/ Tích hợp văn bản mới
/ Đề xuất trường hợp viên chức được thành lập và quản lý doanh nghiệp

Đề xuất trường hợp viên chức được thành lập và quản lý doanh nghiệp

16/04/2025 06:42 |18 ngày trước

(LSVN) - Mới đây, Bộ Tư pháp công bố hồ sơ thẩm định dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp. Một trong những nội dung đáng chú ý tại dự thảo là đề xuất sửa đổi Điều 17 Luật doanh nghiệp theo hướng viên chức, viên chức quản lý được tham gia thành lập, góp vốn và quản lý doanh nghiệp trong lĩnh vực khoa học, đổi mới sáng tạo.

Cụ thể, hiện nay, điểm b, khoản 2, Điều 17 Luật Doanh nghiệp quy định không cho phép cán bộ, công chức, viên chức được tham gia thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam (không có trường hợp ngoại lệ).

Điểm b, khoản 2, Điều 17 Luật Doanh nghiệp quy định:

"2. Tổ chức, cá nhân sau đây không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam:

b) Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức".

Tuy nhiên, trong dự thảo đã đề xuất sửa đổi điểm b, khoản 2, Điều 17 Luật Doanh nghiệp theo hướng cán bộ, công chức, viên chức (theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức) không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam trừ viên chức, viên chức quản lý làm việc tại tổ chức khoa học và công nghệ công lập, cơ sở giáo dục đại học công lập theo quy định của pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Dự thảo đề xuất sửa đổi điểm b, khoản 2, Điều 17 Luật Doanh nghiệp như sau:

"2. Tổ chức, cá nhân sau đây không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam

b) Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, trừ viên chức, viên chức quản lý làm việc tại tổ chức khoa học và công nghệ công lập, cơ sở giáo dục đại học công lập theo quy  định của pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo".

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Hiện nay, tại dự thảo Luật Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo cũng đã ghi nhận vấn đề này và đang được hoàn thiện và sẽ được trình Quốc hội thông qua ban hành ở kỳ họp thứ 9 vào tháng 5/2025.

Một lý do khác được đưa ra khi đề xuất quy định này là để phù hợp với Điều 4 Nghị quyết số 193/2025/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Theo đó, Điều 4 của Nghị quyết này cho phép chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ khi sử dụng ngân sách Nhà nước mà không đạt được kết quả hay gây ra thiệt hại sẽ được miễn trách nhiệm dân sự.

Mới đây, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 88/2025/NĐ-CP ngày 13/4/2025 quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Nghị quyết số 193/2025/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Theo Điều 4 Nghị định 88/2025/NĐ-CP, viên chức điều hành doanh nghiệp do tổ chức khoa học công nghệ, cơ sở giáo dục đại học thành lập được quy định như sau:

Trường hợp có nhu cầu tham gia quản lý, điều hành, làm việc tại doanh nghiệp do tổ chức khoa học và công nghệ công lập, cơ sở giáo dục đại học công lập thành lập hoặc tham gia thành lập, viên chức, viên chức quản lý phải có đơn xin phép và được sự đồng ý của người đứng đầu tổ chức, cơ sở quản lý viên chức.

Người đứng đầu tổ chức, cơ sở quản lý viên chức quyết định cử viên chức, viên chức quản lý tham gia điều hành, quản lý hoặc làm việc tại doanh nghiệp do tổ chức, cơ sở đó thành lập hoặc tham gia thành lập. Quyết định cử viên chức phải quy định rõ:

- Thời gian, hình thức (kiêm nhiệm, biệt phái, điều động, đại diện phần vốn góp);

- Đơn vị chỉ trả lương, thưởng, phụ cấp;

- Quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của viên chức đối với tổ chức, cơ sở cử viên chức và đối với doanh nghiệp mà viên chức, viên chức quản lý tham gia quản lý, điều hành, làm việc.

Quyền, nghĩa vụ của viên chức, viên chức quản lý khi tham gia quản lý, điều hành, làm việc tại doanh nghiệp bao gồm:

- Được trả lương, thưởng và các phụ cấp bảo đảm không thấp hơn mức hiện hưởng của viên chức, viên chức quản lý;

- Được tổ chức, cơ sở cử tham gia quản lý, điều hành, làm việc và doanh nghiệp nơi viên chức làm việc bảo đảm đầy đủ quyền lợi của viên chức, bao gồm đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bổ nhiệm, năng lượng, đánh giá xếp loại, khen thưởng, kỷ luật;

- Được bố trí công việc phù hợp khi hết thời hạn cử làm quản lý, điều hành, làm việc tại doanh nghiệp. Chế độ, chính sách không thấp hơn thời điểm viên chức, viên chức quản lý được cử tham gia quản lý, điều hành, làm việc tại doanh nghiệp;

- Thực hiện đầy đủ nội quy, quy chế của doanh nghiệp nơi làm việc;

- Viên chức tham gia quản lý, điều hành, làm việc tại doanh nghiệp phải thực hiện nghĩa vụ của viên chức theo quy định của pháp luật về viên chức, pháp luật doanh nghiệp trong phạm vi quyền hạn, trách nhiệm được giao.

VĂN QUANG

Các tin khác