợp, chưa tương xứng mức độ gây thiệt hại của hành vi;
- Các hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường mạng ngày càng phức tạp;
- Chưa có quy định quy trình yêu cầu xử phạt vi phạm hành chính từ chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan dẫn đến tổ chức, cá nhân còn lúng túng trong áp dụng biện pháp hành chính theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ;…
Từ những lý do nêu trên cho thấy sự cần thiết phải ban hành Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan, thay thế Nghị định số 131/2013/NĐ-CP.
DUY ANH
Dấu hiệu nhận diện và biện pháp phòng tránh lừa đảo tuyển dụng cộng tác viên online