Cụ thể, tại Điều 25 dự thảo Luật quy định về phương thức, thẩm quyền tuyển dụng công chức. Theo đó, việc tuyển dụng công chức vào vị trí việc làm được thực hiện thông qua thi tuyển, xét tuyển.
Trường hợp tuyển dụng đối với người có tài năng từ khu vực ngoài công lập, viên chức, người hưởng lương trong lực lượng vũ trang nhân dân, người làm việc trong tổ chức cơ yếu nhưng không phải là công chức, người quản lý tại doanh nghiệp thực hiện theo hình thức tiếp nhận.
Như vậy, theo quy định này thì viên chức công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập, cán bộ và công chức cấp xã không thuộc nhóm đối tượng được tuyển dụng qua tiếp nhận. Người từng là cán bộ, công chức, sau đó được cấp có thẩm quyền điều động, luân chuyển giữ các vị trí công tác không phải là cán bộ, công chức tại các cơ quan, tổ chức khác nếu muốn tiếp tục ứng tuyển công chức cũng phải qua thi tuyển hoặc xét tuyển.

Ảnh minh họa.
Đây là quy định mới so với luật hiện hành. Ở luật hiện hành, đối tượng được tiếp nhận làm công chức gồm cả những người đang là Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Công ty, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng quản trị, kiểm soát viên, Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó Giám đốc, kế toán trưởng và người đang giữ chức vụ, chức danh quản lý khác theo quy định của Chính phủ trong doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ; người được tiếp nhận phải được quy hoạch vào chức vụ bổ nhiệm hoặc chức vụ tương đương. Tuy nhiên, ở dự thảo Luật lần này đã sửa đổi đối tượng này không nằm trong nhóm được tuyển dụng thông qua tiếp nhận.
Bên cạnh đó, dự thảo luật cũng đã bỏ một số nội dung về các nhóm đối tượng được tuyển dụng thông qua xét tuyển so với luật hiện hành. Cụ thể, người được tuyển dụng công chức thông qua xét tuyển không cần thuộc các nhóm đối tượng:
- Cam kết làm việc từ 5 năm trở lên ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;
- Người học theo chế độ cử tuyển, sau khi tốt nghiệp về công tác tại địa phương nơi cử đi học;
- Sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng.
Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV mới đây, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã trình bày trước Quốc hội Tờ trình dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi). Trong đó đáng chú ý, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, đổi mới công tác tuyển dụng công chức theo hướng người được tuyển chọn phải đáp ứng ngay yêu cầu của vị trí việc làm, sau khi trúng tuyển được bổ nhiệm, xếp lương ở ngạch công chức tương ứng. Bỏ quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức thống nhất ở cấp quốc gia để thực hiện chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý công chức. Cùng với đó, nâng cao hiệu quả đánh giá, sử dụng và sàng lọc cán bộ, công chức, trong đó quy định việc đánh giá công chức phải căn cứ vào kết quả, sản phẩm công việc cụ thể theo yêu cầu của vị trí việc làm, thay vì dựa trên các tiêu chí chung, hình thức hay cảm tính. Đồng thời, quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong việc sử dụng, đánh giá công chức đúng năng lực, vị trí việc làm.