(LSO) - Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 08/2018/TT-BTP ngày 20/6/2018 của Bộ Tư pháp hướng dẫn một số vấn đề về đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm, hợp đồng và trao đổi thông tin về đăng ký biện pháp bảo đảm tại các Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp. Trong đó, Bộ đề xuất thêm một số trường hợp đăng ký biện pháp bảo đảm, hợp đồng.
Tại dự thảo, Bộ Tư pháp dự kiến bổ sung việc đăng ký biện pháp bảo đảm, hợp đồng đối với 2 trường hợp:
- Bổ sung quy định về đăng ký các biện pháp bảo đảm khác bằng động sản không phải tàu bay, tàu biển, trừ cầm giữ tài sản.
- Bổ sung quy định về đăng ký tại các Trung tâm Đăng ký đối với các thỏa thuận trong hợp đồng, giao dịch không thuộc thẩm quyền đăng ký của các cơ quan đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tàu bay, tàu biển hoặc cơ quan có thẩm quyền khác theo quy định của luật có liên quan (ví dụ như: Hợp đồng ký gửi hàng hoá, hợp đồng mượn tài sản, thỏa thuận mua trả chậm hoặc trả dần, thỏa thuận chuộc lại tài sản đã bán, thỏa thuận tài sản chung vợ chồng…) trong trường hợp cá nhân, pháp nhân có yêu cầu nhằm mục đích công khai hóa thông tin.
Đây là các trường hợp chưa được quy định trong Nghị định số 102/2017/NĐ-CP, Thông tư số 08/2018/TT-BTP, tuy nhiên là trường hợp đã phát sinh trong thực tiễn và có nhu cầu đăng ký tại các Trung tâm Đăng ký (điển hình là hợp đồng cầm cố, hợp đồng đặt cọc, hợp đồng ký gửi hàng hóa).
Bộ Tư pháp cho biết, quy định về trường hợp đăng ký biện pháp bảo đảm, hợp đồng tại Trung tâm Đăng ký tại Điều 5 Thông tư số 08/2018/TT-BTP chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Cụ thể:
- Theo quy định tại Điều 297 Bộ luật Dân sự năm 2015, biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ khi đăng ký biện pháp bảo đảm hoặc bên nhận bảo đảm nắm giữ hoặc chiếm giữ tài sản bảo đảm. Trên cơ sở quy định này, Nghị định số 102/2017/NĐ-CP và Thông tư số 08/2018/TT-BTP chỉ quy định việc đăng ký biện pháp bảo đảm đối với trường hợp thế chấp tài sản là động sản và bảo lưu quyền sở hữu trong trường hợp mua bán tài sản là động sản có bảo lưu quyền sở hữu. Theo đó, các biện pháp bảo đảm khác có yếu tố chuyển giao tài sản cho bên nhận bảo đảm như cầm cố, đặt cọc, ký cược… không phải đăng ký.
Tuy nhiên, thực tiễn đăng ký tại các Trung tâm Đăng ký thời gian qua cho thấy, trong hoạt động cấp tín dụng, có rất nhiều trường hợp các tổ chức tín dụng có yêu cầu đăng ký đối với biện pháp cầm cố tài sản (cổ phiếu, trái phiếu, hàng hóa, động sản khác) hoặc yêu cầu đăng ký biện pháp đặt cọc với lý do, theo quy định tại Điều 298 Bộ luật Dân sự thì việc đăng ký biện pháp bảo đảm là do các bên thỏa thuận, đồng thời Bộ luật không hạn chế việc bên nhận bảo đảm đã nắm giữ, chiếm giữ tài sản bảo đảm nhưng vẫn tiếp tục lựa chọn đăng ký biện pháp bảo đảm.
- Trên thực tế, ngoài việc đăng ký biện pháp bảo đảm theo quy định của Nghị định số 102/2017/NĐ-CP và Thông tư số 08/2018/TT-BTP, hiện nay, Trung tâm Đăng ký còn nhận được các yêu cầu đăng ký đối với các thoả thuận trong các hợp đồng, giao dịch không phải là biện pháp bảo đảm, ví dụ như thoả thuận trong hợp đồng gửi giữ hàng hóa. Ngoài ra, qua rà soát Bộ luật Dân sự năm 2015 cho thấy, hiện Bộ luật đang quy định về một số hợp đồng, giao dịch như: Hợp đồng ký gửi hàng hoá, hợp đồng mượn tài sản, thỏa thuận mua trả chậm hoặc trả dần, thỏa thuận chuộc lại tài sản đã bán, theo đó các thoả thuận trong các hợp đồng, giao dịch này cũng chưa có cơ chế đăng ký để công khai hóa thông tin và bảo vệ quyền của chủ sở hữu.
Tuy nhiên, Thông tư số 08/2018/TT-BTP chưa quy định về các trường hợp đăng ký nêu trên, dẫn đến gây khó khăn, lúng túng trong giải quyết yêu cầu đăng ký, đồng thời chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn đăng ký của cơ quan đăng ký và người dân, doanh nghiệp khi có yêu cầu đăng ký thuộc trường hợp này.
THANH THANH